Bảo vệ giành bằng cử nhân và nỗi buồn đeo đẳng sinh viên Việt

Google News

Thiếu định hướng rõ ràng, không đeo đuổi mơ ước, nhiều học sinh Việt Nam đang chọn nghề theo kiểu nhiều người chọn, áp lực của phụ huynh để rồi đến khi ra trường lại thất nghiệp.

Những ngày gần đây báo chí trong nước và nước ngoài rầm rộ đưa tin, Erwin Macua, nhân viên bảo vệ gắn bó với trường St Theresa's College (thành phố Cebu, Philippines) gần hai thập kỷ đã bước lên bục nhận bằng tốt nghiệp cử nhân ngày 25/3/2017.
Bảo vệ giành bằng cử nhân
Người đàn ông 38 tuổi này đã dành 4 năm vừa làm bảo vệ vừa làm sinh viên, đồng thời vẫn làm đúng vai trò của ông bố 3 con. Những nỗ lực của Macua được công nhận bởi tấm bằng cử nhân giáo dục tiểu học.
"Tuổi tác không phải là trở ngại. Sự nghèo khó cũng không thể cản bước. Hãy cứ theo đuổi giấc mơ của mình với công thức chăm chỉ + quyết tâm + cầu nguyện và bạn sẽ thành công", anh nói.
Mặc dù phải làm việc ca đêm từ 7h tối đến 7h sáng, Macua vẫn duy trì đến lớp đều đặn từ 7h30 đến 4h chiều, theo Cebu Daily News. Hoàn thành bậc đại học luôn là mơ ước của Macua. Anh muốn trở thành giáo viên bởi thích làm việc với trẻ con và tin rằng giáo dục có thể giúp thay đổi cuộc sống mỗi người.
Bao ve gianh bang cu nhan va noi buon deo dang sinh vien Viet
Ảnh minh họa. 
Macua dự định tiếp tục làm bảo vệ tại St Theresa trong khi chuẩn bị cho kỳ thi lấy bằng dạy học.
"Chọn nghề nghiệp vì nghề đó hot, coi nó là công cụ kiếm tiền và thăng tiến có nghĩa là bạn đã thất bại ngay từ đầu trong việc định hướng. Nghề nghiệp cũng như con người, nếu không cùng nó phát triển thì sẽ nhanh chóng bị đào thải", TS Phạm Mạnh Hà
Mới đây, trên nhiều trang mạng đưa ra câu chuyện lý thú về một chàng trai yêu thích chiếc laptop thế hệ mới nhưng không dám mua. Lí do, bạn gái anh ta cấm vì nghĩ anh ta không có tiền và đã có một cái laptop cũ. Dân mạng nhiều người bàn tán: Đến niềm yêu thích còn không dám thực hiện, đeo đuổi thì còn làm được gì. Kết cục là chàng trai đã mạnh dạn mua trả góp và chịu khó cày kéo làm thêm để rồi chỉ một thời gian ngắn đã trả xong nợ.
Cũng trên một trang mạng vừa đưa ra câu chuyện về nghệ thuật đi đường vòng. Chuyện rằng, có một chàng trai cũng có vốn kiến thức và tự tin về thiết kế thời trang. Anh ta đến xin việc ở một công ty thời trang nổi tiếng. Người tuyển việc sau hồi phỏng vấn nói rằng, trình độ của anh chỉ nên đảm nhận làm bảo vệ thôi, và công ty sẵn sàng nhận anh vào vị trí bảo vệ. Cảm thấy bị xúc phạm, chàng trai bỏ về nhà.
Người bố nghe câu chuyện của chàng trai liền rủ con ra sông bắt cá về nấu ăn. Tuy nhiên ở sông đã có quá nhiều người và chàng trai cùng bố không thể bắt được cá. Ông bố đã hái một ít rau ở gần đó rồi cùng chàng trai về nhà.
Tối đó, bữa ăn có một nồi cá thật ngon. Chàng trai ngạc nhiên hỏi cá ở đâu vậy.??? Ông bố nói, ông đã bán chỗ rau hái được và dùng tiền để mua cá. "Đôi khi chúng ta phải đi đường vòng để đạt được vinh quang con ạ, miễn là con đừng bỏ niềm say mê", ông bố nói.
Hiểu được thông điệp của bố, hôm sau chàng trai quay lại công ty thời trang kia và xin vào làm bảo vệ. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau, anh đã được cất nhắc lên vị trí thiết kế chính bởi trong thời gian làm bảo vệ anh không từ bỏ niềm đam mê vẽ và đã có dịp trình bày các ý tưởng thiết kế của mình với cấp trên.
Và nỗi buồn của sinh viên Việt
Trở lại với thực trạng ở Việt Nam, nhiều chuyên gia nhận định học sinh Việt Nam đang chọn nghề theo kiểu: nhiều người chọn, áp lực của phụ huynh,… rồi đến khi ra trường khoảng 50% lại không sử dụng đến tấm bằng đã học.
Nói về định hướng nghề nghiệp trong tương lai, TS. Lê Thẩm Dương (giảng viên trường Đại Học Ngân Hàng Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, việc người chọn nghề hay nghề chọn người có sự biện chứng hai bên. Nghề chọn người nhưng người không chọn nghề thì cũng sẽ không thể thành công.
“Và, không tìm được đam mê, không tìm được sở trường thì chỉ có thể chấp nhận thua cuộc”, TS. Lê Thẩm Dương nhấn mạnh.
Vị Tiến sĩ này nhìn nhận, sinh viên Việt Nam hiện nay dù khi học có thể rất giỏi thì nhiều bạn vẫn rơi vào tình huống không xin được việc. Đây là một vấn đề đáng buồn cần giải pháp thay đổi mà sự thay đổi đầu tiên chính từ suy nghĩ, ý thức của mỗi sinh viên để xác định rõ định hướng và quyết tâm cho tương lai của mình.
Theo thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cả nước hiện có trên 225.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Nhiều cử nhân, thạc sĩ được đào tạo ra không xin được việc làm một phần đã cho thấy trình độ và kỹ năng của họ không đáp ứng được yêu cầu xã hội nên rất khó tìm việc.
Theo Châu Anh/Tiền Phong