Bao giờ hết bất lực nhìn trẻ mầm non bị bạo hành?

Google News

Bài toán chất lượng giáo dục mầm non chỉ có thể được giải khi Nhà nước đưa ra quốc sách về giáo dục, ưu tiên phát triển giáo dục mầm non.

Bạn nghĩ gì khi xem clip bảo mẫu đánh đập trẻ ở một trường mầm non tại Q12, TPHCM? Còn tôi, tôi căm phẫn, chua xót và cả cảm giác bất lực.
Dư luận hẳn còn chưa quên những hình ảnh rùng mình từ một clip quay được năm 2013, trong đó các cô bảo mẫu một trường mầm non tư thục TP.HCM dùng tay bóp cổ, gí đầu xuống đất, lấy khăn bịt mũi, tát bôm bốp vào mặt để bắt các cháu ăn, có cháu ăn không kịp còn bị dốc ngược lên cao rồi nắm tóc cho chúi đầu vào trong thùng phuy đựng nước…
Vụ bạo hành trẻ ở Trường mẫu giáo Mầm Xanh đang gây xôn xao dư luận. 
Chúng ta không thể mong những điều đó chấm dứt khi chưa thể xác định rõ cốt lõi của vấn đề.
Cách đây 2 năm, trong một lớp học tại Pháp, mà khi đó tôi là học viên, có một chủ đề được đưa ra thảo luận: phổ cập giáo dục. Tôi đã thực sự vỡ ra rất nhiều điều. Phổ cập giáo dục đối với thầy giáo người Pháp được định nghĩa là: bất cứ trẻ em nào đang độ tuổi phổ cập giáo dục sinh sống hợp pháp trên đất nước Pháp đều phải bắt buộc đến trường.
Đương nhiên, để làm được điều đó thì việc vào học ở các trường công lập tại Pháp trong bậc phổ cập giáo dục (tính đến hết cấp 2) là hoàn toàn miễn phí. Có nghĩa là trẻ em sinh sống tại Pháp dù không mang quốc tịch Pháp đều phải đến trường, từ mẫu giáo cho tới hết cấp 2, không bàn cãi.
Trẻ em ở Pháp khi đến trường ngoài việc học kiến thức thì các kỹ năng mềm trong cuộc sống cũng rất được chú trọng. Ngay từ lứa tuổi mẫu giáo ngoài việc vui chơi hát múa, các bé đã được dạy các kiến thức về thiên nhiên, sinh tồn, giới tính thông qua các hoạt động ngoại khóa phong phú, sinh động... Mỗi đứa trẻ từ khi còn rất bé đã được dạy cách tự bảo vệ mình, không một ai có quyền xâm hại hay bạo hành trẻ dù dưới bất cứ hình thức gì.
Bao giờ hết nhiễu nhương, khổ ải?
Tôi nói hơi nhiều đến phương pháp giáo dục và mô hình giáo dục tại Pháp như một ví dụ để nhìn nhận những bất cập của giáo dục Việt Nam hiện nay, nhất là bậc mầm non và tiểu học.
Chẳng phải xa xôi, thời chúng tôi còn bé, đến tuổi là đi học, chẳng thấy bố mẹ phải lăn tăn suy nghĩ gì nhiều, chẳng ai phải chạy đôn chạy đáo lo tiền đóng học hay lo chạy trường xin học cho con.
Hai chục năm trở lại đây, vấn đề chạy trường cho con không hiểu vì đâu lại trở nên ‘nóng” đến vậy. Cấp 1 đã lo chạy trường, phụ huynh xếp hàng thâu đêm chỉ mong con có một suất vào trường ABC. Đến cả bậc mầm non cũng chẳng hề kém anh kém chị khi mà các suất đi học đôi khi được tính bằng vàng.
Chưa bao giờ việc học của con em lại khổ ải, tốn kém và nhiễu nhương đến vậy. Năm nào việc cải cách giáo dục cũng được đưa ra nghị trường mổ xẻ, và không ít các cuộc cải cách đã được tiến hành mà hiệu quả thế nào ai cũng rõ. Duy chỉ một điều căn bản nhất, làm sao cho tất cả con trẻ đều được đến trường mà bố mẹ chúng không phải nặng đầu lo nghĩ thì gần như vẫn mãi là một bài toán khó.
Ở một thành phố lớn nhất nước, hiện đại nhất nước, nguồn thu ngân sách lớn nhất nước như TPHCM mà hiện nay trường mầm non, tiểu học công lập vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu của con trẻ. Những đứa trẻ mầm non, lứa tuổi vàng để hình thành nhân cách, để kiến tạo kỹ năng sống thì vẫn đang bị nhồi nhét trong các cơ sở được gọi mỹ miều bằng cái tên “mầm non tư thục” mà chỉ nói riêng về cơ sở vật chất thì đã không đảm bảo.
Những đứa trẻ sẽ học được gì, chơi ở đâu đây trong các căn nhà phố được treo biển trường mầm non? Chẳng gì cả, ngoài việc ăn, ngủ, ngồi một chỗ, thỉnh thoảng được dạy dăm ba bài hát và nếu không khóc đã được gọi là ngoan.
Sẽ có người bảo, một tháng học phí hơn triệu bạc thì chỉ có thế thôi, đòi hỏi gì? Thì cũng đúng, hơn một triệu học phí cho một đứa trẻ gồm cả bữa ăn trưa, 5 ngày một tuần tính ra muốn hơn cũng không được,dù rằng học phí 1 đứa con đôi khi chiếm đến 20/25% lương củacha/mẹ là lao động phổ thông.
Cũng chẳng thể mong chờ chủ các trường mầm non tăng cao chất lượng, họ kinh doanh cốt để lấy lợi nhuận. Việc bóp mồm bóp miệng học sinh, thuê bảo mẫu không có trình độ hay dùng tiểu xảo để xử lý học sinh, chung quy cũng chỉ để bớt chi phí, tăng lợi nhuận.
Bài toán chất lượng giáo dục mầm non chỉ có thể được giải khi Nhà nước đưa ra quốc sách về giáo dục, ưu tiên phát triển giáo dục mầm non. Bởi cấp mầm non là nền tảng cho sự hình thành và phát triển một con người sau này. Phải đảm bảo đủ trường, đủ giáo viên được đào tạo bài bản đáp ứng được nhu cầu đi học của tất cả trẻ em độ tuổi đến trường.
Tất cả các trường mầm non khi được đưa vào hoạt động đều phải đạt chuẩn chung của nhà nước chứ không thể như hiện nay chỉ có một số ít đạt chuẩn quốc gia. Đã đi học thì dù ở đâu cũng phải được sinh hoạt học hành vui chơi giải trí như nhau, cùng một nền tảng, cùng một quy chuẩn thì mới không có sự so sánh hay tạo nên áp lực chạy chọt không đáng có của phụ huynh.
Khi các trường công lập đủ và đạt chuẩn thì đương nhiên để có thể thu hút học sinh, các trường dân lập sẽ phải có những tiêu chí chất lượng từ cơ sở vật chất đến giáo trình dạy và học, chất lượng giáo viên phải tương xứng.
Và trong khi chờ đợi lời giải chung trên cả nước thì tôi hy vọng những thành phố lớn như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội... nơi quy tụ rất nhiều người lao động có con trong độ tuổi đến trường sớm đưa ra quyết sách chăm chút vào chất lượng giáo dục mầm non, tiểu học.
Một đứa trẻ được học hành vui chơi trong một môi trường giáo dục tốt thì không chỉ đứa trẻ đó được hưởng thành quả, mà cả bố mẹ chúng và cộng đồng xã hội cũng sẽ được hưởng lây. Chăm lo đầu tư phát triển giáo dục luôn luôn đem lại lợi ích lớn lao lâu dài.
Theo Đan Hà/Vietnamnet