Nhiều lần được cấp trên yêu cầu xử lý dứt điểm các bến thủy nội địa, trạm trộn bê tông không phép nhưng Chủ tịch xã Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang chưa thực hiện. Thậm chí, ông này còn bị tố “chống lưng” cho người nhà và các đơn vị liên quan hoạt động bến thủy không phép trong thời gian dài.
Mở lối qua đường sắt phục vụ bến thủy không phép
Nhiều người dân thôn Đạo Ngạn 2, xã Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang phản ánh, ông Nguyễn Tài Hải, Chủ tịch UBND xã Quang Châu đang “chống lưng”, bao che cho các bến thủy nội địa không phép trên địa bàn.
Cụ thể, ông N.V.L., một người dân cho biết, trong số các bến thủy nội địa không phép ở đây, bến có quy mô lớn nhất là của gia đình ông Nguyễn Tài Hải. Bến này hiện đang đứng tên Công TNHH MTV Dịch vụ thương mại 228 do bà Ngô Thị Quyên - vợ ông Hải đại diện theo pháp luật.
|
Gần 10 bến thủy, trạm trộn, bãi tập kết vật liệu không phép tại thôn Đạo Ngạn 2, xã Quang Châu chưa được xử lý dứt điểm
|
Cạnh đó, tại Km 52+440 đê tả Cầu là bến thủy nội địa, bãi tập kết cát sỏi và trạm trộn bê tông không phép của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Nam Thành do ông Ngô Đức Tuyên - em vợ ông Hải đại diện theo pháp luật.
Thông tin này cũng được chính ông Ngô Đức Tuyên xác nhận: “Đúng là chúng tôi đã xây dựng 2 bến thủy nội địa, bãi tập kết cát sỏi và 2 trạm trộn bê tông tại khu vực này khi chưa được cấp phép hoạt động.
Tuy nhiên, sau khi bị các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương nhắc nhở, các công trình này đều đã tạm dừng hoạt động”.
Trái với khẳng định trên, những ngày gần đây các xe tải trọng lớn vẫn rầm rập lưu thông, vận chuyển cát sỏi, bê tông tươi từ các bến bãi, trạm trộn bê tông từ khu vực này di chuyển trên đê đưa đến các nơi tiêu thụ. Không chỉ bến thủy, trạm trộn bê tông của gia đình ông Nguyễn Tài Hải, tại khu vực này còn khoảng 10 bến thủy nội địa không phép.
Nhằm tạo điều kiện đáp ứng nhu cầu hoạt động của các bến, bãi này, gần 10 năm nay, chính quyền địa phương vẫn duy trì một lối đi tự mở cắt ngang qua đường sắt, phục vụ hàng chục xe trọng tải lớn, cơi nới thành thùng vận chuyển vật liệu đi qua gây mất ATGT khiến dư luận bức xúc.
Theo thông tin từ Phòng TN&MT huyện Việt Yên, trên địa bàn xã Quang Châu hiện có 10 bến, bãi không nằm trong quy hoạch với tổng diện tích đất đang sử dụng là 69.210,5m2.
Các bến bãi này chủ yếu nằm trong hành lang bảo vệ đê, hành lang thoát lũ, bảo vệ luồng thủy và hành lang cầu đường bộ, đường sắt nhưng vẫn được UBND xã Quang Châu ký hợp đồng cho thuê đất lâu dài.
Đại diện Sở GTVT tỉnh Bắc Giang cũng khẳng định những năm gần đây các doanh nghiệp trên đã nhiều lần hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp phép bến thủy nội địa nhưng qua kiểm tra thực tế đều không đủ điều kiện cấp phép hoạt động theo quy định.
Do vậy, các đơn vị này vẫn hoạt động trái phép, Sở đã nhiều lần đề nghị UBND huyện Việt Yên vào cuộc xử lý dứt điểm theo thẩm quyền nhưng chưa có kết quả.
Trái lệnh cấp trên, cố tình vi phạm
Gần đây nhất, ngày 23/6/2020, UBND huyện Việt Yên đã ban hành văn bản yêu cầu UBND xã Quang Châu kiểm tra, thanh lý hợp đồng thuê đất trái quy định với các bến, bãi không phép.
Đồng thời, yêu cầu các hộ, doanh nghiệp vi phạm phải di chuyển toàn bộ vật liệu xây dựng và công trình trên bãi xong trước ngày 26/6/2020.
Đặc biệt, trước ngày 28/6, UBND xã Quang Châu phải cắt bỏ các dốc, lập rào chắn; cắt điện, nước không cho các phương tiện tiếp tục vận chuyển, hoạt động tại các bến bãi trái phép này...
Chỉ đạo là vậy nhưng UBND xã Quang Châu chỉ thực hiện lấy lệ khi chỉ có một số đường lên xuống bến thủy nội địa tại khu vực này bị rào chắn nhưng lại được “tạo điều kiện” bạt mái đê, mở đường khác để tập kết, vận chuyển cát sỏi, vật liệu.
Đặc biệt, chỉ những hộ “thấp cổ bé họng” mới bị lập rào chắn, còn bến thủy và trạm trộn bê tông không phép của gia đình ông Nguyễn Tài Hải và em vợ thì vẫn hoạt động bình thường.
Ông Lê Thành Chung, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang khẳng định, đơn vị đã nhiều lần lập biên bản, đề nghị xử phạt các trường hợp trên.
Đồng thời, tham mưu cho Sở báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết dứt điểm, nhưng quan trọng nhất là lực lượng tại cơ sở, trong đó UBND xã Quang Châu chưa vào cuộc xử lý theo chỉ đạo khiến vụ việc kéo dài gây bức xúc.
Theo Hồng Nguyên/Báo Giao Thông