Theo quy hoạch phân khu sông Hồng, phân khu quy hoạch có tổng diện tích 11.000 ha. Trong đó, sông Hồng chiếm 33%, tương ứng khoảng 3.600 ha, đất bãi sông chiếm 50% - tương đương hơn 5.400 ha. Quy mô dân số tối đa dự kiến đạt mức 300.000 người vào năm 2030. Điểm nhấn quan trọng ở quy hoạch này là 3.000 ha bãi giữa sông Hồng. Chiều dài đô thị dọc hai bờ sông khoảng 40 km.
Khu vực hai bên sông Hồng được xác định là trục không gian cảnh quan trung tâm. Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra là làm sao để đảm bảo hành lang thoát lũ và đảm bảo không thay đổi dòng chảy.
|
KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam.
|
KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam (Hội thành viên Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), cho rằng, Luật Thủ đô sửa đổi đã bổ sung, giao thẩm quyền cho HĐND xây dựng quy định, cụ thể hóa và UBND thành phố được quyền phê duyệt công trình trên những bãi này.
Để làm được, cần có cơ sở khoa học, tính toán đến an toàn hành lang thoát lũ và tính liên kết của khu vực này với những khu vực khác khi có lũ. Cũng đã có nhiều nghiên cứu suốt 30 năm qua, vấn đề là cần rà soát, có biện pháp huy động vốn tốt là thực hiện được.
“Đảm bảo an toàn thoát lũ và xói lở do thay đổi dòng chảy là hai vấn đề được quan tâm nhiều khi đặt ra bài toán xây dựng đô thị hai bên bờ sông. Cả hai vấn đề đều đã có cơ sở nghiên cứu thực tiễn trước đó. Quy hoạch trục sông Hồng là hoàn toàn khả thi. Quan trọng, là khi triển khai Hà Nội cần có sự kế thừa kinh nghiệm từ trước đó. Đồng thời, tính toán và nghiên cứu cụ thể, chi tiết để đưa ra phương án thực thi phù hợp”, KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết.
>>>Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường trao đổi bên hành lang Quốc hội về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa dổi):
Thiên Tuấn