Bắt cóc trẻ em, đòi tiền chuộc: “Túng làm liều” hay đạo đức xuống cấp?

Google News

Lý do một số bị can trong vụ bắt cóc tống tiền đưa ra do nợ nần, túng quẫn mà làm liều là không thuyết phục, không phải lời bào chữa có thể được ghi nhận.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An vừa khởi tố bị can Nguyễn Thanh Sơn (SN 1989, ấp 6, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa) về hành vi “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”. Chiều 2/10, Sơn đã bắt cóc bé gái 3 tuổi con của bạn thân sau đó đòi tiền chuộc lên đến 2 tỷ.
Trước đó tại Hà Nội đã xảy ra vụ việc thương tâm ngày 19/9, đối tượng Giáp Thị Huyền Trang (SN 1996, xã Việt Ngọc, Tân Yên, Bắc Giang, là người được thuê đón cháu bé) đã bắt cóc bé gái gần 2 tuổi, đòi 1,5 tỷ tiền chuộc. Gia đình cháu bé đã chuyển 550 triệu đồng nhưng Trang đã sát hại cháu bé trước đó, sau đó đã tự sát.
Bat coc tre em, doi tien chuoc: “Tung lam lieu” hay dao duc xuong cap?
Đối tượng Nguyễn Thanh Sơn kẻ bắt cóc con của bạn thân đòi 2 tỷ tiền chuộc ở Long An. 
Đây chỉ là 2 vụ án điển hình về bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản xảy ra thời gian qua nhưng khiến dư luận bất an. Điểm chung của 2 vụ án này là các đối tượng thực hiện hành vi đều lâm cảnh nợ nần. Câu hỏi đặt ra nguyên nhân của những vụ bắt cóc trẻ em do “túng làm liều” hay còn nguyên nhân sâu xa nào khác?
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, những vụ bắt cóc trẻ em nhằm chiếm đoạt tài sản xảy ra ngày càng nhiều trong xã hội cho thấy đạo đức xã hội đang xuống cấp.
Hành vi của các đối tượng bắt cóc trẻ em nhằm chiếm đoạt tài sản là táo tợn, liều lĩnh, coi thường pháp luật nên cái giá phải trả sẽ là hình phạt nghiêm khắc.
Trong cuộc sống ai cũng có lúc gặp khó khăn, tuy nhiên đối mặt với những khó khăn đó, giải quyết như thế nào sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như hoàn cảnh sống, kinh nghiệm, kỹ năng sống, trình độ nhận thức... Quan trọng nhất là vấn đề đạo đức, nền tảng đạo đức của mỗi con người, sẽ quyết định lựa sự lựa chọn phương thức giải quyết khó khăn.
Những người gặp khó khăn mà có đạo đức, có giáo dục, có ý thức chấp hành pháp luật họ sẽ lựa chọn những hành vi phù hợp với pháp luật, phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội để giải quyết khó khăn của mình.
Ngược lại, với những người khó khăn, túng quẫn mà thiếu đạo đức, tính ích kỷ trong con người sẽ trỗi dậy, chỉ vì để giải quyết khó khăn của bản thân mà đối tượng sẵn sàng xem nhẹ luân thường đạo lý, coi thường pháp luật để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật như trộm cắp, cướp tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc có các hành vi khác xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác nhằm thỏa mãn nhu cầu vật chất của bản thân.
Khi giáo dục đạo đức nhân cách có hiệu quả, ý thức tôn trọng người khác, tôn trọng pháp luật của đại đa số người dân được nâng cao, những hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm và tài sản của công dân sẽ giảm đi.
Với những con người có đạo đức, có giáo dục, có ý thức làm chủ cảm xúc bản thân thì sẽ không vì quyền lợi cá nhân, sự ích kỷ cá nhân mà xâm phạm trái pháp luật đến quyền lợi của người khác.
Bởi vậy, lý do một số bị can trong vụ bắt cóc nhầm chiếm đoạt tài sản đưa ra là do nợ nần, túng quẫn mà làm liều là không thuyết phục, không phải là lời bào chữa có thể được ghi nhận.
Những vụ bắt cóc trẻ em nhằm chiếm đoạt tài sản trong thời gian qua cho thấy các đối tượng đều là những người được học hành, có vị trí công tác, có địa vị xã hội như công an, giáo viên... là những người được đào tạo đặc biệt, có trách nhiệm xã hội rất lớn trong việc bảo vệ công dân, bảo vệ trẻ em nhưng chỉ vì nợ nần mà các đối tượng sẵn sàng bất chấp pháp luật để thực hiện hành vi phạm tội.
Điều này cho thấy không chỉ không phải những người có học hành, có vị trí công tác, địa vị xã hội mà có đạo đức cao. Rất nhiều đối tượng mặc dù được học hành đào tạo bài bản nhưng thiếu tu dưỡng rèn luyện đạo đức, ý thức coi thường pháp luật vẫn sẽ bị trượt, bị "tụt dốc" sa ngã vào các tệ nạn xã hội rồi trở thành tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác...
Các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội trong các tình huống này thường là những đối tượng được nuông chiều, muốn gì được đó, không phải đối mặt với khó khăn, vất vả, quen được mọi người xung quanh phục vụ, đến khi gặp khó khăn không đủ tỉnh táo minh mẫn để lựa chọn cho mình cách xử lý phù hợp, thêm vào đó là tính ích kỷ cá nhân, thiếu đạo đức nên đã thực hiện hành vi phạm tội.
Có những đối tượng thiếu sự quan tâm giáo dục của gia đình, thiếu ý thức chấp hành pháp luật nên khi gặp khó khăn, túng quẫn thì tính ích kỷ trỗi dậy nên sẵn sàng làm liều để thỏa mãn nhu cầu cá nhân.
Ngoài ra những yếu tố tác động của xã hội như cờ bạc, những hoạt động lừa đảo trên mạng internet cũng đẩy nhiều người vào tình cảnh khó khăn túng quẫn, bế tắc, nếu người đó không có bản lĩnh, thiếu đạo đức, ý thức coi thường pháp luật thì có thể làm liều, làm mọi cách để có tiền, giải quyết khó khăn trước mắt. Nhiều đối tượng bị nợ nần, bị thúc ép đòi nợ mà không tỉnh táo, suy nghĩ không thấu đáo, thiếu bản lĩnh có thể lựa chọn cái chết để thoát nợ. Đối tượng khác ích kỷ, liều lĩnh lại lựa chọn cách thức vi phạm pháp luật để chiếm đoạt tài sản của người khác nhằm giải quyết khó khăn cho bản thân. 
Bat coc tre em, doi tien chuoc: “Tung lam lieu” hay dao duc xuong cap?-Hinh-2
Cháu bé trong vụ bắt cóc ở Long An được giải cứu. 
Hai đối tượng trong hai vụ án này đều có ý định tự tử, đây là tình tiết rất đáng chú ý, cho thấy ý thức coi thường pháp luật, xem nhẹ tính mạng của bản thân và coi thường tính mạng, tài sản của người khác, coi thường pháp luật.
Theo quy định của pháp luật hiện nay, hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản chỉ có hình phạt cao nhất là tù chung thân, các đối tượng thực hiện hành vi bắt cóc nhầm chiếm đoạt tài sản đều biết hậu quả pháp lý mà mình phải đối mặt khi sự việc bị bại lộ, bị bắt giữ.
Tuy nhiên, nhiều đối tượng khi thực hiện hành vi bắt cóc trẻ em nhằm chiếm đoạt tài sản đã nghĩ đến cái chết. Đây là suy nghĩ rất nguy hiểm, thể hiện sự bồng bột, nông nổi, thể hiện con người thiếu tu dưỡng rèn luyện đạo đức, thiếu bản lĩnh và ý thức coi thường pháp luật.
Qua các vụ bắt cóc trẻ em nhằm chiếm đoạt tài sản, cho thấy vấn đề nâng cao cảnh giác của các bậc phụ huynh, các cơ sở giáo dục trong việc giao con mình cho người khác đưa đón, quản lý, đặc biệt là những người có lối sống thiếu lành mạnh, đang lâm vào tình trạng nợ nần túng quẫn hoặc có biểu hiện tâm lý bất ổn.
Để giảm thiểu những vụ án bắt cóc trẻ em nhằm chiếm đoạt tài sản cần phải thực hiện đồng bộ đầy đủ rất nhiều các giải pháp trong đó có giải pháp về cơ chế chính sách, giải pháp về pháp luật, giải pháp về tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, giải pháp về phát hiện đấu tranh phòng ngừa tội phạm.
Về lâu dài thì cần tăng cường các giải pháp về giáo dục, đảm bảo tính hiệu quả trong công tác giáo dục để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của công dân, loại bỏ các nguyên nhân điều kiện phạm tội trong đó có những hành vi đánh bạc trái phép, đòi nợ thuê thúc ép, thúc đẩy người khác thực hiện hành vi phạm tội.
>>> Mời độc giả xem thêm video Chân dung nghi phạm bắt cóc con gái của bạn đòi 2 tỷ tiền chuộc
  
Hải Ninh