Liên quan đến vụ bắt cóc, cưỡng đoạt 35 tỷ đồng “tiền điện tử” trên cao tốc Long Thành – Dầu Giây vào ngày 18/5, lực lượng chức năng đã bắt giữ 7 đối tượng liên quan gồm: Hồ Ngọc Tài (31 tuổi), Trần Ngọc Hoàng (37 tuổi, cùng quê Đà Nẵng), Mai Xuân Phốt (28 tuổi, quê Quảng Nam), Nguyễn Văn Đức (24 tuổi, quê Đắk Lắk), Trương Chí Hải (31 tuổi), Trịnh Tuấn Anh (35 tuổi) và Bùi Quang Chung (24 tuổi, cùng ở TP.HCM).
Nạn nhân trong vụ án là anh K. – một doanh nhân có tham gia lĩnh vực “tiền điện tử”. Nhóm thủ phạm khai nhận cũng chơi “tiền điện tử” nhưng bị thua lỗ. Cho rằng anh K. là tác nhân gây thất bại nên nhóm này đã lên kế hoạch bắt cóc bằng cách dàn dựng hiện trường tông xe. Khi anh K. xuống giải quyết thì nhóm thủ phạm bắt nạn nhân và gia đình lên xe của chúng.
|
Các đối tượng trong vụ bắt cóc, cưỡng đoạt 35 tỷ. (Ảnh: Công an cung cấp) |
Trong quá trình di chuyển, chúng đánh đập và dọa bơm kim tiêm có HIV vào anh K. và vợ con. Lo sợ cho tính mạng của gia đình, anh K. phải chuyển số tiền điện tử trị giá 35 tỷ đồng vào tài khoản của đối tượng. Nhóm này còn yêu cầu anh K. gọi cho người nhà chuyển 9 triệu USD. Trong lúc gọi, anh K cố tình kêu “đừng đánh nữa” nên người nhà sinh nghi và trình báo cho công an.
Phải mất gần 1 tháng, các lực lượng chức năng mới truy bắt thành công nhóm tội phạm.
Theo luật sư Đạt Nguyễn (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nhận định, là một vụ án hiếm thấy tại Việt Nam, các đối tượng có sự chuẩn bị rất bài bản, chi tiết như trong các bộ phim hành động của Hollywood.
“Tiền điện tử là một hiện tượng mới xuất hiện và tạo được sự thu hút ở Việt Nam vài năm trở lại đây, xung quanh nó cũng đã xuất hiện khá nhiều những vấn đề pháp lý và các vấn đề có liên quan”. – Luật sư Đạt Nguyễn phân tích.
Loại tiền điện tử được nhiều người biết tới ở Việt Nam hiện nay là Bitcoin. Người dùng mua loại tiền này trên các sàn giao dịch ảo. Khi giao dịch, tiền điện tử sẽ được mã hóa để chuyển vào tài khoản người dùng, có thể sử dụng các loại ví điện tử được gọi là “ví lạnh” để lưu trữ. “Ví lạnh” có hình thức giống một chiếc USB có màn hình, chuyên để lưu trữ và tiện cho việc chuyển nhượng tiền điện tử. Giá trị của mỗi loại tiền điện tử có thể lên xuống theo từng ngày giống như chứng khoán, theo quy luật cung cầu.
Cũng theo luật sư Đạt Nguyễn, pháp luật hiện hành của Việt Nam không công nhận các loại tiền điện tử là một phương tiện thanh toán, nếu phát hành, cung ứng sử dụng chúng như một phương tiện thanh toán là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, việc sử dụng nó vào các mục đích, giao dịch khác thì không có văn bản quy phạm pháp luật nào hạn chế.
|
Luật sư Đạt Nguyễn. |
“Nhìn ở góc độ luật dân sự, theo quan điểm cá nhân tôi, đó là một loại tài sản, chính xác hơn là quyền tài sản phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự 2015 “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản” – Luật sư Đạt Nguyễn phân tích.
Theo đó, quyền tài sản là quyền có thể trị giá được thành tiền, và chuyển giao được trong giao dịch dân sự. Như vụ việc cướp tài sản của đại gia TP.HCM có thể thấy, số tiền điện tử trị giá 35 tỷ được rút và bán ra thị trường thu về tiền mặt.
“Trong tương lai gần, có thể còn phát sinh thêm nhiều vụ việc liên quan đến tiền điện tử” – Luật sư Đạt Nguyễn lưu ý.
Về khung hình phạt, vị luật sư này nhận định các đối tượng liên quan đến hai tội Cướp tài sản (số tiền chiếm đoạt lên đến 35 tỷ đồng đối diện với khung hình phạt tù 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân) và tội Bắt cóc chiếm đoạt tài sản (khung hình phạt tù 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân).
“Bên cạnh đó, có một số tình tiết có dấu hiệu tăng nặng trách nhiệm hình sự có thể được xem xét áp dụng như: phạm tội có tổ chức; phạm tội có tính chất côn đồ... để xác định mức hình phạt” – Luật sư Đạt Nguyễn cho biết.
Theo Trọng Phú/VOV.VN