Bác sĩ trục lợi bảo hiểm, trách nhiệm BV Đa khoa tỉnh Lâm Đồng?

Google News

Cơ quan điều tra sẽ làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, quy trình khám bệnh, cấp phát thuốc thuộc nhiệm vụ của các cán bộ, cá nhân nào.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lâm Đồng vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam Lê Văn Nguyên (33 tuổi, bác sĩ chuyên khoa I) và Hồ Đắc Tuấn (36 tuổi, nhân viên Khoa dược) cùng công tác tại Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Lâm Đồng để điều tra tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Khám xét nơi làm việc, nhà riêng của các bị can, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lâm Đồng đã thu giữ nhiều chứng cứ liên quan.
Bac si truc loi bao hiem, trach nhiem BV Da khoa tinh Lam Dong?
Cơ quan CSĐT Công bố các Lệnh khởi tố, Lệnh bắt bị can để tạm giam 
Kết quả điều tra từ tháng 1/2023 đến nay, Lê Văn Nguyên đã lạm dụng chức vụ là bác sỹ khám bệnh, kê đơn thuốc khống hoặc kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế nhằm mục đích chiếm đoạt thuốc bảo hiểm y tế của bệnh viện. Quá trình này có sự tham gia, giúp sức của Hồ Đắc Tuấn.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, theo kết quả điều tra ban đầu, việc cơ quan điều tra khởi tố bác sĩ này về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà có cơ sở. Trường hợp bị kết tội, bác sĩ này phải đối mặt với hình phạt có thể tới 20 năm tù.
Kết quả điều tra cho thấy, bác sĩ Lê Văn Nguyên đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để giả mạo chữ ký của các bệnh nhân trục lợi bảo hiểm với số tiền tới 900 triệu đồng. Do đó, cơ quan điều tra đã khởi tố bác sĩ này về tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản theo điều 355 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Bac si truc loi bao hiem, trach nhiem BV Da khoa tinh Lam Dong?-Hinh-2
Bị can Lê Văn Nguyên 
Trong vụ việc này, bác sĩ Nguyên đã sử dụng chức vụ quyền hạn của mình như một phương thức, công cụ để thực hiện hành vi phạm tội. Do có chuyên môn, có vị trí công tác, được giao nhiệm vụ nên bác sĩ này đã biết các quy trình thủ tục, lợi dụng những thông tin có được từ người bệnh, bác sĩ này đã giả mạo hồ sơ khám bệnh, giả mạo chữ ký của bệnh nhân để lập hồ sơ khống nhằm trục lợi bảo hiểm. Hành vi này gây thiệt hại đến tài sản của cơ quan bảo hiểm và là thủ đoạn để chiếm đoạt tài sản là tiền bảo hiểm y tế.
Điều đáng chú ý là hoạt động khám chữa bệnh thực hiện tại cơ sở y tế không thể có chuyện một người thực hiện được toàn bộ các khâu, các thủ tục. Hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, cấp phát thuốc được thực hiện theo quy trình, quy định, theo thủ tục chặt chẽ.
Bởi vậy, trong quá trình điều tra vụ án này, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, làm rõ quy trình khám bệnh, cấp phát thuốc trong các tình huống này sẽ thuộc nhiệm vụ của các cán bộ, cá nhân nào.
Bac si truc loi bao hiem, trach nhiem BV Da khoa tinh Lam Dong?-Hinh-3
Bị can Hồ Đắc Tuấn 
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy đã có hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng hoặc có dấu hiệu đồng phạm giúp sức cho bác sĩ Nguyên để thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế, cơ quan điều tra cũng có thể tiếp tục khởi tố bị can để xử lý đối với những người có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Đây là vụ việc phức tạp, có liên quan đến lĩnh vực đặc thù, phương thức thủ đoạn phạm tội tinh vi và thời gian thực hiện hành vi phạm tội kéo dài nên cơ quan điều tra sẽ thận trọng xem xét đánh giá để làm sáng tỏ bản chất sự việc, xác định nguyên nhân động cơ sự việc, diễn biến hành vi và hậu quả đã gây ra. Đặc biệt là sẽ tiếp tục mở rộng điều tra làm rõ vụ việc này có đồng phạm hay không, có người khác phạm tội hay không để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, bác sĩ Lê Văn Nguyên đã kê đơn, tự ký thay và nhận thuốc bảo hiểm y tế “giúp” 53 bệnh nhân dù họ không đến bệnh viện khám, lấy thuốc với tổng giá trị gần 900 triệu đồng. Có những đơn thuốc được bác sĩ Nguyên kê cho 1 bệnh nhân chỉ cách nhau chỉ vài ngày (2 đơn thuốc đều được kê để sử dụng trong 1 tháng và có thuốc giống nhau). Có những bệnh nhân chưa hề đến khám và điều trị bệnh tiểu đường, nhưng lại được kê đơn điều trị với liều lượng vượt quá quy định chuyên môn…
Cơ quan bảo hiểm đã vào cuộc và xác minh 19 trường hợp được bác sĩ Nguyên nhận thuốc "giúp" với số tiền 357 triệu đồng. Có 34 trường hợp khác "nhận thuốc" với số tiền gần 530 triệu đồng đang tiếp tục được xác minh. Làm việc với Ban Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Lâm Đồng, bác sĩ Nguyên đã thừa nhận hành vi, đồng thời tự nguyện nộp lại số tiền hơn 357 triệu đồng trục lợi từ bảo hiểm y tế.
Liên quan đến vụ việc, lãnh đạo Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng cũng cho biết, việc cho mượn thẻ bảo hiểm y tế hoặc đi nhận thuốc “giúp” là hành vi pháp luật nghiêm cấm. Đơn vị đang rà soát 34 trường hợp còn lại và những người khác có liên quan đến bác sĩ Nguyên.
Hiện nay, Bệnh viện đa khoa tỉnh Lâm Đồng đang phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ án trục lợi bảo hiểm y tế để Công an tỉnh Lâm Đồng tiếp tục điều tra mở rộng vụ án…
>>> Mời độc giả xem thêm video Xuất hiện thủ đoạn làm giả hồ sơ BHXH để trục lợi

Nguồn: Truyền hình Vĩnh Long

Hải Ninh