Trao đổi với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, ông Hà Đình Bốn - Phó Chủ tịch Hội BVQTEVN đã bày tỏ sự phẫn nộ trước những hình ảnh, clip ghi lại cảnh trẻ sơ sinh bị hành hạ tại Mái ấm Hoa Hồng (P.Trung Mỹ Tây, Q.12, TP. Hồ Chí Minh). Đây được coi là một tội ác rất nghiêm trọng đối với trẻ em, do đó Phó Chủ tịch Hội BVQTEVN đề nghị, các cơ quan quản lý cần khẩn trương điều tra, xem xét và xử lý nghiêm minh, truy tố những kẻ gây ra tội ác trước pháp luật.
Ông Hà Đình Bốn cho biết, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cũng đã có công văn yêu cầu Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP. HCM phối hợp với các cơ quan chức năng bám sát và theo dõi tình hình, kịp thời có ý kiến để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các em nhỏ là nạn nhân trong vụ việc trên, phối hợp với cơ quan cung cấp thông tin để xử lý hành vi vi phạm pháp luật.
Đồng thời, ông Hà Đình Bốn cũng đề nghị Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, Phòng LĐ-TB&XH Quận phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em ở TP.HCM sắp tới cần tiến hành các biện pháp khẩn cấp tạm thời để đưa các cháu vào nơi an toàn như cơ sở bảo trợ xã hội, cho đến khi có phương án hỗ trợ khác.
"Mặc dù đã xử lý rất nhiều vụ việc bạo hành trẻ em, nhưng vẫn còn nhiều cơ sở tái phạm. Do đó, cần phải tiếp tục lên án mạnh mẽ các hành vi này và xử lý nghiêm minh để răn đe, phòng ngừa chung", ông Bốn nhấn mạnh.
|
Trẻ em bé bị bảo mẫu bạo hành ở Mái ấm Hoa Hồng (Ảnh: An ninh Thủ đô). |
Liên quan tới vụ việc này, ngày 4/9, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã có công văn yêu cầu Ủy ban nhân dân TP.HCM và các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, xử lý vụ việc.
Theo khoản 6, Điều 4 của Luật Trẻ em 2016: "Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại sức khỏe, thân thể; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em".
Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi bạo lực mà người thực hiện hành vi sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu có đủ chứng cứ, dấu hiệu phạm tội của bảo mẫu về hành vi bạo lực thì có thể bị xử phạt hành chính lên đến 20 triệu đồng hoặc nặng hơn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về xử phạt hành chính: Căn cứ vào Điều 22 Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định về mức phạt hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về cấm bạo lực với trẻ em như sau:
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
+ Bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác với trẻ em;
+ Gây tổn hại về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng mạ, chửi mắng, đe dọa, cách ly ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em;
+ Cô lập, xua đuổi hoặc dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em;
+ Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn hại về tinh thần.
- Biện pháp khắc phục hậu quả:
+ Buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em.
+ Buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khỏe trẻ em đối với hành vi thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn hại về tinh thần.
Về xử lý hình sự: Hành vi bạo hành trẻ em có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội được quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) như: tội hành hạ người khác, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khoẻ cho người khác. Cụ thể:
* Đối với tội hành hạ người khác được quy định tại Điều 140 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017):
- Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm: Đối với người dưới 16 tuổi hoặc người khác không có khả năng tự vệ; Đối với 02 người trở lên.
* Đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khoẻ của người khác được quy định tại điểm c, khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017):
Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 11% đối với người dưới 16 tuổi thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Trong các tội danh nêu trên, khi có tình tiết phạm tội đối với người dưới 16 tuổi thì người thực hiện hành vi phạm tội có thể chịu hình phạt cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn. Có thể thấy, trẻ em là đối tượng được bảo vệ đặc biệt trong pháp luật nước ta.
Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra việc bảo mẫu hành hạ, đánh đập trẻ em. Vấn đề này hiện nay đã không còn là nỗi lo cho mỗi gia đình, nhà trường mà của toàn xã hội, bởi lẽ trẻ em là tương lai cho đất nước và với nỗi ám ảnh như thế này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển, nhận thức của trẻ nhỏ. Đã có những phiên tòa xét xử về những hành vi này, nhưng dường như những mức án đưa ra vẫn chưa đủ sức răn đe.
Sáng ngày 4/9, báo Thanh Niên đăng tải bài điều tra về hành vi bạo hành trẻ em nghiêm trọng tại mái ấm Hoa Hồng, quận 12, TP Hồ Chí Minh. Sau khi loạt bài viết được đăng tải, dư luận vô cùng "dậy sóng" khi chứng kiến những hình ảnh vô cùng dã man của một người bảo mẫu trông trẻ.
Theo những đoạn clip ghi lại, trong quá trình chăm sóc cho khoảng 20 bé, người bảo mẫu tên T. có những hành động ngược đãi, đánh đập dã man đối với các trẻ. Có bé trai khoảng 7 tháng tuổi bị bà T. ngồi lên người, nhéo lỗ tai; nhấc lên cao rồi ném xuống nệm; thậm chí có bé bị tác động vật lý đến chảy máu miệng...
Sau khi tiếp nhận thông tin, Công an quận 12 phối hợp với các đơn vị liên quan đã vào cuộc điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Cùng ngày, Bộ LĐ-TB&XH đã có công điện gửi UBND TP. HCM về việc xử lý vụ việc bạo lực trẻ em tại cơ sở Mái ấm Hoa Hồng và tăng cường công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em tại các cơ sở chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em. Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị địa phương thực hiện khẩn cấp các biện pháp bảo đảm an toàn, chăm sóc, phục hồi cho trẻ em là nạn nhân của hành vi bạo lực tại cơ sở này.
Theo Hương Giang/Trẻ Em Việt Nam