Bà nội đầu độc cháu 11 tháng bị bại não: Hành vi tàn nhẫn, táng tận lương tâm

Google News

(Kiến Thức) - Đáng lẽ ra, với lương tâm trách nhiệm của người bác sỹ là cứu người và là bà nội của cháu bé, bà Lệ phải hết sức thương yêu, chăm sóc cháu bé bị bại não. Nhưng bà Lệ lại đang tâm đầu độc nhằm sát hại cháu. Do đó, hành vi này không chỉ đáng bị lên án mà phải xử nghiêm theo quy định của pháp luật…

Ngày 4/8, Công an tỉnh Thái Bình cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Thái Bình đã ra Lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, Quyết định tạm giữ đối với bà Chử Thị Mỹ Lệ (SN 1969, trú tại thôn Tú Linh, xã Tân Bình, TP Thái Bình) để điều tra hành vi có dấu hiệu phạm tội “Giết người” quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự.
Bà Chử Thị Mỹ Lệ - Phó trưởng Khoa sản Bệnh viện Đa khoa huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình được cho đã có hành vi bỏ thuốc độc vào sữa cho cháu nội bị bại não bẩm sinh là Lê Trần Dương M (11 tháng tuổi) uống hai lần, một lần ở nhà và 1 lần khi cháu đang cấp cứu ở Bệnh viện Nhi Thái Bình. Hành vi của bà Lệ đã khiến cháu M. nguy kịch hiện đang cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung Ương.
Ba noi dau doc chau 11 thang bi bai nao: Hanh vi tan nhan, tang tan luong tam
 Phòng khám của bà Lệ tại TP Thái Bình.
Hành vi tàn nhẫn
Trao đổi với PV Kiến Thức về hành vi trên của người vừa là bà nội, vừa là bác sĩ lại đầu độc chính cháu nội của mình chỉ vì cháu bé bị bại não bẩm sinh, chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy - người đã có hàng chục năm công tác tư vấn gia đình cho rằng, bà Lệ vừa là người có trình độ chuyên môn, đồng thời cũng là người am hiểu pháp luật. Do biết bệnh tình của cháu nội bị bại não không chữa được nên đã gây ra hành vi trên.
“Hành vi này vừa vi phạm pháp luật hình sự về hành vi cố ý giết người. Ở góc độ tâm lý, với người dân bình thường, khi cháu bé sinh ra như vậy, bằng mọi cách họ vẫn cố cứu chữa để giành giật sự sống cho cháu bé. Tôi biết có người ba con bị nhiễm chất độc màu da cam nhưng họ vẫn cố gắng nuôi cả 3 dù cuộc sống khó khan vất vả. Tại sao người ta nuôi được, cố gắng chăm sóc con cháu được mà bà Lệ lại có hành động như vậy” – chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy nói.
Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy cho rằng, với vị trí là Phó trưởng Khoa sản Bệnh viện Đa khoa huyện Vũ Thư, bà Chử Thị Mỹ Lệ là người có hiểu biết chuyên môn và luật pháp, kinh tế gia đình lại không khó khăn nhưng lại cố tình đầu độc cháu nội với mục đích loại bỏ cháu ra khỏi cuộc sống.
Ba noi dau doc chau 11 thang bi bai nao: Hanh vi tan nhan, tang tan luong tam-Hinh-2
 Bà Lê Thị Túy.
“Về mặt tâm lý, người nuôi cháu bé bị bại não biết cháu sẽ khó có thể thành người nên rất nặng nề. Tôi đã từng gặp hai vợ chồng không biết hạnh phúc là gì nữa khi đẻ các con đều bị chất độc da cam. Thực sự khi tiếp cận thông tin vụ việc này, tôi thấy bà Lệ đang gặp bế tắc khi cháu mắc bệnh như vậy. Họ nuôi suy nghĩ và bị ám ảnh bởi suy nghĩ cháu bé sống cũng không thành người mà nuôi một đứa bé như vậy cũng chỉ thêm mệt mỏi. Do có tâm trạng như vậy dẫn đến cùng quẫn bí bách hành động như thế. Tuy nhiên, tại sao người dân thường họ không có trình độ nhưng lại không cư xử như vậy, tại sao không cố gắng chăm sóc cháu bé. Bà Lệ dám làm việc đó là to gan, là tàn nhẫn với máu mủ của mình. Do đó vẫn phải lên án hành vi ấy” – chuyên gia Lê Thị Túy nêu ý kiến.
Bi kịch gia đình
Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận định, đây là bi kịch trong gia đình.
“Rất có thể vì thấy cháu nội từ khi sinh ra không bình thường do sinh non, bị bệnh bại não, hở hàm ếch, thường xuyên ốm yếu nên đã tìm cách sát hại cháu để giải thoát khỏi những gánh nặng cho gia đình về trách nhiệm nuôi dưỡng và chăm sóc cháu sau này. Để thực hiện hành vi phạm tội, nghi phạm đã mua thuốc thuốc diệt chuột, pha vào sữa cho cháu ăn để nhằm mục đích cho cháu tử vong. Rất may, do được phát hiện và cấp cứu kịp thời nên tính mạng cháu bé được đảm bảo. Cho đến thời điểm hiện tại, tính mạng cháu bé vẫn đang nguy kịch và tiếp tục được điều trị tích cực tại bệnh viện” – luật sư Thơm nêu ý kiến.
Ba noi dau doc chau 11 thang bi bai nao: Hanh vi tan nhan, tang tan luong tam-Hinh-3
 Luật sư Nguyễn Anh Thơm.
Dưới góc độ pháp luật, luật sư Thơm cho rằng, trẻ em là đối tượng đặc biệt được pháp luật bảo vệ. Mọi hành vi xâm phạm đến quyền trẻ em, đặc biệt là quyền được sống đều bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Cháu bé sinh ra đã bị thiệt thòi khi không hoàn thiện về thể chất và tinh thần. Đáng lẽ ra, với lương tâm trách nhiệm của người bác sỹ là cứu người và là bà nội của cháu bé thì nghi phạm phải hết sức thương yêu, chăm sóc và chữa trị cho cháu nội nhưng đáng tiếc, nghi phạm lại đang tâm sát hại cháu để cho rằng cứu giúp gia đình thoát khỏi gánh nặng phải chăm sóc trẻ không hoàn thiện về thể chất và tinh thần và giải thoát cho cuộc đời cháu.
Kết quả giám định chất độc thuốc diệt chuột trong cơ thể cháu bé nếu có khả năng nguy hiểm đến tính mạng cháu bé thì nghi phạm sẽ phải đối mặt với tội danh Giết người. Tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự.
Trường hợp cháu bé không bị tử vong do được cấp cứu kịp thời, nghi phạm vẫn phải chịu trách nhiệm trong trường hợp phạm tội chưa đạt đã hoàn thành (hoàn thành về hành vi nhưng chưa đạt về hậu quả) với khung hình phạt cao nhất đến 20 năm tù.
Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật
Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, trong những vụ đầu độc xảy ra thời gian gần đây thì 2 vụ đầu độc gây rúng động dư luận đều xảy ra tại Thái Bình, đó là vụ việc do đối tượng Lại Thị Kiều Trang thực hiện và vụ việc bà nội đầu độc cháu bé như trên.
Luật sư Cường cho rằng, Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ nguyên nhân, làm rõ hành vi và hậu quả để xử lý theo quy định pháp luật.
Thông tin vụ việc cho thấy, bà Lệ là bác sĩ, Phó trưởng khoa sản, lại là bà nội của cháu bé nên hành vi của người phụ nữ này rất bất ngờ và vô cùng nhẫn tâm, hành vi có dấu hiệu của tội giết người theo Điều 123 Bộ luật hình sự.
Theo cơ quan công an, loại hoá chất mà đối tượng sử dụng để đầu độc cháu bé là thuốc diệt chuột. Thông thường thuốc diệt chuột trên thị trường hiện nay mua khá dễ dàng và sử dụng chủ yếu trong hoạt động nông nghiệp. Thuốc diệt chuột thường dùng là Kẽm photphua, đây là một hợp chất hóa học vô cơ, có thành phần chính gồm hai nguyên tố là kẽm và photpho, với công thức hóa học được quy định là Zn3P2. Hợp chất này là một chất rắn màu xám, mặc dù các mẫu thương mại thường có màu tối hoặc thậm chí là đen, chất này thường xuyên được sử dụng làm thuốc diệt chuột. Kẽm photphua rất độc, trong các nhãn ghi chứng nhận nó được đánh dấu là 'Nguy hiểm cao', có nghĩa là 1–50 mg chất ăn uống có thể gây chết người.
Ba noi dau doc chau 11 thang bi bai nao: Hanh vi tan nhan, tang tan luong tam-Hinh-4
Luật sư Đặng Văn Cường. 
Việt Nam là nước nông nghiệp nên việc sử dụng thuốc diệt chuột là một hoạt động thường xuyên của nông dân, người sống ở nông thôn và thậm chí cả các đô thị. Do đó, không chỉ bà Lệ - Bác sĩ mà có lẽ bất cứ người dân Việt Nam nào cũng có thể nhận thức được rằng thuốc diệt chuột là thuốc độc, người ăn uống phải thuốc này hoàn toàn có thể chết người. Thuốc diệt chuột không phải là thực phẩm, không hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ em.
Bởi vậy, khi bà Lệ biết rõ đây là loại thuốc độc nhưng vẫn cố tình bơm vào sữa cho cháu bé uống mong muốn hoặc bỏ mặc hậu quả cháu bé tử vong xảy ra nên đây là hành vi giết người, hành vi có thể tước bỏ tính mạng nạn nhân. Việc cháu bé không chết là do được cứu chữa kịp thời ngoài ý chí chủ quan của bà Lệ. Bởi vậy dù cháu bé không chết thì vẫn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự để xử lý với người phụ nữ này.
Điều đáng nói trong vụ án này, bà Lệ là người làm nghề y, là bác sĩ, lại là lãnh đạo khoa sản, cháu bé là cháu nội của mình nhưng người đàn bà này đã vô cảm, nhẫn tâm đối với chính cháu nội của mình vi phạm nghiêm trọng pháp luật, vi phạm đạo đức xã hội nên người phụ nữ này phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất có thể là tù chung thân hoặc tử hình. Bởi bà Lệ sẽ phải đối mặt với nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như giết người dưới 16 tuổi, có tính chất côn đồ hoặc vì động cơ đê hèn.
“Cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ nguyên nhân người phụ nữ này sát hại cháu bé là vì mâu thuẫn, thủ án gì trong gia đình hay vì muốn trút bỏ trách nhiệm, gánh nặng trong việc chữa trị, chăm sóc cháu bé. Dù là nguyên nhân gì thì hành vi đầu độc đứa trẻ 11 tháng tuổi bằng thuốc diệt chuột cũng là vi phạm pháp luật nghiêm trọng, hành vi này cũng không phù hợp với y đức của người theo nghề y. Bởi vậy, ngoài sự trừng phạt của pháp luật thì người vi phạm còn chịu sự lên án của dư luận xã hội và gây lo lắng, buồn phiền trong gia đình” – luật sư Cường nêu ý kiến.
Đồng thời cho rằng, vụ án sẽ là bài học cho những ai coi thường tính mạng của người khác, những âm mưu, thủ đoạn dù có đê hèn phải tàn độc, tinh vi đến đâu cũng sẽ bị phát hiện phanh phui và phải chịu chế tài của pháp luật.
 >>> Mời độc giả xem thêm video Đầu độc vợ người tình bằng trà sữa, một người lạ tử vong

Nguồn: Vietnamnet

Hải Ninh