Thông tin mới nhất vụ trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi bị bảo mẫu bạo hành ở Hà Nội, bước đầu điều tra, Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) xác định, anh N.V.B (31 tuổi, trú tại một căn hộ chung cư tầng 23 thuộc khu HH Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) làm nghề tự do nên thường xuyên phải đi công tác xa nhà. Cuối tháng 4/2023, vợ anh B sinh con trai, gia đình thuê 2 người giúp việc, trong đó có V.K.C (SN 2002, quê quán Nam Định).
|
Hình ảnh được camera ghi lại. |
Ngày 31/5, anh B. xem camera tại phòng ngủ của con phát hiện khoảng hơn 2h ngày 31/5, trong khi ở phòng ngủ một mình với bé trai, cùng với việc bế nựng, nữ giúp việc V.K.C đã có hành vi bế và lắc, rung cháu bé, khiến bé khóc to. Sau đó anh B đã đến Công an phường Hoàng Liệt trình báo nghi vấn con trai anh bị người giúp việc bạo hành. Đáng chú ý, Anh B chỉ đề nghị cơ quan chức năng răn đe để nữ giúp việc C. không tái phạm.
Gia đình chỉ đề nghị răn đe, nữ giúp việc có bị xử lý?
Tiến sĩ Đặng Văn Cường, Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết, qua clip cho thấy, hành vi của nữ giúp việc là rất nguy hiểm, có thể gây tổn thương đến sức khỏe, tâm lý, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng của cháu bé nếu không được phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Thực tế thời gian qua, các bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ em bị chấn động não do rung lắc, chăm sóc không đúng cách. Các chuyên gia và y khoa gọi các trường hợp này là Hội chứng rung lắc. Hội chứng rung lắc ở trẻ em xảy ra do thói quen vô ý và thiếu hiểu biết của người lớn. Hội chứng này gây ra tổn thương nghiêm trọng về tâm lý và sức khỏe của trẻ em, có thể dẫn đến trẻ em tàn tật hoặc tử vong.
Do đó, hành vi rung lắc đối với trẻ sơ sinh, dù là không có chủ đích gây tổn thương, không phải là hành vi hành hạ cũng rất nguy hiểm. Nếu hành vi rung lắc có chủ đích, cố ý rung lắc mạnh như bảo mẫu thực hiện trong clip hoàn toàn có thể gây tổn thương đến não bộ của trẻ em. Bởi vậy, cơ quan chức năng cần tiến hành thăm khám, điều trị và xác định hậu quả của hành vi này để làm căn cứ xem xét trách nhiệm pháp lý.
Dưới góc độ pháp lý, đây là hành vi bạo hành trẻ em, hành vi này có thể gây tổn thương đến tâm lý, sức khỏe, thậm chí đến tính mạng của trẻ em và đây là hành vi vi phạm pháp luật nên việc xem xét xử lý đối với người phụ nữ này là cần thiết. Theo khoản 6, Điều 4, Luật trẻ em: Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.
|
Nữ bảo mẫu C. (áo vàng) tại gia đình cháu bé
|
Những gì thể hiện qua clip đang lan truyền trên mạng xã hội cho thấy hành vi của bảo mẫu trong trường hợp này hoàn toàn có thể dẫn đến nguy hiểm tính mạng của cháu bé, cơ quan chức năng sẽ làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ nhận thức, ý thức chủ quan của người phụ nữ này đồng thời xác định hậu quả đã gây ra đối với cháu bé để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trường hợp, kết quả xác minh cho thấy người phụ nữ này nhận thức được hành vi của mình có thể làm tổn thương não của cháu bé, hành vi có thể dẫn đến chết người nhưng do bực tức mà đã nhẫn tâm hành hạ cháu bé, hậu quả cho bé tổn thương nghiêm trọng về não thì có thể xử lý về tội giết người theo quy định tại khoản 1, Điều123 Bộ luật Hình sự với nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như hành vi có tính chất côn đồ, phạm tội với người dưới 16 tuổi.
Trường hợp kết quả xác minh cho thấy nạn nhân không có động cơ mục đích giết người, hành vi không thể dẫn đến chết người, hành vi này cũng được xác định là đối xử tàn ác với trẻ em nên vẫn có thể xem xét xử lý về tội hành hạ người khác theo quy định tại điều 140 Bộ luật Hình sự.
Những tội danh này không phụ thuộc vào đơn thư yêu cầu của người bị hại, bởi vậy trường hợp cha của cháu bé có rút đơn, không đề nghị xử lý nhưng cơ quan điều tra thấy có đủ căn cứ vẫn xử lý hình sự theo quy định pháp luật. Do đó, dù cha của cháu bé nói rằng mình không đề nghị xử lý, việc đăng thông tin chỉ là để cảnh báo, cơ quan điều tra vẫn tiếp tục vào cuộc xem xét làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến hành vi và xác định hậu quả đã gây ra đối với trẻ em để xử lý theo quy định của pháp luật. Phạm tội với người dưới 16 tuổi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự trong mọi tội danh nên sẽ không phụ thuộc vào việc người bị hại hoặc đại diện của người bị hại có yêu cầu hay không.
Nguyên nhân bạo hành trẻ em phức tạp?
Không chỉ vụ việc trên, thời gian qua số vụ bạo hành trẻ em diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương.
Nói về các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những vụ bạo hành trẻ em, Tiến sĩ Đặng Văn Cường cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến trẻ em bị bạo hành, trong đó có thể kể đến như việc trẻ hay quấy khóc, hay đùa nên nếu như những người xung quanh, những người trông giữ trẻ không có kỹ năng tốt, thiếu kiểm chế thì rất dễ nổi nóng đánh đập, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của trẻ em;
Mâu thuẫn vợ chồng, mâu thuẫn trong gia đình giữa những người lớn dẫn đến việc trả thù, nhiều người ích kỷ, coi thường pháp luật nên đã hành hung, đánh đập trẻ em để trả thù do mâu thuẫn với cha mẹ của trẻ;
Trẻ em sống trong gia đình có cha mẹ nghiện ngập, sa đà vào các tệ nạn xã hội như mại dâm, ma túy thì cuộc sống rất phức tạp, có nguy cơ bị bạo hành cao hơn những trẻ em khác;
Trẻ em sống chung với cha dượng, mẹ kế hoặc người tình của cha, của mẹ thì nguy cơ bị bảo hành cũng cao hơn những trẻ em sống trong gia đình khác bởi đôi khi trẻ em trở thành sự vướng bận đối với mối quan hệ tình cảm của người lớn, một số vụ án gần đây cho thấy đối tượng đã sát hại con của người tình chỉ vì muốn được tự do tình cảm với cha, với mẹ của cháu bé;
Nhiều bậc phụ huynh vẫn còn tư tưởng giáo dục con bằng roi, bằng vọt. Nổi nóng, dễ sử dụng bạo lực khi giáo dục con cái dẫn đến gây tổn thương cho con, thậm chí gây thương tích, thiệt mạng cho trẻ em;
Tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy diễn ra nhiều trong giới trẻ, đặc biệt là trong những cặp đôi sống như vợ chồng nên nhiều trường hợp các đối tượng sử dụng ma túy vào gây ảo giác rồi đánh đập, hành hạ, sát hại trẻ em;
Bạo lực, bạo hành trẻ em trong môi trường giáo dục cũng hiện ra nhiều và diễn biến phức tạp bởi các cơ sở giáo dục chui, giáo viên không được đào tạo bài bản, thiếu đạo đức dẫn đến thực hiện hành vi hành hạ trẻ em.
Công tác quản lý giám sát đối với các hoạt động giáo dục, đối với môi trường gia đình chưa được thực hiện tốt ở nhiều địa phương dẫn đến tình trạng trẻ em bị bạo hành kéo dài, đến khi bị thiệt mạng thì mới phát hiện ra, mới lên án, trong khi đó hành vi bạo hành diễn ra thường xuyên liên tục mà không ai quan tâm..
Theo tiến sĩ Cường, để giảm thiểu những vụ việc trẻ em bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm, để bảo vệ trẻ em có hiệu quả phải thực hiện đầy đủ các giải pháp được liệt kê, quy định trong luật bảo vệ trẻ em, trong đó có các giải pháp về hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của công dân, ý thức bảo vệ quyền trẻ em, tăng cường kiểm soát công tác bảo vệ trẻ em trong môi trường giáo dục; lập danh sách những trẻ em yếu thế, có nguy cơ bị bạo hành cao để có phương án giám sát can thiệp, bảo vệ kịp thời, đặc biệt là trẻ em sống trong những gia đình thường xuyên xảy ra bạo lực...
Hành vi bạo hành trẻ có thể diễn ra bất kỳ nơi đâu, với bất kỳ đối tượng trẻ em nào. Trong vụ việc này cháu bé mới có 1 tháng tuổi, có lẽ là nạn nhân nhỏ tuổi nhất bị bảo hành trong thời gian gần đây. Cơ quan chức năng cần phải quyết liệt hơn nữa, xử lý nghiêm minh hơn nữa để bảo vệ trẻ em.
Hành vi bảo mẫu gây bức xúc:
Đoạn clip ghi lại hành vi nữ bảo mẫu vào lúc rạng sáng ngày 31/5. Thời điểm này người phụ nữ bế một cháu bé mới sinh liên tục có hành vi lắc lư mạnh khiến cháu bé khóc thét lên. Người này sau đó tiếp tục bế xốc, ôm lắc lư mạnh khiến cháu bé khóc thét rồi đặt mạnh xuống giường. Ngay sau khi đoạn clip được đăng tải lên mạng, nhiều người không khỏi bày tỏ sự phẫn nộ.
Hải Ninh