Theo thông tin mới nhất từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, vào lúc 20h tối 18/11, vị trí tâm bão cơn bão số 14 (tên quốc tế là KIROGI) ở vị trí 11,60N-111,90E; cách bờ biển Khánh Hòa - Ninh Thuận – Bình Thuận khoảng 300km về phía Đông.
Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/h), giật cấp 11. Dự báo, trong 3 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ 20-25km/h.
|
Hướng di chuyển của cơn bão số 14. |
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc, với tốc độ di chuyển hiện tại, nhiều khả năng 6-6h30 sáng mai (19/11), bão số 14 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh ven biển từ Phú Yên đến Bà Rịa - Vũng Tàu. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11-12, kèm theo mưa lớn.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám đề nghị tỉnh Khánh Hòa đặc biệt lưu ý các giải pháp hướng dẫn người dân đảm bảo an toàn tính mạng. Đồng thời theo dõi chặt chẽ, có các giải pháp sẵn sàng khắc phục sự cố nếu có tại hồ thuỷ lợi Đá Bạc.
Trước đó, vào lúc 5 giờ chiều 18/11, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đến kiểm tra công tác chuẩn bị phòng chống bão số 14 tại cảng cá Đá Bạc (Cam Ranh, Khánh Hoà).
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo công tác ứng phó bão số 14 tại tỉnh Khánh Hoà, chỉ đạo địa phương nghiêm túc rút kinh nghiệm từ cơn bão số 12, thực hiện nghiêm lệnh cấm biển. Sơ tán triệt để người dân ra khỏi các khu vực lồng bè nuôi trồng thuỷ sản nguy hiểm. Bố trí lực lượng canh giữ, bảo đảm an toàn tài sản cho bà con.
Ngay sau khi kết thúc cuộc họp tại tỉnh Khánh Hoà, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng di chuyển đến tỉnh Ninh Thuận, một trong 3 địa phương dự kiến bão số 14 sẽ đổ bộ.
Trên toàn tỉnh Ninh Thuận có 679 tàu thuyền với 5.275 lao động đang hoạt động trên biển đã liên lạc được, 1.972 chiếc đang neo đậu tại các bến, cảng.
Ban quản lý các cảng cá đã tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền; kịp thời hướng dẫn neo đậu tàu, thuyền tại các khu neo đậu tránh, trú bão ven biển, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ cứu nạn khi có yêu cầu.
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lưu Xuân Vĩnh cũng cho biết, rút kinh nghiệm từ công tác ứng phó với cơn bão số 12, Ninh Thuận huy động cả hệ thống chính trị tập trung ứng phó với cơn bão số 14.
Dự kiến số hộ dân tại các vùng thấp, trũng, cửa sông, cửa biển, vùng có nguy cơ ngập lụt cao phải sơ tán là 6.089 hộ/28.872 nhân khẩu. Ninh Thuận đã sơ tán 3.141 hộ/13.289 người. Đã có 3.039 căn nhà được chằng chống.
Hiện, các tỉnh ven biển có nguy cơ ảnh hưởng của bão (từ Phú Yên đến Bà Rịa - Vũng Tàu và Lâm Đồng) và các bộ ngành đang khẩn trương triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo đảm an toàn tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển.
P.V