Bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm thất lạc quan trọng đến đâu?

Google News

Việc cơ quan chức năng để xảy ra chuyện bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm Thất Lạc được các chuyên gia cho rằng là như chuyện đùa vì chưa từng có tiền lệ.

Vụ việc bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm thất lạc tiếp tục nóng dư luận, TPO cho hay:
Vậy việc không có hoặc mất bản đồ này có ảnh hưởng đến việc giải phóng mặt bằng, thu hồi đất đai hay việc triển khai các dự án thành phần hay không?
Việc mất bản đồ quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm được xem là chưa có tiền lệ. Ảnh Minh Tú.
Vai trò của bản đồ quy hoạch 1/5000
Liên quan đến bản đồ quy hoạch tỉ lệ 1/5000 ban hành kèm theo Quyết định 367 năm 1996 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, được cơ quan chức năng TP HCM đang cho là thất lạc hoặc không có nhiều chuyên gia quy hoạch cho rằng việc này xảy ra như chyện đùa vì chưa có tiền lệ.
Trao đổi với Tiền Phong, KTS Phạm Thanh Tùng- Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, thất lạc bản đồ gốc quy hoạch nếu đúng như cơ quan chức năng TPHCM nói là việc chưa từng có chưa từng xảy ra. Bởi theo Luật Quy hoạch đô thị, hồ sơ quy hoạch đô thị là tài liệu nhà nước được lưu trữ theo pháp luật về lưu trữ đều quy định rất chi tiết về quy trình, thời hạn, trách nhiệm của từng cơ quan đơn vị có liên quan trong việc lưu trữ”, KTS Tùng nói.
Theo KTS Tùng, với một dự án khu đô thị quy mô lớn như dự án Thủ Thiêm phải trải qua các cấp từ Trung ương đến địa phương và các sở ban ngành phê duyệt, thậm chí đã tổ chức trưng bày lấy ý kiến của người dân mà nói việc làm mất hay thất lạc là điều hết sức vô lý.
KTS Tùng phân tích đối với hồ sơ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm theo quy định là do Bộ Xây dựng trình để Thủ tướng ký phê duyệt. “Bản đồ quy hoạch tỷ lệ 1/5.000, không chỉ Văn phòng Chính phủ và các Bộ như Xây dựng, Tài nguyên và môi trường… ở các cấp như UBND TP.HCM và các sở ngành, địa phương thực hiện phải được lưu trữ.
Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam KTS Trần Ngọc Chính cho rằng, thất lạc thì coi như mất, khi nào tìm thấy thì mới hết thất lạc. Công tác lưu trữ đối với các quy hoạch đô thị là rất quan trọng, khi quy hoạch phê duyệt xong sẽ có mấy bản chứ không phải một bản.
Ngoài bản gốc do Viện Quy hoạch xây dựng làm, đóng dấu để đem in thì bản gốc được lưu trữ tại Viện Quy hoạch của thành phố, một lúc làm 3, 4 bản. Sau quyết định, bản này lưu tại đâu: Thứ nhất lưu tại cơ quan Viện Quy hoạch xây dựng của thành phố một bản, UBND thành phố một bản, kho lưu trữ của thành phố hay gì đó… ít nhất là 5 bản, lưu lại 5 nơi làm sao mà thất lạc được.
Sau khi người ta có quyết định để phê duyệt quy hoạch đấy thì bản quy hoạch được lưu tại chỗ nào. Trước hết là lưu tại cơ quan thiết kế một bản lưu, UBND thành phố một bản lưu và những nơi khác như kho lưu trữ mà thành phố chỉ đạo như: Kho lưu trữ của thành phố riêng hay một Sở Tài nguyên Môi trường hay Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch-Kiến trúc thì những Sở đấy phải có trách nhiệm lưu giữ những tài liệu đó.
"Tìm được bản gốc ở các cơ quan trên thì nó là tài liệu gốc, chứ tài liệu gốc không chỉ có một bản. Cái bản đấy người ta đem đi in xong đóng dấu mấy bản liền thì những mảng đó có giá trị ngang nhau mà không tìm thấy bản nào mà chỉ thì tìm thấy bản sao là không được. Ví dụ ngay khi đi mua bán bất cứ thứ gì người ta cũng chia làm 2 bản, một bản do người bán giữ, bản còn lại do người mua giữ là có giá trị ngang nhau thì đấy là bản gốc. Thậm chí là luật sư hay công chứng giữ lại một bản thì tất cả những bản đấy đều phải có dấu đỏ và có chữ ký", ông Chính phân tích.
Mất bản đồ không ảnh hưởng đến việc cấp đất ở Thủ Thiêm?
TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, bản đồ tỷ lệ 1/5000 khu đô thị mới Thủ Thiêm được phê duyệt cách đây hơn 20 năm (1996), đây là bản đồ quy hoạch lần đầu của khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Theo TS Liêm, việc thực hiện dự án theo quy hoạch ở giai đoạn hiện nay không phải dựa vào bản đồ của hơn 20 năm trước vì đó chỉ là cơ sở, là điểm tựa. Hiện tại dự án đã hình thành, đang thực hiện theo các bản đồ quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2000, 1/500. Về phương diện pháp lý, việc giải phóng mặt bằng phải dựa vào đồ án hiện tại và ở bản quy hoạch có tỷ lệ lớn. Còn bản đồ tỉ lệ 1/5000 chỉ là tài liệu có giá trị lịch sử.
Qua sự việc thất lạc bản đồ này, TS Liêm cho rằng, việc không tìm thấy bản đồ gốc chứng tỏ khâu lưu giữ hồ sơ của chúng ta yếu kém, không có tính chuyên nghiệp, chứ không phải gây ra hệ quả cho việc giải phóng mặt bằng, xây dựng hiện tại.
"Bản đồ gốc thất lạc là sơ xuất không hề nhỏ nhưng nó cũng không ảnh hưởng gì đến việc giải phóng mặt bằng, xây dựng hiện tại. Quan trọng nhất là quy hoạch hiện hành có giá trị pháp lý" TS Liêm bày tỏ quan điểm.
Theo vị này nhân việc này, chúng ta nên rà soát lại các dự án, quy hoạch khác nữa. Đây là bài học, đừng có đợi nước đến chân mới nhảy, mới đi tìm. Giờ ngành lưu trữ phải bắt tay vào rà soát lại công tác lưu trữ, thậm chí bản đồ quy hoạch mới hơn cũng có thể bị thất lạc.
"Cũng nên quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền. Giờ đây cũng có cái phiền là qua hơn 20 năm, qua bao nhiêu người thì giờ quy trách nhiệm cá nhân thì rất khó. Nhưng đứng về phương diện cơ quan lưu trữ phải có trách nhiệm", Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam lưu ý.
Ông Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng ĐH Kiến trúc Hà Nộ phân tích việc phân chia đất dự án cho các đơn vị, cũng như về giải phóng mặt bằng hay là thu hồi đất của các hộ dân thì cơ bản cũng không bị ảnh hưởng nhiều bởi quy hoạch cũ bởi vì người ta dựa vào bản quy hoạch đã được cơ quan nhà nước phê duyệt. Mà đã phê duyệt rồi nó sẽ thay thế bản quy hoạch cũ. Thông thường bản cũ chỉ lưu trữ 7 năm sẽ được chuyển vào kho tài liệu.
Ông Hanh cho rằng việc mất bản đồ quy hoạch 1/5.000 không ảnh hưởng nhiều đến việc xây dựng các dự án hiện tại. "Cấp giấy phép, giao đất xây dựng hạ tầng, dự án, hiện nay phải theo bản đồ quy hoạch 1/2.000. Bản đồ quy hoạch 1/5.000 dùng để nghiên cứu, mang tính định hướng, nếu bị mất thì có thể căn cứ các văn bản được duyệt nên ảnh hưởng không nhiều",ông Hanh nói.
Cũng theo chuyên gia này, các dự án lớn phải căn cứ từ bản đồ quy hoạch 1/5.000 đến bản đồ 1/2.000, những vùng chưa có bản đồ 1/2.000 thì phải căn cứ 1/5.000. Bản đồ quy hoạch 1/5.000 do Kiến trúc sư trưởng (hoặc Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc) trình, khi trình duyệt phải lưu trữ bản đồ đó. Việc thất lạc bản đồ 1/5.000 có thể do lưu trữ hoặc trong quá trình di chuyển.
"Ở đây người dân cảm thấy bị sốc khi bản đồ quy hoạch bị thất lạc đúng bởi vì bản đồ quy hoạch quan trọng như thế mà thất lạc thì hơi bị khó. Cái này phải làm rõ trách nhiệm, thậm chí phải điều tra việc thất lạc này", ông Hanh nhấn mạnh.
Theo Ninh Phan/Tiền Phong