Liên quan đến vụ bạo hành, ngược đãi trẻ em xảy ra tại mái ấm Hoa Hồng (L52 Tô Ký, P.Trung Mỹ Tây, Q.12, TP.HCM) gây phẫn nộ, TS. LS Đặng Văn Cường, Giảng viên luật hình sự, Trường đại học Thuỷ Lợi, Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã tham gia tư vấn, phản biện những vấn đề pháp lý.
|
TS. LS Đặng Văn Cường. |
Theo TS. LS Đặng Văn Cường, với các clip từ phóng sự điều tra của báo chí có đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự, xử lý đối với các bảo mẫu do nhẫn tâm hành hạ các cháu bé ở cơ sở bảo trợ này. Hành vi đánh đập trẻ em còn quá bé một cách tàn nhẫn như thời trung cổ có dấu hiệu của tội hành hạ người khác, nếu có thương tích hoặc có thể dẫn đến các cháu tử vong thì có thể xử lý về tội giết người. Cơ quan điều tra cần sớm vào cuộc để khởi tố vụ án hình sự để xử lý với tổ chức, cá nhân có vi phạm.
TS. LS Đặng Văn Cường cho rằng, hành vi đánh đập trẻ em của nhiều bảo mẫu trong một thời gian dài khiến cho những đứa trẻ đau đớn, sợ hãi, hoảng loạn, hoàn toàn có thể gây ra tổn thương nghiêm trọng về tâm lý, về sức khỏe, thậm chí có thể xâm hại đến tính mạng của trẻ em. Sự việc kéo dài sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển hình thành nhân cách của trẻ em, sẽ gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội. Bởi vậy cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với các bảo mẫu này, đồng thời cần chuyển các cháu bé đến các cơ sở bảo trợ công lập, đóng cửa cơ sở này để tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra.
Hành vi bạo hành trẻ em là hành vi vi phạm pháp luật và rất đáng lên án. Người thực hiện hành vi bạo hành trẻ em lại là người có chức năng bảo vệ, giáo dục trẻ em, đang mang danh nghĩa thiện nguyện thì đó là hành vi rất đáng trách, đáng lên án và cần phải bị xem xét xử lý bằng chế tài nghiêm minh của pháp luật.
TS. LS Đặng Văn Cường viện dẫn: Điều 37, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”.
Sau Hiến pháp thì các văn bản luật như Luật Trẻ em, Luật Hôn nhân và gia đình, Bộ luật Dân sự, Luật xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Hình sự...đều có các quy định cụ thể hóa nội dung Hiến pháp để bảo vệ quyền trẻ em.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay, trẻ em là những người dưới 16 tuổi, còn ở độ tuổi rất nhỏ, gần như không có khả năng tự bảo vệ bản thân. Việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em không chỉ là nghĩa vụ của cha mẹ, những người thay thế cha mẹ và các cơ quan đoàn thể, tổ chức cá nhân theo quy định của pháp luật. Bảo vệ trẻ em không chỉ là vấn đề đạo đức xã hội, là trách nhiệm cộng đồng mà còn là những chế định pháp luật để cụ thể hóa vai trò, trách nhiệm của từng tổ chức cá nhân trong việc bảo vệ trẻ em. Các chế định về bảo vệ trẻ em được quy định trong hiến pháp và nhiều văn bản quy phạm pháp luật như luật trẻ em, bộ luật dân sự, luật hôn nhân và gia đình…
Điều 6, Luật Trẻ em quy định các hành vi bị cấm: Tước đoạt quyền sống của trẻ em; Bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em; Xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ…
Khoản 12, Điều 6 Luật Trẻ em quy định nghiêm cấm hành vi: “Lợi dụng việc nhận chăm sóc thay thế trẻ em để xâm hại trẻ em; lợi dụng chế độ, chính sách của Nhà nước và sự hỗ trợ, giúp đỡ của tổ chức, cá nhân dành cho trẻ em để trục lợi…”.
Bởi vậy, bạo hành, bạo lực, đánh đập, hành hạ trẻ em là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người thực hiện hành vi xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của trẻ em vi phạm điều cấm của luật trẻ em sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
|
Vụ bạo hành trẻ em ở mái ấm Hoa hồng gây phẫn nộ. |
Theo TS. LS Đặng Văn Cường, cơ quan điều tra sẽ tiến hành thu thập các dữ liệu điện tử từ camera giám sát, thu thập thông tin từ các phóng sự điều tra của báo chí, lấy lời khai của những người có liên quan, thu thập các dấu vết để lại trên hiện trường đồng thời làm rõ mức độ tổn thương cơ thể, thương tích cũng như tổn hại về tâm lý của các cháu bé, làm rõ hành vi bạo hành, động cơ mục đích, nhận thức, và đặc biệt là làm rõ hậu quả đã gây ra đối với trẻ em ở cơ sở bảo trợ này để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
Với những hành vi dùng đũa, chổi đánh vào người các cháu bé ở độ tuổi còn quá nhỏ, hành vi tát, quăng quật, ném các cháu bé xuống sàn hoàn toàn có thể gây ra thương tích nghiêm trọng đối với các cháu bé này. Bởi vậy cơ quan điều tra sẽ tiến hành trưng cầu giám định thương tích, để các bác sĩ thăm khám để xác định hậu quả của hành vi bạo hành này đã gây ra để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp kết quả thăm khám điều trị, xác minh, giám định thương tích cho thấy đã có cháu bé bị thương tích thì dù thương tích dưới 11 %, cơ quan điều tra cũng sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với bảo mẫu đã có hành vi đánh đập cháu bé về hành vi cố ý gây thương tích theo quy định tại điều 134 Bộ luật Hình sự với nhiều tình tiết định khung, tăng nặng trách nhiệm hình sự là phạm tội với người dưới 16 tuổi, hành vi có tính chất côn đồ, phạm tội với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục… nên hình phạt sẽ rất nghiêm khắc nếu nạn nhân không chết thì hình phạt cũng có thể tới 10 năm tù theo khoản 3, Điều 134 Bộ luật Hình sự.
Trường hợp các cháu bé không có thương tích, hậu quả chỉ là tổn thương tâm lý thì vẫn xử lý hình sự đối với các bảo mẫu này về tội hành hạ người khác theo quy định tại điều 140 Bộ luật Hình sự do hành vi đối xử tàn ác với người lệ thuộc. Hình phạt có thể tới 03 năm tù.
"Trước tiên cơ quan điều tra sẽ làm rõ danh tính của các bảo mẫu trong clip, làm rõ diễn biến hành vi, nhận thức của những người này và hậu quả đã gây ra đối với các cháu bé để xử lý hình sự đối với những người này về tội cố ý gây thương tích hoặc tội hành hạ người khác tùy thuộc vào hậu quả xảy ra.
Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ những bảo mẫu này có bằng cấp chứng chỉ chuyên môn phù hợp hay không, có nghiệp vụ chuyên môn về giáo dục trẻ em hay không, làm rõ cơ chế quản lý, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở này để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật..
Sự việc này lại một lần nữa là tiếng chuông cảnh tỉnh, cho thấy hành vi bạo hành trẻ em có thể diễn ra bất kỳ nơi đâu, kể cả đó là những mái ấm tình thương, là những lời thiện nguyện mà những gì tô vẽ cho nó rất là nhân đạo, nhân văn. Nếu không có phản ánh từ những người biết thông tin sự việc, các cơ quan truyền thông không vào cuộc thì có lẽ các cháu bé ở đây vẫn sống trong "địa ngục trần gian" với những bảo mẫu tàn nhẫn, độc ác như vậy.
TS. LS Đặng Văn Cường cho rằng, vụ án hình sự có liên quan đến hoạt động này có thể xét xử công khai để tuyên truyền pháp luật, răn đe cảnh tỉnh đối với các bảo mẫu vô lương tâm, thiếu đạo đức. Hoạt động giáo dục đòi hỏi người tham gia hoạt động này phải có tình yêu đối với những đứa trẻ, phải có kĩ năng, sự nhẫn nại, có đạo đức và trách nhiệm đối với công việc của mình.
Nếu bảo mẫu là những người không được đào tạo về chuyên môn giáo dục trẻ em, không có đạo đức, thiếu kỹ năng thì hành vi bạo hành hoàn toàn có thể xảy ra.
Ngoài việc làm rõ nguyên nhân động cơ phạm tội, làm rõ diễn biến hành vi phạm tội, đánh giá hậu quả của hành vi đã gây ra để xử lý đối với các bị can có liên quan thì cơ quan tiến hành tố tụng cũng làm rõ các nguyên nhân điều kiện phạm tội để thực hiện các giải pháp phòng ngừa tội phạm. Cũng cần xem xét trách nhiệm trong công tác quản lý cơ sở bảo trợ xã hội này, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan tổ chức có liên quan để tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra.
>>> Mời độc giả xem thêm video Nghi vấn bé trai tử vong sau khi uống sữa có dấu hiệu bạo hành:
Thiên Tuấn