Chiều 17/7, người dân xã Hồng Kỳ và xã Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) dỡ bỏ lều bạt cho phương tiện ra vào bãi rác Nam Sơn, kết thúc lần chặn xe rác thứ 7 trong vòng 4 năm liên tiếp.
Điệp khúc chặn xe rác đòi quyền lợi tái diễn suốt nhiều năm khiến vùng nội đô liên tục trải qua những lần ngập ngụa rác thải. Chính quyền TP nhiều lần khẳng định sẽ giải quyết thỏa đáng quyền lợi cho người dân nhưng tình hình không có nhiều thay đổi.
"Sự tích" núi rác
Năm 1999, thủ đô Hà Nội bắt đầu lựa chọn mảnh đất nằm giữa 3 xã Nam Sơn, Bắc Sơn và Hồng Kỳ (thuộc huyện Sóc Sơn) làm nơi chứa rác thải cho các quận nội thành. Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn ra đời với diện tích 83 ha, trong đó 53,49 ha là diện tích bãi rác.
Trong trí nhớ của ông Ngô Văn Quý, người dân thôn Hồng Kỳ, bãi rác có khoảng 15 năm hoạt động yên bình, không vấp phải nhiều phản ứng từ người dân.
|
Núi rác cao ngất ngưởng tiến sát khu dân cư. Ảnh: Ngọc Tân.
|
Năm 2011, Hà Nội tiếp tục mở rộng bãi rác thêm 73,73 ha với 8 ô chôn lấp rác. Phạm vi bãi rác trước khi mở rộng nằm cách nhà ông Quý 700 m, đến khi mở rộng chỉ còn cách nhà 100 m. Hàng trăm hộ dân như ông Quý bỗng nhiên trở thành cư dân vùng ô nhiễm bán kính 500 m.
Theo quy định, giữa nơi xử lý rác và khu dân cư phải có 1 vành đai ngăn cách tối thiểu 500 m. Ở giữa vành đai này chỉ có cây xanh và hồ nước để lọc bớt không khí ô nhiễm. Tuy nhiên, ở bãi rác Nam Sơn, diện tích đáng lẽ phải dùng làm vành đai xanh lại đang là nơi sinh sống, sản xuất nông nghiệp của khoảng 4.000 người.
Quá trình xử lý rác theo công nghệ lạc hậu khiến người dân sống gần bãi rác phải gánh chịu đủ thứ ô nhiễm từ không khí, ánh sáng, tiếng ồn và cả nguồn nước.
Gọi là chôn lấp, thực tế rác tại Nam Sơn được đắp cao hàng chục mét, đứng cách xa cả cây số vẫn nhìn thấy đỉnh. Những ngọn đồi rác này sau khi đạt chiều cao tối đa (39 m) sẽ được phủ bạt niêm phong. Rác lại được chuyển sang các hố chôn lấp mới.
Cách xử lý rác thâm dụng diện tích này khiến bãi rác ngày càng phình rộng, sau hơn 10 năm đã tiến sát các khu dân cư và đứng trước nguy cơ cơ phải đóng cửa vì không thể mở rộng thêm.
Điệp khúc chặn xe
Tháng 5/2016, cư dân trong vùng ô nhiễm tổ chức đợt chặn xe rác đầu tiên để đòi quyền lợi từ chính quyền thành phố. Cuộc chặn xe kéo dài khoảng 3 ngày thì Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phải trực tiếp về địa phương đối thoại với người dân.
Trong cuộc gặp này, ông Chung tuyên bố sẽ đáp ứng các yêu cầu của người dân vùng ảnh hưởng ô nhiễm như hỗ trợ tiền, hưởng bảo hiểm y tế, cấp nước sạch, giảm ô nhiễm tiếng ồn và ánh sáng từ việc vận chuyển rác.
Về lâu dài, Chủ tịch Thành phố hứa hẹn sẽ phát triển công nghệ đốt rác thay cho chôn lấp, mở thêm các điểm xử lý rác giảm tải cho Nam Sơn và di rời người dân khỏi vùng ô nhiễm gần bãi rác.
Năm 2017, nạn ruồi nhặng hoành hành quanh bãi rác khiến người dân bức xúc. Họ mang hàng cân xác ruồi ra chặn giữa đường không cho các xe chở rác vào bãi. Từ chỗ đòi hỗ trợ tiền, dịch vụ y tế và nước sạch... người dân đồng lòng đòi di dời khỏi vùng ô nhiễm bởi mùi rác thải khiến họ không chịu nổi.
|
Rác ùn ứ trong nội thành Hà Nội mỗi lần bãi rác Nam Sơn bị chặn xe. Ảnh: Việt Linh.
|
Cuối năm 2017, UBND huyện Sóc Sơn phê duyệt dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư để di dời người dân 3 xã trong vùng ô nhiễm bán kính 500 m.
Tháng 7/2018, người dân tái diễn cảnh chặn xe rác vì cho rằng công tác bồi thường tái định cư chậm chạp. Cũng trong năm này, các nông dân ở thôn Hồng Kỳ phản ánh tình trạng ruộng lúa khô cằn, thiếu nước tưới vì dòng suối Lai Sơn bị nước rỉ rác làm ô nhiễm.
Năm 2019, người dân quanh bãi rác Nam Sơn tổ chức 3 đợt chặn xe rác vào tháng 1, tháng 7 và tháng 12 khiến nội thành Hà Nội ô nhiễm nặng nề. UBND TP lên tiếng yêu cầu sớm di dân ra ngoài vùng ảnh hưởng môi trường. Theo người dân địa phương, công tác kiểm đếm đất đai đã hoàn tất nhưng giữa chính quyền và người dân còn bất đồng về mức giá và phạm vi đền bù.
Theo Ngọc Tân/Zing