Thông tin mới nhất về cơn bão số 2, bản tin phát lúc 17h ngày 3/7 của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết, hồi 16 giờ ngày 3/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,3 độ Vĩ Bắc; 108,0 độ Kinh Đông, cách huyện đảo Bạch Long Vĩ khoảng 100km về phía Nam, cách đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa khoảng 210km về phía Đông Đông Nam.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão Mun mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 120km tính từ tâm bão. Trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km và còn có khả năng mạnh lên. Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km, đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa với sức gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10, sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
|
Hướng di chuyển của bão số 2/ |
Chủ động sơ tán, di dời dân cư tại các khu vực nguy hiểm
Ngày 3/7, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã ký công điện số 6 gửi các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Hòa Bình, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam, Hải Dương, TP. Hà Nội và các Bộ: NN&PTNT, Công Thương, GTVT, Xây dựng, TT&TT, TN&MT, Quốc phòng, Công an.
Theo đó, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến, chủ động triển khai các phương án ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ”.
|
Quảng Ninh đang tập trung ứng phó bão. |
Trong đó, tập trung một số nhiệm vụ, cụ thể, đối với trên biển: Tiếp tục rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển để hướng dẫn di chuyển, tránh trú an toàn (kể cả đối với các tàu vận tải và du lịch). Hướng dẫn neo đậu tàu thuyền, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tại nơi tránh trú. Căn cứ tình hình cụ thể tại địa phương thực hiện việc cấm biển. Tổ chức, hướng dẫn bảo đảm an toàn, giảm thiệt hại đối với lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản.
Đối với khu vực ven biển, đồng bằng và đô thị: Rà soát, chủ động sơ tán, di dời dân cư tại các khu vực nguy hiểm, nhất là tại khu vực ven biển, cửa sông, trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản. Triển khai phương án đảm bảo an toàn cho người và tài sản đối với các hoạt động du lịch trên các đảo và ven biển; kiểm soát giao thông, nhất là trên các tuyến cao tốc, các cầu vượt biển để bảo đảm an toàn trong thời gian bão đổ bộ vào.
Triển khai các phương án bảo vệ sản xuất, chống úng ngập; bảo vệ công trình kết cấu hạ tầng, khu kinh tế, khu công nghiệp, nhà máy, kho tàng, hầm lò, các dự án đang thi công ven biển, các công trình cột tháp cao, bãi thải khai thác khoáng sản; bảo vệ đê điều, nhất là các đoạn đê bị sự cố, đang thi công; đảm bảo an toàn hệ thống điện, thông tin liên lạc, sẵn sàng lực lượng, vật tư để ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố.
Đối với khu vực miền núi, trung du: Tiếp tục rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu khi mưa lớn để chủ động sơ tán, di dời đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Kiểm tra, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập, nhất là các hồ đập xung yếu, đang thi công, sửa chữa và hồ thủy điện nhỏ. Chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến; kịp thời chỉ đạo, đôn đốc các ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với diễn biến của bão.
Bộ GTVT chỉ đạo bảo đảm an toàn cho tàu thuyền, phương tiện vận tải; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, thiết bị tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ sạt lở để sẵn sàng khắc phục ngay khi xảy ra sự cố. Bộ NN&PTNT chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất nông nghiệp, thủy sản; bảo đảm an toàn hồ đập thuỷ lợi, đê điều,…
Bộ Công Thương chỉ đạo đảm bảo an toàn hồ đập thuỷ điện, hệ thống điện, hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản. Bộ Xây dựng chỉ đạo bảo đảm an toàn cho các công trình xây dựng, các công trình cao tầng, công trình cột tháp cao,…
Bộ TN&MT tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, kịp thời dự báo, cung cấp thông tin đến người dân và các cơ quan liên quan để phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó. Các bộ, ngành khác theo chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp với các địa phương triển khai ứng phó và sẵn sàng hỗ trợ địa phương xử lý, khắc phục hậu quả khi có yêu cầu.
Cũng trong ngày 3/7, Văn phòng Bộ Công an có Công điện số 06 yêu cầu Ban Chỉ huy ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN Công an các đơn vị, địa phương chỉ đạo triển khai thực hiện một số nội dung như rà soát phương án ứng phó với thiên tai để thực hiện tốt theo phương châm “4 tại chỗ”; theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và mưa, lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động các biện pháp ứng phó phù hợp. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền về đảm bảo an toàn cho nhân dân và công tác triển khai ứng phó trong lực lượng Công an nhân dân.
Phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa bàn, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời triển khai ứng phó khi có yêu cầu; kiểm tra, rà soát nơi ở không an toàn, khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét để chủ động sơ tán dân đến nơi an toàn đảm bảo an ninh, trật tự. Bố trí lực lượng để tổ chức hướng dẫn, phân luồng, kiểm soát giao thông tại các khu vực ngầm, tràn, đường bị ngập, đò ngang, đò dọc, nơi sạt lở nguy hiểm. Kiên quyết không cho người và phương tiện di chuyển khi không đảm bảo an toàn.
Quảng Ninh: Dừng tất cả các cuộc họp để phòng, chống bão số 2
Để ứng phó bão số 2, UBND huyện Vân Đồn đã ban hành 2 công văn chỉ đạo các đơn vị, cơ quan, xã, thị trấn trên địa bàn huyện chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, kịp thời thông tin đến nhân dân để có biện pháp phòng, chống kịp thời.
Hiện nay, huyện Vân Đồn đã có 1.266 phương tiện tàu, thuyền của các xã, thị trấn nhận được thông tin để vào nơi tránh trú an toàn, trong đó có 110 chiếc đánh bắt xa bờ, 1.156 tàu có công suất máy dưới 90 CV; 531 nhà bè nuôi trồng thủy sản, dịch vụ được gia cố, chằng buộc, sẵn sàng sơ tán người già, trẻ em lên bờ; 26 công trình hồ đập được rà soát, đảm bảo an toàn vận hành.
|
Tàu bè được chằng chống tại cảng Cái Rồng (Vân Đồn, Quảng Ninh). |
Đi kiểm tra công tác phòng, chống cơn bão số 2 tại huyện Vân Đồn, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc nhấn mạnh, bão số 2 đang tiến gần đến đất liền, do đó cả hệ thống chính trị phải vào cuộc triển khai chỉ đạo phòng, chống; tuyệt đối không được chủ quan trước mọi diễn biến.
Ông Nguyễn Văn Đọc yêu cầu, trong ngày 4/7, từ tỉnh đến cơ sở phải dừng tất cả các cuộc họp để tập trung chỉ đạo công tác phòng, chống bão số 2.
Từ chiều 3/7 đến ngày 4/7, từ tỉnh đến các địa phương phải thành lập các đoàn đi kiểm tra tại cơ sở, những nơi xung yếu; tuyên truyền vận động nhân dân không được chủ quan, nhất là tại các nhà bè nuôi trồng thủy sản, những nơi có nguy cơ sạt lở. Ngoài việc vận động nhân dân chằng buộc, gia cố lồng bè nuôi trồng thủy sản thì cần kiên quyết di dời người dân lên bờ để đảm bảo an toàn tính mạng.
Nếu địa phương nào để xảy ra chết người do lỗi chủ quan thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh.
Đi kiểm tra công tác phòng, chống bão số 2 tại TP Hạ Long và TP Cẩm Phả, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh – Đặng Huy Hậu yêu cầu TP Hạ Long và Cẩm Phả cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại khu vực xung yếu, các điểm nóng về sạt lở, ngập úng, vùng trũng để nắm bắt thông tin và chủ động xây dựng phương án ứng cứu kịp thời. Cùng với đó, phải thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, diễn biến của bão và duy trì lực lượng thường trực 24/24h sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố khẩn cấp.
Hải Phòng: Đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người dân
Trong chiều 3/7, UBND TP Hải Phòng đã tổ chức cuộc họp với các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, Chủ tịch UBND các quận huyện để tổ chức triển khai nhiệm vụ phòng chống cơn bão số 2 năm 2019.
Trước đó, sáng 3/7, UBND TP Hải Phòng đã thành lập 7 Đoàn kiểm tra công tác phòng chống bão số 2 tại các địa bàn. Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố đã có Thông báo về việc đình chỉ các hoạt động giao thông vận tải đường thủy nội địa, vui chơi giải trí trên các khu vực biển đảo, ven sông phòng chống bão số 2 từ 12h00 ngày 3/7.
Tại cuộc họp, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP Hải Phòng đã đã chỉ đạo các đồn biên phòng thông báo cho chủ phương tiện, tàu thuyền về diễn biến Áp thấp nhiệt đới, bão để chủ động phòng tránh. Đến 10h00 ngày 3/7, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố đã phối hợp kiểm đếm, thông báo cho 2.536 phương tiện/8.786 lao động; 465 lồng bè/1.290 lao động; 350 chòi canh/288 lao động đang hoạt động trên biển và neo đậu biết vị trí, hướng di chuyển của bão số 2 để chủ động phòng tránh.
|
Hải Phòng đã có sóng lớn. Ảnh: Trần Trung. |
|
Tàu thuyền đã về neo đậu an toàn. Ảnh: Trần Trung. |
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Xuân Bình - Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hải Phòng yêu cầu các sở, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng nhiệm vụ đi sát cơ sở kiểm tra việc triển khai thực hiện Công điện của Chủ tịch UBND thành phố và Kế hoạch phòng chống lụt, bão của sở, ngành, địa phương, có biện pháp chủ động ứng phó kịp thời cơn bão số 2.
Đồng thời, theo dõi sát tình hình diễn biến của cơn bão và tổ chức việc thực hiện phòng chống bão đúng quy định. Tuyệt đối không chủ quan trước bão số 2, chủ động nằm chắc tình hình, diễn biến, ứng phó kịp thời. Duy trì chế độ trực 24/24 giờ, thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo.
Phó Chủ tịch Thường trực yêu cầu các Đoàn kiểm tra công tác phòng, chống bão số 2 thực hiện kiểm tra thực chất, đánh giá đúng tình hình để có các biện pháp hiệu quả phòng chống bão.
“Đối với người dân ở vùng xung yếu, nguy hiểm, các sở, ngành, địa phương phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng cùng các quan chức năng của thành phố tuyên truyền phổ biến, khi cần thiết có biện pháp di dời dân để tránh thiệt hại, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người dân. Các sở, ngành, địa phương có công trình xây dựng cần đảm bảo tuyệt đối an toàn”, ông Bình yêu cầu.
Thái Bình: Cắt cử quân số thường trực 24/24 khi bão đổ về
Để ứng phó với bão số 2, các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh Thái Bình đang tích cực, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.
Báo cáo của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Thái Bình, trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã có 1.021 phương tiện vào nơi tránh trú bão an toàn tại các bến bãi. Số tàu thuyền của ngư dân Thái Bình neo đậu ở các tỉnh là 95 phương tiện/467 người. Trong đó tất cả đều đã liên lạc được với gia đình và không có phương tiện hoạt động trong vùng nguy hiểm.
Bộ Chỉ huy BĐBP Thái Bình đã chỉ đạo các đồn, đơn vị chủ động chằng, chống bão theo phương châm 4 tại chỗ, cắt cử quân số thường trực 24/24 khi bão đổ về; chủ động điều động chuẩn bị nhân lực, vật lực làm công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn hướng dẫn giúp đỡ nhân dân chằng chống các phương tiện để hạn chế thấp nhất khi bão đổ bộ vào đất liền.
Tại huyện Tiền Hải, toàn huyện hiện có 568 phương tiện tàu, thuyền với 1.230 lao động đánh bắt thủy hải sản; 928 hộ nuôi ngao, 1.060 chòi canh ngao, 358 nhà yếu với 757 người và 229 hộ dân sống ngoài đê biển…Đến sáng ngày 3/7, toàn bộ số phương tiện tàu thuyền của huyện Tiền Hải đã vào neo đậu, trong đó có 39 phương tiện với 91 lao động đang hoạt động ở tỉnh ngoài đã vào vị trí neo đậu an toàn tại Hải Phòng, Nam Định.
|
Cán bộ chiến sỹ đồn BP Cửa Lân (Thái Bình) hướng ngư dân tránh trú. bão |
Tại huyện Thái Thụy, UBND huyện đã nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi từ 8 giờ ngày 3/7, đồng thời đang tiếp tục kêu gọi tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển và sông khẩn trương về nơi tránh trú an toàn hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhằm tránh bão số 2.
Ngày 3/7, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Nguyễn Hồng Diên đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống bão số 2 tại hai huyện Tiền Hải và Thái Thụy.
Hải Ninh