Có lẽ việc phải trả giá cả tuổi xuân cho những tội ác mình gây ra đã khiến gương mặt chị ta chóng tàn phai đến thế. đó là Nguyễn Thị Hồng (SN 1970) ở khu Vĩnh Hưng (quận Hoàng mai).
|
Hình minh họa. |
Vụ sát nhân thứ nhất
Hồng là con cả trong gia đình có 3 chị em. Con gái cả nên sớm biết tần tảo đỡ đần bố mẹ. Ngày đó nhà Hồng còn ở khu tập thể mồng 8/3 (Thanh Nhàn, Hà Nội).
Mẹ Hồng có một hàng xôi ngoài chợ 8/3, những lúc học hành rảnh rỗi, cô thường ra phụ mẹ bán hàng nên bạn bè hay trêu cô là Hồng "xôi", lâu dần thành biệt hiệu.
Từ nhỏ, Hồng đã quen với nếp sống ngoài chợ búa, thường xuyên chứng kiến cảnh cãi vã thậm chí ẩu đả nhau vì tranh giành chỗ ngồi, tranh giành khách khứa. Và không ít lần, cô cũng phải cùng mẹ tham gia các vụ "bảo vệ lợi ích gia đình" như thế.
Nhiều người biết tuổi thơ của Hồng "xôi" đều cho rằng cô không phải mẫu phụ nữ hiền lành, nhưng cũng không phải loại người quá đanh đá, nanh nọc.
Chỉ vào những trường hợp bất khả kháng cô mới "xù lông nhím" lên để tự bảo vệ mình. Nhưng một khi đã phản kháng thì Hồng như có "máu điên", không còn biết sợ là gì và bất chấp tất cả.
Chính thói quen "chợ búa" này đã khiến Hồng phải trả giá đắt vào năm học cuối cấp 2. Bấy giờ, ở cái tuổi 14, 15, tâm hồn treo ngược cành cây, Hồng cũng đã lần đầu tiên biết thế nào là rung động.
Một anh bạn khác lớp đẹp trai, học giỏi, đã khiến trái tim cô loạn nhịp khi đứng gần hoặc nói chuyện với nhau. Anh bạn này hình như cũng thích cô, cứ mỗi lúc nghỉ giải lao giữa các tiết học là lại sang lớp tìm cô nói chuyện.
Cho đến bây giờ, các nhân chứng vẫn không giải thích được lý do Hồng bị quây đánh ở ngoài trường. Chỉ có thể đoán rằng mối tình cảm non nớt giữa cô và anh bạn khác lớp, đã khiến cho một nữ sinh nào đó nổi giận.
Từ trường về nhà, Hồng thường đi tắt qua một con ngõ dẫn thẳng vào khu tập thể. Hôm ấy, bất ngờ cô bị một nhóm nữ choai choai chặn đường với một lý do rất bâng quơ "tại sao mày dám chửi em tao?"
Vốn biết người cầm đầu nhóm nữ là một đàn chị khét tiếng, chuyên tụ tập quậy phá ở một số trường học trong khu vực, nên Hồng rất sợ hãi. Cô lí nhí trả lời rằng "không biết em chị là ai và cũng không dám chửi bới ai".
Vừa dứt lời thì Hồng tối tăm mặt mũi bởi những cái giật tóc, tát tai. Cho rằng Hồng dám cãi lại, đàn chị đó lao vào cô như hổ dữ. Vừa đau vừa sợ, Hồng vùng người bỏ chạy. Đám nữ quái đuổi sát sau lưng. Biết sẽ không thể chạy thoát, Hồng tạt vào một quán nước ven đường.
Thường xuyên đi qua nên cô biết chủ quán có một con dao nhọn dùng để gọt hoa quả, thường để trên kệ tủ đựng thuốc lá. Hồng vớ dao vừa lúc bị đàn chị kia tóm được tóc, kéo giật lại.
Phẫn uất trào dâng, Hồng vung dao điên loạn. Cô chỉ dừng tay khi có tiếng những người lớn hét thất thanh. Đám nữ quái đã bỏ chạy hết, bỏ lại đàn chị nằm gục với những vết đâm và không bao giờ tỉnh lại nữa.
Giết người khi tuổi vị thành niên, lại trong trường hợp người bị hại cũng có một phần lỗi nên Hồng chỉ phải chịu mức án 3 năm tù giam.
Vụ sát nhân thứ hai
Năm 1988, Hồng "xôi" ra tù. Cánh cửa học vấn đã khép lại. Tương lai cũng trở nên bất định với một cô gái từng mang tiếng giết người. Để trốn tránh dư luận xầm xì, soi mói, Hồng xin cha mẹ chút vốn rồi đến khu vực đền Lừ (đầu đường Lĩnh Nam, Hà Nội) thuê nhà và buôn bán tự nuôi sống bản thân.
Vốn quen việc chợ búa nên ít thời gian sau, cô đã dựng được phản bán thịt lợn trong chợ cóc của khu đền Lừ. Không kiếm được nhiều tiền lắm nhưng cũng đủ để cô trang trải cho một cuộc sống tùng tiệm. Quá khứ dần khép lại.
Ở tuổi đôi mươi mơn mởn, lại có vẻ khá đảm đang nên Hồng cũng đã được một vài chàng trai lui tới thăm nom. Nếu mọi sự cứ bình lặng như thế thì có lẽ, Hồng đã sớm được hưởng niềm hạnh phúc làm vợ, làm mẹ. Chỉ có điều, những chông gai trong cuộc sống thường xuất hiện mà không bao giờ báo trước.
Khu đền Lừ khi ấy còn hoang sơ, dân cư đa phần là người nơi khác đến thuê nhà sinh sống. Cái chợ cóc cũng chỉ phục vụ người trong khu vực là chính.
Vì thế mà chẳng có ban quản lý chợ hay bảo vệ gì hết, cứ mạnh ai nấy làm, bán được gì thì cứ bán. Thấy phản thịt của Hồng bán được, một người đàn bà độc thân khoảng ngoài 30 tuổi, thuê nhà gần đó cũng bon chen đến ngồi cạnh.
Nhiều người biết chuyện nhớ lại đó là một người đàn bà rất chua ngoa đanh đá. Đồn đại rằng bà ta vốn là dân cờ bạc "tay to", từng đánh bay mấy cái nhà trên "phố nhớn", giờ mất sạch nên sau khi bị chồng bỏ thì chui về đây vừa ở ẩn vừa trốn nợ.
Nghĩ rằng "buôn có bạn, bán có phường" nên thời gian đầu, Hồng "xôi" cũng giúp đỡ bà ta khá nhiều. Từ chỉ mối lấy hàng rẻ hơn cho đến cách lọc xương pha thịt sao cho người bán hàng có được nhiều lợi nhất.
Nhưng bà ta không hề biết ơn, thậm chí ngày càng quá quắt. Với lợi thế thuê nhà ở gần, bà ta thường xuyên đến sớm hơn rồi bày biện chèn ép hàng của Hồng. Dã tâm của bà ta là gây sức ép khiến Hồng phải đi chỗ khác để độc chiếm chỗ ngồi đã "quen khách" đó.
Lúc đầu Hồng còn cố nhẫn nhịn nhưng dần dần cũng không chịu đựng nổi nữa. Thế là chuyện cãi vã, chửi bới xảy ra như cơm bữa. Đôi lần, nếu không có xung quanh can ngăn thì hai người đã xông vào ẩu đả với nhau. Mâu thuẫn căng như sợi dây đàn, chỉ chờ cơ hội là bùng phát.
Và rồi ngày định mệnh đó cũng đến. Nhiều nhân chứng vẫn còn nhớ vụ án xảy ra vào một buổi chiều muộn cuối năm 1990. Hôm ấy, Hồng "xôi" rất ngạc nhiên vì đối thủ cạnh tranh dọn hàng về sớm.
Và băn khoăn ấy đã chính xác khi bà ta dẫn theo mấy gã cô hồn bất thần xuất hiện trước hàng của Hồng. Chỉ vào một gã, người đàn bà bảo: "Hôm nay có mặt chồng tao, xem mày còn dám cậy trẻ khỏe để bắt nạt tao nữa không?".
Bị vu oan trắng trợn, mà cũng chẳng biết đó có phải chồng của bà ta không nên Hồng chẳng nói chẳng rằng. Bực mình, "gã chồng" giơ chân đạp đổ phản thịt của Hồng xuống đất. "Mụ vợ" được thể cũng nhào lên, tóm tóc đánh Hồng túi bụi.
Người trong chợ vẫn còn lác đác nhưng không ai dám can ngăn bởi mấy gã đứng ngoài trông rất dữ dằn. Bị đánh đau, một cơn điên như cái thời 15 tuổi bỗng ùa về xâm chiếm lấy Hồng. Nhìn thấy con dao bầu chỏng chơ dưới đất, Hồng chộp lấy và vung vào kẻ đang cưỡi lên người mình.
"Gã chồng" hốt hoảng xô đến ứng cứu cũng bị Hồng vung dao liên tiếp. Hậu vụ ẩu đả, "gã chồng" chết, "mụ vợ" trọng thương. Hồng đứng giữa chợ nhìn vào đôi bàn tay mình vấy máu, vẫn không thể tin "bóng ma tội ác" tưởng đã chôn vùi giờ lại quay về.
Xét nhiều tình tiết giảm nhẹ, Hồng chỉ bị xử 15 năm cho hành vi giết người lần thứ 2 của mình. Hồng "xôi" ra tù khoảng năm 2004 và hiện đang thuê nhà sống ở khu Vĩnh Hưng. Gặp chị ta thời điểm này người không biết sẽ không thể tưởng tượng đó là nữ quái từng sát hại 2 mạng người.
Nhan sắc đã tàn phai, mới ngoài 40 tuổi mà trông như bà lão sáu mươi, cả tuổi xuân đã ở sau song sắt nên dường như chị ta cũng không thiết tha gì chuyện đến chồng con nữa. Vẫn tự mưu sinh nhưng Hồng chỉ buôn bán mớ tôm, mớ cua lặt vặt.
Nghe nhắc lại chuyện đời buồn thảm của mình, Hồng chia sẻ giờ không dám làm việc gì đụng đến dao kéo nữa bởi đã quá ghê sợ chính đôi bàn tay sát thủ của mình.
Không dám đụng đến dao kéo bởi chị ta sợ nhỡ có việc gì đó khiến mình thiếu kiềm chế, vung dao lên là lại đoạt mạng người. Hồng kể rằng nhiều lần mộng mị tự nhiên thấy đôi bàn tay toàn máu, thế là vùng dậy thức chong chong cả đêm, ám ảnh tội ác khiến chị ta không thể nào chợp mắt lại được nữa.
Một người biết về câu chuyện lại có quan điểm khác: "Thực chất, không có bàn tay nào là bàn tay sát nhân cả. Mọi tội ác đều xuất phát từ chính bản thân người gây tội ác. Chuyện của Hồng "xôi" cũng thế. Dù là ở thế bị động nhưng khi đã cầm dao lên, nghĩa là chị ta đã có ý muốn làm thương vong người khác”.
Nếu trong các vụ xô xát, Hồng biết nhẫn nhịn, biết nhờ cậy đến chính quyền và luật pháp phân xử, thì có lẽ chị ta đã không phải trả giá cả tuổi thanh xuân trong trại giam như thế. Nhưng cũng mừng cho Hồng, bởi khi đã biết tự ghê sợ đôi bàn tay của mình cũng có nghĩa chị ta đang tìm mọi cách để tránh xa tội ác".
Theo Thanh Huyền/ Pháp Luật Plus