Báo cáo tại Hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 về các giải pháp khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng sáng 15/9, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, bão số 3 đã gây thiệt hại lớn về tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước.
Theo đó, bão số 3 đã làm 353 người chết và mất tích, khoảng 1.900 người bị thương, đồng thời gây tác động sang chấn tâm lý nặng nề cho nhiều người dân tại khu vực thiên tai, nhất là trẻ em, người cao tuổi, đối tượng dễ bị tổn thương.
|
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến, các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố góp ý để trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về khắc phục hậu quả siêu bão số 3.
|
Bên cạnh đó, ước tính sơ bộ, chưa đầy đủ, bão số 3 gây thiệt hại khoảng 40.000 tỷ đồng về tài sản của nhân dân và nhà nước. Trong đó, khoảng 257.000 căn nhà, 1.300 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại; 305 sự cố đê điều, chủ yếu là các tuyến đê lớn từ cấp III trở lên…
Ngoài ra, có trên 262.000 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại, gẫy đổ; 2.250 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; gần 2,3 triệu gia súc, gia cầm bị chết và gần 310 nghìn cây xanh đô thị gẫy đổ.
Đáng chú ý, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm của cả nước và nhiều địa phương dự báo chậm lại. Tăng trưởng GDP quý III của cả nước có thể giảm 0,35 điểm %; quý IV giảm 0,22 điểm % so với kịch bản không có bão số 3. Ước cả năm, GDP có thể giảm 0,15 điểm % so với kịch bản ước tăng trưởng có thể đạt 6,8-7%.
Trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản giảm 0,33 điểm %, công nghiệp và xây dựng giảm 0,05 điểm % và dịch vụ giảm 0,22 điểm %.
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2024 của nhiều địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai… có thể giảm trên 0,5 điểm %.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, tại các địa phương chịu ảnh hưởng của bão số 3, nhiều tuyến đường bị ngập lụt, hư hại, khiến hoạt động lưu thông (nhất là đường bộ và đường sắt) bị đình trệ cục bộ.
Các trang trại, hộ trồng lúa, hoa màu…, hộ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tại hầu hết địa bàn bị ảnh hưởng bởi bão số 3, cả ở khu vực ven biển, đô thị, giáp ranh đô thị, nông thôn, miền núi… Đây là đối tượng chịu thiệt hại nặng nề nhất, cần nhiều nguồn lực, thời gian để tái đàn, tái vụ, tái sản xuất, đặc biệt khi miền Bắc đang trong thời gian gieo trồng vụ mùa, chưa bước vào thời điểm thu hoạch.
|
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ ra những bài học kinh nghiệm quan trọng cần rút ra sau những thiệt hại nặng nề của cơn bão số 3.
|
Về du lịch, lưu trú, nhiều cơ sở bị hư hỏng, phải đóng cửa để sửa chữa. Theo đó, miền Bắc sẽ bỏ lỡ mùa khách du lịch quốc tế (từ tháng 9 năm nay đến tháng 4/2025), có thể không thu hút được khách trong nước, đặc biệt là các địa điểm du lịch trọng điểm như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Giang…
Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, xây dựng cũng bị tác động của cơn bão, nhất là tác động gián tiếp khi bị mất điện, thông tin liên lạc, lao động và gia đình người lao động bị ảnh hưởng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng lưu ý, các vấn đề xã hội, nhất là y tế, giáo dục, môi trường, nước sạch nông thôn, nước sạch đô thị, lao động việc làm, đời sống người dân… cần đặc biệt được quan tâm, ưu tiên nguồn lực và triển khai nhanh, không để phát sinh dịch bệnh.
Bên cạnh đó, xuất hiện nhiều thông tin xấu, không chính xác, gây tâm lý hoang mang, lo sợ trong người dân, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống bão lũ và khắc phục thiệt hại sau bão. Tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội xuất hiện một số yếu tố phức tạp, nhất là lừa đảo qua mạng.
Dẫn báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sơ bộ tại 20/26 tỉnh, thành phố, ước tính dư nợ bị ảnh hưởng là khoảng 80.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 5% dư nợ trên địa bàn). Trong đó, tại Quảng Ninh và Hải Phòng có 11.700 khách hàng bị ảnh hưởng với dư nợ khoảng 23.100 tỷ đồng.
Ngoài các thiệt hại về kinh tế, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, các vấn đề xã hội, nhất là y tế, giáo dục, môi trường, nước sạch nông thôn, nước sạch đô thị, lao động việc làm, đời sống người dân… cũng cần đặc biệt được quan tâm, ưu tiên nguồn lực và triển khai nhanh sau bão, lũ lụt, không để phát sinh dịch bệnh, tránh gây tác động cộng hưởng đến đời sống người dân.
Để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị cần tập trung thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.
Cụ thể, bảo vệ tính mạng, an toàn, sức khỏe của Nhân dân; hỗ trợ khôi phục các hoạt động đời sống, xã hội để ổn định cuộc sống Nhân dân, nhất là tại các địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi bão lũ, ngập lụt, sạt lở đất; hỗ trợ các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp để khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh; chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với thiên tai, bão lũ, ngập lụt, sạt lở… trong thời gian tới; cần có cơ chế, chính sách, giải pháp cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để triển khai các chính sách hỗ trợ.
Quảng Ninh thiệt hại hơn 23000 tỷ, Hải Phòng hơn 11.000 tỷ, Hải Dương hơn 1500 tỷ
Ngày 15/9, thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, thống kê đến thời điểm này, tổng thiệt hại do bão số 3 gây ra cho tỉnh Quảng Ninh khoảng 23.770 tỷ đồng.
Theo đó, bão số 3 đã khiến 25 người thiệt mạng, hơn 1600 người bị thương và gây thiệt hại rất nặng về vật chất đối với tỉnh Quảng Ninh. Toàn tỉnh Quảng Ninh có hơn 102.000 nhà bị tốc mái, 251 nhà bị đổ sập, hơn 4.900 nhà bị ngập, sạt lở. Về nông nghiệp: Hơn 2.600 cơ sở nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, 41 tàu khai tác thủy sản bị chìm; hơn 7.400ha hoa màu, lúa bị ngập úng; hơn 2.000 gia súc và 345.000 gia cầm bị chết; gần 90.000ha rừng trồng bị gẫy đổ.
Về điện và viễn thông, hơn 5.400 cây cột điện các loại bị gẫy, đổ; 73 trạm điện, 1.211 trạm viễn thông mất liên lạc và 739 cột viễn thông bị hư hỏng… cùng nhiều thiệt hại vật chất khác về cơ sở hạ tầng giao thông, kinh tế, xã hội. Đến thời điểm này, tỉnh Quảng Ninh đã tạm cấp kinh phí hỗ trợ đợt 1 khoảng 180 tỷ đồng cho các địa phương, đồng thời UBND tỉnh đã thành lập tổ công tác xây dựng chính sách hỗ trợ, khắc phục hậu quả bão số 3. Để kịp thời ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng của cơn bão số 3, HĐND tỉnh Quảng Ninh dự kiến sẽ họp phiên bất thường vào ngày 23/9 tới.
Tại Hải Phòng, báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự TP Hải Phòng, tính đến ngày 14/9 trên địa bàn thành phố có 2 người tử vong (tại huyện Tiên Lãng và huyện Thủy Nguyên), 65 người bị thương. Bão Yagi làm hơn 100.000 nhà ở bị hư hại; 94 công trình quốc phòng, an ninh bị hư hại; 575 điểm trường bị hư hại; 467 cơ sở y tế bị ảnh hưởng; 895 công trình văn hóa, di tích lịch sử văn hóa bị hư hại.
Bão làm hơn 25.000ha diện tích lúa bị hư hại; hơn 3.000ha diện tích hoa màu, rau màu bị hư hại; hơn 3.300ha diện tích rừng bị hư hại; hơn 82.000 cây xanh đô thị bị gãy đổ; hơn 4.600ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng; hơn 3.200 cột điện bị gãy đổ; 70 trạm biến thế bị hư hại; hơn 30.000 công trình nhà xưởng, xí nghiệp, công trình công nghiệp bị hư hại; hơn 1.200 công trình trụ sở cơ quan bị hư hại; 213 chợ, trung tâm thương mại bị hư hại... Tổng thiệt hại do bão Yagi gây ra tại Hải Phòng tính đến thời điểm hiện nay (quy ra tiền) được thống kê ước gần 11.000 tỷ đồng.
Tại Hải Dương, theo thống kê chưa đầy đủ, tổng thiệt hại do bão số 3 gây ra trên địa bàn tỉnh Hải Dương ước tính hơn 1.500 tỷ đồng. Cụ thể, bão số 3 đã làm khoảng 7.755 ha lúa bị đổ, bị ngập; 3.202 ha rau màu bị ngập, đổ gãy, dập nát; 4.372 ha cây ăn quả bị đổ, gãy ngang thân không có khả năng khắc phục; khoảng 2.250 ha rừng bị thiệt hại; 65ha nhà màng, nhà lưới bị ảnh hưởng; 73 con gia súc, 388.605 con gia cầm bị chết; khoảng 560 ha nuôi trồng thủy sản bị tràn bờ, khoảng 434 lồng cá bị tràn, vỡ, trôi lồng. Khoảng 20.650 công trình nhà ở, kho tàng, nhà xưởng, trụ sở, trường học... bị sập mái, tốc mái, hư hỏng, đổ. Khoảng 102.000 cây xanh gãy đổ; 1.798 cột điện bị gãy đổ, đứt đường dây, hư hỏng 18 trạm biến áp, gây mất điện diện rộng; 9 trạm BTS bị đổ, đứt một số điểm cáp quang, gây gián đoạn thông tin liên lạc...
Hải Ninh