Dư luận những ngày qua bức xúc về hành vi thiếu giáo dục của nhóm học sinh ném dép vào cô giáo ở Tuyên Quang. Đây chỉ là một trong số hàng loạt vụ việc giáo viên bị học sinh hành hung trong thời gian qua. Bạo lực giáo viên gia tăng nhưng xử lý học sinh phạm lỗi thế nào để đủ sức răn đe?
|
TS Nguyễn Tùng Lâm. |
TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, Hội thành viên Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam - cho rằng, học sinh bậc THCS là lứa tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, tâm lý nhiều biến động. Các em thường có những hành động bộc phát. Vì thế, không tránh khỏi xích mích xảy ra trong trường học.
Việt Nam có truyền thống “tôn sư trọng đạo”, phải lên án mạnh mẽ việc học sinh hành hung thầy, cô giáo. Tuy nhiên, cần xem xét nguyên nhân dẫn tới những hành động trên. Với học sinh phạm lỗi, mục tiêu chính không phải kỷ luật mà là giáo dục để các em nhận thức những sai lầm, từ đó sửa chữa.
Bàn về giải pháp chống bạo lực học đường, TS Nguyễn Tùng Lâm đặt ra 3 vấn đề cần giải quyết. Thứ nhất, căn cứ tâm lý học sinh để đưa ra phương pháp giáo dục phù hợp, thay vì trút giận, đòi hỏi sự công bằng hay kỷ luật học sinh. Thứ hai, dựa trên công tác quản lý, tổ chức của nhà trường. Thứ ba về tính pháp lý, học sinh phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, tất cả học sinh có hành vi bạo lực học đường không những vi phạm đạo đức, mà còn vi phạm pháp luật. Như vậy, những em này cần phải đối diện với cơ quan chức trách và có hình thức phạt, xử lý phù hợp.
“Hiện nay, khi các vụ bạo lực học đường xảy ra, chúng ta thường đổ lỗi cho nhà trường. Tôi cho rằng, biện pháp giáo dục để học sinh nhận thức, hiểu về tính pháp lý rất quan trọng. Từ đó, các em tự chịu trách nhiệm về hành động của mình để chuộc lỗi”, ông Lâm nhấn mạnh.
>>> Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) nói về vấn nạn bạo lực học đường:
Thiên Tuấn