Bão số 7 gây mưa lớn ở miền Bắc, nguy cơ vỡ đập cao

Google News

(Kiến Thức) - Bão số 7 đổ bộ tuy đã vào Trung Quốc, nhưng hoàn lưu bão có thể gây mưa rất lớn trong khi các hồ nhỏ đã đầy nước, nguy cơ vỡ đập rất cao.

Thông tin mới nhất về cơn bão số 7 từ Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương, vào trưa nay (27/8) bão số 7 đã đi vào khu vực phía Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12. Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông ngày hôm nay (27/08) còn có gió mạnh cấp 7, giật cấp 8-9; biển động mạnh. Trong 06 giờ tới, vùng nguy hiểm (gió mạnh từ cấp 6 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 19 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 110,0 độ Kinh Đông.
Ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp suy yếu từ cơn bão số 7, sau đó hình thành một rãnh áp thấp qua Bắc Bộ nên từ gần sáng ngày 28/08 đến hết ngày 31/08 ở Bắc Bộ có mưa diện rộng; khu vực Tây Bắc và Việt Bắc mưa vừa, mưa to (tổng lượng mưa phổ biến 100-150mm/đợt, có nơi trên 200mm). Khu vực các tỉnh Bắc Trung Bộ từ ngày 29-31/08 có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to.
Bao so 7 gay mua lon o mien Bac, nguy co vo dap cao
 Vị trí và hướng di chuyển của cơn bão số 7.
Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập úng cục bộ, vỡ đập là rất cao
Bão số 7 sẽ đổ bộ vào Trung Quốc, nhưng hoàn lưu bão có thể tiếp tục gây mưa lớn tại các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ. Nguy cơ tiếp tục xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập úng cục bộ là rất cao, nhất là tại các khu vực xảy ra mưa lớn vừa qua.
Tại cuộc họp khẩn với các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai để triển khai các biện pháp ứng phó bão số 7, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, hiện nay, ở nhiều khu vực các tỉnh phía bắc, tình hình địa chất kém, độ che phủ rừng thấp nên dẫn đến nguy cơ sạt sở, lũ quét rất cao. Do đó, cần có biện pháp để chủ động ứng phó; tăng cường tuyên truyền để người dân không chủ quan.
Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng lại bày tỏ lo lắng thêm về tình hình các hồ chứa. Các hồ thuỷ điện tại miền Bắc (trừ hồ Hoà Bình) đều đã tích dư mức nước, tương đương đến ngày 15/9. Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cho biết: “Các hồ nhỏ giờ đã đầy hết nước, nguy cơ vỡ đập rất cao”.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng, mặc dù cơn bão số 7 được dự báo không đi thẳng vào nước ta, tuy nhiên, hoàn lưu bão sẽ gây mưa lớn trên diện rộng, nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi phía bắc vẫn rất cao. Do đó, các bộ ngành, địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ vừa qua, đồng thời tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó, hạn chế thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước.
Khẩn trương ứng phó bão số 7
Ngay trong sáng 27/8, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký Công điện của Thủ tướng Chính phủ gửi các bộ, ngành, địa phương về việc ứng phó mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 7.
Công điện nêu rõ: “Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành và các địa phương có liên quan khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ vừa qua, đồng thời tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó, hạn chế thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước”.
Bao so 7 gay mua lon o mien Bac, nguy co vo dap cao-Hinh-2
 Cuộc họp khẩn triển khai các biện pháp ứng phó bão số 7. Ảnh VGP.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh tiếp tục chỉ đạo kiểm tra, rà soát để chủ động sơ tán khẩn cấp các hộ dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là những nơi vừa qua đã bị sạt lở, lũ quét, khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ ống, lũ quét hoặc vùng thấp trũng dễ bị ngập sâu khi mưa lớn để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
Tập trung khắc phục hậu quả đợt mưa lũ vừa qua; triển khai các biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ đê điều, hồ đập theo cấp báo động; Bố trí lực lượng, phương tiện kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn giao thông an toàn tại các khu vực nước ngập sâu, chảy xiết, nhất là qua các ngầm, tràn; Chủ động tiêu thoát nước chống ngập úng và triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất nông nghiệp.
Bộ NN&PTNT chỉ đạo các cơ quan chức năng và các địa phương kiểm tra, vận hành an toàn các hồ chứa thuỷ lợi, triển khai các biện pháp bảo vệ đê điều, hồ đập và công trình thủy lợi, giảm thiểu thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp. Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị quản lý hồ đập thủy điện triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đối với hầm lò, khu vực khai thác khoáng sản, hồ đập thủy điện và hệ thống điện.
>>> Mời độc giả xem video Bão số 7, áp thấp nhiệt đới “thăm” Biển Đông - Nguồn VTC1:
Bộ GTVT chỉ đạo khắc phục nhanh sự cố trên các trục giao thông chính trong các đợt mưa lũ vừa qua; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện tại các khu vực trọng điểm, xung yếu có nguy cơ sạt lở để sẵn sàng khắc phục ngay khi xảy ra sự cố; Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo chuẩn bị lực lượng, phương tiện, sẵn sàng hỗ trợ địa phương tổ chức sơ tán, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Bộ TN&MT chỉ đạo theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, tổ chức dự báo, cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tin đại chúng và các cơ quan có liên quan để kịp thời thông tin đến người dân và phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó với bão, mưa lũ…
Trước đó, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và Văn phòng thường trực và đã có công điện số 50/CĐ-TW và 49/CĐ-TW ngày 26/8 gửi Ban chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận, các tỉnh miền núi phía Bắc và Bộ ngành về việc chủ động ứng phó với bão số 7 và ATNĐ trên biển Đông cũng như mưa lớn có thể xảy ra sau bão; trong đó đã lưu ý Bộ Giao thông vận tải tăng cường chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn tàu vận tải trên biển.
Sáng 26/8 Thường trực Ban chỉ đạo đã họp với cơ quan dự báo, Biên phòng, Ủy ban QGTKCN, các Tổng cục Thủy lợi, Thuỷ sản, các cơ quan truyền thông để triển khai ứng phó với bão số 7 và ATNĐ trên biển Đông. Các Bộ Giao thông vận tải, Công An đã có công điện chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai các biện pháp chủ động ứng phó với bão số 7, ATNĐ.
Báo cáo nhanh ngày 26/8/2017 của Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng và các địa phương, tính đến 16h00 ngày 26/8/2017, các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 69.772 phương tiện/330.677 lao động về diễn biến, hướng di chuyển của bão số 07 và ATNĐ trên biển để chủ động di chuyển phòng tránh.
5 người chết và mất tích do ảnh hưởng bão số 6:
Báo cáo nhanh của Ban chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Kạn, tình hình thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 6 tính đến 17h00 ngày 26/8/2017 như sau: 3 người chết (Thái Nguyên: 2 người do lũ cuốn vào ngày 25/8/2017; Yên Bái: 1 người bị sét đánh); 2 người mất tích (Hà Giang 1 người, Lào Cai 1 người); 7 nhà bị sập hoàn toàn (Yên Bái: 2; Lào Cai 2; Tuyên Quang: 3); 428 nhà bị hư hỏng. Hơn 32,2 ha lúa bị thiệt hại, 2.524 ha bị ngập; 5137 con gia súc bị chết tập trung chủ yếu ở tỉnh Thái Nguyên; Gia cầm là 7.020 con bị chết (Tuyên Quang 400 con, Thái Nguyên 5.080 con, Yên Bái 1.270 con, Lào Cai 260 con, Bắc Kạn 10 con)…
Hải Ninh