Đối phó với việc tẩu tán tài sản
Một trong những vấn đề bất thường của vụ án này là bị cáo đã kịp ký sang tên nửa căn nhà cho mẹ bị cáo, có công chứng. Đây được coi là hành vi tẩu tán tài sản nhằm trốn tránh nghĩa vụ pháp lý về bồi thường thiệt hại.
Theo Điều 44 Luật Công chứng thì trường hợp Phong đang bị tạm giam, nếu có yêu cầu công chứng thì việc công chứng có thể diễn ra tại trại tạm giam. Do đó, việc công chứng viên vào trại công chứng là bình thường.
Nếu kiểm tra trên hệ thống, liên kết mạng, tài sản công chứng chuyển nhượng không bị ngăn chặn thì theo quy định, việc công chứng là bình thường. Tuy nhiên, thông thường công chứng viên cũng sẽ dùng những kinh nghiệm nghề nghiệp, vốn sống, hiểu biết... để quyết định việc có công chứng hay không. Chẳng hạn, công chứng viên công chứng tại trại tạm giam thì sẽ biết người giao dịch là ai, đang có nghĩa vụ gì...
Quá trình tố tụng, Phong chưa bồi thường cho bị hại nhưng có tài sản duy nhất lại bán đi, như vậy càng chứng minh rõ dấu hiệu tẩu tán tài sản, trốn tránh nghĩa vụ.
Hợp đồng công chứng thường đi kèm: “Các bên cam kết giao dịch đúng pháp luật, không nhằm tẩu tán tài sản”... chỉ là một hình thức sáo ngữ, là biện pháp tình thế để các bên an tâm. Sau này, nếu có việc trái pháp luật thì cũng phải giải quyết bằng pháp luật.
Những người có liên quan (như người được quyền nhận bồi thường) có quyền kiện việc dân sự đề nghị tòa tuyên bố hủy hợp đồng mua bán được công chứng trong trại tạm giam này. Đồng thời, tại phiên tòa hình sự đang diễn ra, họ có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định ngăn chặn, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với căn nhà đó.
Ngoài ra, khi xác định giao dịch nhằm tẩu tán tài sản, trốn tránh nghĩa vụ, việc công chứng là không phù hợp quy định pháp luật thì công chứng viên có quyền đề nghị tòa tuyên bố giao dịch vô hiệu. Đây là một trong những biện pháp khắc phục, sửa sai...
Công chứng viên NGUYỄN THANH LƯƠNG,
Hội Công chứng tỉnh Tiền Giang
Khó xử hình sự người cho bị cáo thuê xe
Về việc xử lý hình sự người cho thuê xe, Điều 264 BLHS quy định: Người nào giao cho người mà biết rõ người đó không có giấy phép lái xe hoặc đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác.
Trên thực tế, khó chứng minh người cho thuê xe biết người thuê không có giấy phép lái xe hoặc xài giấy giả, trừ trường hợp (có thể) là những người thân quen, người trong gia đình...
Bị cáo Phong xài bằng lái và CMND giả khi thuê xe. Luật hiện hành cũng không quy định trách nhiệm buộc người cho thuê xe phải biết (qua giám định) giấy tờ các loại của khách khi thuê xe là giả. Thực tiễn, các công ty cho thuê xe sẽ lưu giữ các bản phôtô giấy tờ.
Vì vậy, theo diễn biến vụ án này, rất khó để xem xét trách nhiệm hình sự người cho bị cáo thuê xe.
Về trách nhiệm bồi thường dân sự, chủ xe là chủ nguồn nguy hiểm cao độ, có trách nhiệm bồi thường khi xe gây tai nạn. Tuy nhiên, căn cứ khoản 2 Điều 601 BLDS 2015 thì xe này do bị cáo Phong thuê để tự lái, có hợp đồng nên trách nhiệm bồi thường vẫn thuộc bị cáo này.
Luật sư NGUYỄN DUY QUANG, Đoàn Luật sư TP.HCM
|