Bị cáo Cao Thị Minh Thuận (giám đốc Công ty Phú Hưng Phát) cho rằng tuy không hỏi lại nhưng biết ông Trần Hùng đã nhận 300 triệu đồng vì sau đó vụ vi phạm chỉ bị xử lý hành chính...
Ông Trần Hùng phủ nhận cáo buộc nhận hối lộ. Ảnh: HIẾU THIỆN
Không có việc xác nhận Hải đưa tiền cho ông Hùng
Ngày 20/7, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên sơ thẩm vụ sản xuất, mua bán hơn 9,4 triệu quyển sách giả đối với 36 bị cáo về các tội sản xuất, buôn bán hàng giả, nhận hối lộ, môi giới hối lộ và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Trong số các bị cáo, ông Trần Hùng, cựu cục phó Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Hà Nội, cựu tổ trưởng tổ 304 thuộc Tổng cục QLTT, bị truy tố về tội nhận hối lộ.
Luật sư bào chữa cho ông Hùng chất vấn các bị cáo khác nhằm làm sáng tỏ có hay không việc ông Hùng nhận hối lộ 300 triệu đồng và đồng ý giúp đỡ Cao Thị Minh Thuận.
Đầu tiên, luật sư hỏi bị cáo Nguyễn Duy Hải (lao động tự do), người mà cáo trạng xác định được Thuận nhờ đưa 300 triệu cho Trần Hùng: “Tại sao trưa 15/7, mặc dù đã biết chiều nhà ông Trần Hùng có giỗ nhưng sau đó bị cáo vẫn quay lại?”.
Hải đáp do được Kiều Nghiệp (cán bộ QLTT) hướng dẫn trong lúc đi ăn trưa. Sau khi đưa 300 triệu đồng cho Trần Hùng, Hải trở về nhà. Cũng theo lời Hải, bị cáo không hay đến phòng làm việc của ông Hùng. “Chỉ khi anh Hùng gọi điện tôi mới đến” - Hải nói.
Ngoài ra, Hải còn cho biết đã nhiều lần được ông Hùng dẫn đi bằng lối sau lên phòng làm việc nên chiều 15/7, bị cáo mới sử dụng lối này để mang tiền cho ông Hùng.
Đối đáp lại, ông Kiều Nghiệp cho rằng lời khai của Hải là không hoàn toàn chính xác.
Còn bị cáo Thuận cho rằng sau khi vụ việc bắt giữ hơn 27.000 quyển sách giả xảy ra, bị cáo không đề cập trực tiếp việc chi tiền với ông Hùng mà nhờ qua Hải.
Trả lời câu hỏi của luật sư về việc “khi Hải phản hồi đã đưa tiền cho ông Hùng, Thuận có xác thực lại chỗ ông Hùng không”, bị cáo Thuận cho hay không trao đổi lại với ông Hùng về việc trên.
“Vậy bị cáo căn cứ vào đâu cho rằng ông Hùng đã nhận tiền và nhận lời giúp đỡ bị cáo” - luật sư tiếp lời. “Vì sau đó, vụ việc được xử lý hành chính và bị cáo được thay đổi lời khai” - Thuận đáp.
Trong khi đó ông Hùng tiếp tục kêu oan và mong rằng các bị cáo hãy khai đúng sự thật.
Lời khai mâu thuẫn về chuyện đưa túi tiền 300 triệu
Trước đó, HĐXX dành khá nhiều thời gian để xét hỏi Nguyễn Văn Kim (thành viên Tổ công tác 304 thuộc Tổng cục QLTT).
Ông Kim trình bày sáng 14/7/2020 có ngồi cà phê cùng Trần Hùng và Kiều Nghiệp trên phố Nguyễn Xí (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội). Lúc sau thì Nguyễn Duy Hải, một người quen của ông Hùng, đi vào.
“Do ông Hùng và Hải sang bàn khác ngồi, cộng thêm quán ồn ào nên tôi không nghe chi tiết họ trao đổi gì, chỉ nghe loáng thoáng Hải đề cập việc giúp đỡ Cao Thị Minh Thuận. Còn chuyện ông Hùng và Hải có trao đổi chuyện tiền nong hay không, tôi không biết” - ông Kim khai.
Tiếp đó, theo lời ông Kim, 10 giờ hôm sau, ông được Kiều Nghiệp gọi lên phòng làm việc của ông Hùng uống nước. Khi đến nơi đã thấy Hải ngồi đấy. Hải có đưa điện thoại cho Trần Hùng nghe, nói chuyện với ai đó. Qua điện thoại, ông Hùng rất bức xúc bảo “việc đó để Hà Nội làm”.
Tới hơn 11 giờ, Kim rủ Kiều Nghiệp và “sếp” Hùng đi ăn trưa nhưng ông Hùng cáo bận việc gia đình, bảo Kim, Nghiệp, Hải đi ăn. Kim cùng Nghiệp ra khỏi phòng trước, vừa được vài bước thì nghe ông Hùng gọi Nghiệp quay lại.
“Anh Kiều Nghiệp quay lại và tôi nghe thấy anh ấy nói không được làm thế. Rồi thấy Nghiệp và Hải đi ra khỏi phòng ông Trần Hùng. Hải kẹp nách một túi bóng (túi nylon - PV) màu đen và gọi điện thoại cho ai đó” - nhân chứng Kim khai trước tòa.
HĐXX hỏi: “Ông có nghe thấy Hải, Hùng nói chuyện về Thuận và việc tiền bạc không?”. Kim trả lời là không nghe thấy việc cụ thể này.
Ngay sau đó, kiểm sát viên công bố bút lục lời khai của Kim với cơ quan điều tra. Theo đó, cả ở quán cà phê cũng như trong phòng làm việc của ông Hùng, Kim đều nghe thấy ông Hùng và Hải có bàn chuyện giúp Thuận và có đề cập tới tiền nong.
Đến đây, Kim giải thích với HĐXX: “Vì quán ồn ào, Hùng, Hải ngồi xa, nghe tiếng được tiếng mất, không rõ nên tôi nghĩ như vậy và khai thế”. Kim còn cho biết chưa bao giờ gọi cho Hải nhắc tới con số 100 triệu đồng.
Phản bác lại lời Kim, Hải cho biết: “Kim có gọi cho bị cáo hỏi 100 triệu bao giờ đưa rồi Kim bảo TH ăn một mình hết rồi”. (TH nhắc tới ở đây, như Kim xác nhận, là cách mà mấy anh em QLTT nói về Trần Hùng).
Từ khu vực nhân chứng, Kim giơ tay đề nghị được phát biểu. Được thẩm phán chấp thuận, Kim lớn giọng: “Anh rất đề nghị em nói chính xác. Mình mà nói không khách quan sẽ có tội với người khác. Em biết là anh rất khó khăn”. Rồi Kim hướng về HĐXX: “Tôi thề có những đứa con còn nhỏ… tôi không dám nói dối”.
Tiếp tục làm rõ diễn biến sự việc, VKS hỏi nhân chứng Kiều Nghiệp về việc tối 14/7, Nghiệp có liên hệ, hẹn Hải sáng hôm sau lên gặp Trần Hùng không. Nghiệp đáp không liên hệ.
Đến đây, kiểm sát viên công bố lời khai và bút lục trong hồ sơ vụ án, theo đó có tin nhắn Nghiệp hẹn Hải sáng 15/7 lên phòng Trần Hùng. Đến đoạn này, nhân chứng Kiều Nghiệp im lặng.
Cáo buộc nhận hối lộ 300 triệu đồng
Theo cáo trạng, năm 2021, Cao Thị Minh Thuận cùng đồng phạm sản xuất hơn 9,4 triệu quyển sách giả các loại liên quan Nhà xuất bản Giáo dục, trị giá sách in trên bìa là hơn 260 tỉ đồng. Nhóm này đã tiêu thụ hơn 6,3 triệu quyển, còn 3 triệu quyển chưa kịp bán thì bị cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ. Tổng số tiền thu lời bất chính hơn 30 tỉ đồng.
Vụ việc đủ dấu hiệu chuyển cơ quan điều tra giải quyết nhưng ông Trần Hùng đã chỉ đạo xử lý hành chính. Ông Hùng bị cáo buộc nhận hối lộ 300 triệu đồng.
Theo Hiếu Thiện/ Pháp Luật TP HCM