22 ngày “No Covid-19” – là kết quả của suốt một thời gian dài cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến các cấp, các ngành, địa phương cùng vào cuộc với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, “không chủ quan nhưng không bi quan hoang mang”, bình tĩnh kiên quyết xử lý để bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân.
Sự quyết liệt của Chính phủ với những biện pháp hiệu quả, sự tận tâm dốc sức của ngành y tế, sự nỗ lực của các địa phương, sự gắn kết đồng lòng chống dịch của toàn dân đã phát huy hiệu quả ngăn chặn dịch bệnh trong suốt 22 ngày. Việt Nam đã được quốc tế ghi nhận đạt kết quả khả quan trong kiểm soát, phòng chống dịch bệnh.
Khi những tia sáng bắt đầu xua tan đi mây mù bao phủ bởi dịch bệnh, học sinh cả nước chuẩn bị đến trường, nhiều doanh nghiệp phấn khởi tiếp tục sản xuất kinh doanh, toàn dân “không chủ quan nhưng không quá bi quan” khi không còn nỗi ám ảnh của dịch bệnh, khi chúng ta đã tiến gần đến thời điểm công bố hết dịch thì bất ngờ ca nhiễm 17 xuất hiện như một “cú sốc” rồi nhiều ca dương tính khác được phát hiện và công bố.
|
Ảnh minh họa. |
Tất cả phải “bắt đầu lại từ đầu” và công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Việt Nam bước vào giai đoạn mới – giai đoạn 2 trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 như lời Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mới đây đã nói.
Phó Thủ tướng nói rằng, giai đoạn 2 khó hơn giai đoạn đầu khi dịch đã lan ra hơn 100 nước. Chúng ta phải ngăn chặn dịch bệnh từ trăm ngả thay vì một vài ngả như trước đây. Thực tế virus Covid-19 đã xâm nhập vào nước ta, “đang âm thầm mai phục”. Nếu chúng ta không làm tốt sẽ gặp tình huống “trong đánh ra, ngoài đánh vào”.
Đồng thời, Phó Thủ tướng đưa ra những biện pháp mới quyết liệt hơn theo tinh thần "Chủ động ngăn chặn - Phát hiện sớm - Cách ly kịp thời - Khoanh vùng gọn - Dập dịch triệt để - Điều trị khỏi bệnh" và mong muốn rằng, mọi dân Việt Nam đoàn kết, chung tay thực hiện những khuyến cáo và biện pháp mà Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch và Bộ Y tế đề ra để chặn đứng dịch bệnh.
Dù biết rằng, dịch bệnh diễn biến phức tạp tại 105 quốc gia với 114 ngàn người nhiễm bệnh và chưa có dấu hiệu dừng lại, riêng trong 10 ngày gần đây số người nhiễm tăng nhanh, chiếm 25% tổng số người nhiễm bệnh trước đó, xuất hiện nhiều ổ dịch lớn với số người mắc, số người tử vong gia tăng nhanh. Trong tình cảnh này, Việt Nam có nguy cơ bị lây lan dịch bệnh rất cao nhưng nếu người dân có ý thức, trách nhiệm sẽ hạn chế nguy cơ dịch rất nhiều.
Dư luận vẫn đặt câu hỏi về việc ai đã thổi bay công sức cả nước suốt 22 ngày “No Covid-19”?
Có thể nói rằng, việc xuất hiện ca nhiễm thứ 17 là một cú “sốc” khi chấm dứt 22 ngày yên bình khi dịch bệnh không xuất hiện ca nhiễm mới. Dư luận bức xúc khi bản thân cô gái biết mình nghi nhiễm bệnh nhưng lại không khai báo trung thực khi nhập cảnh, dẫn đến hậu quả nhiều người bị lây nhiễm, các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương phải căng mình chống dịch. Cuộc sống của người dân bị đảo lộn sau 22 ngày “vàng” không có dịch bệnh, bao công sức ngăn chặn dịch bệnh của các cơ quan chức năng đổ sông đổ biển, học sinh không được đến trường, nhiều doanh nghiệp phải lao đao trong vòng xoáy của dịch bệnh.
Đáng trách hơn, chính việc gian dối trong khai báo khi nhập cảnh của Nguyễn Hồng Nhung và có thể của một số người khác khiến việc cách ly không được kịp thời dẫn đến tình hình dịch bệnh lây lan, diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương khi những hành khách trên chuyến bay này tỏa đi nhiều tỉnh thành.
Ngoài ca bệnh 17, dư luận cũng đặc biệt chú ý đến trường hợp ca 21 - bệnh nhân N.Q.T. (bệnh nhân số 21, ngụ đường Nguyễn Khắc Nhu, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình). Đối với ca bệnh này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, ông này đi cùng chuyến bay VN 0054, ngồi ghế 5A, tức là ngồi cạnh bệnh nhân Nguyễn Hồng Nhung.
Bệnh nhân N.Q.T. từ Việt Nam bay qua Ấn Độ, rồi từ Ấn Độ bay qua Anh, sau đó từ Anh bay về Việt Nam trên chuyến bay VN 0054. Theo ông Nguyễn Đức Chung, trên chuyến bay từ Ấn Độ sang Anh, ông N.Q.T. có ngồi cạnh một hành khách người Anh có biểu hiện sốt, ho. Do vậy, trường hợp bệnh nhân N.Q.T. có hai khả năng lây nhiễm, có thể lây nhiễm trên chuyến bay từ Anh về Việt Nam, nhưng khả năng nhiều hơn là lây nhiễm trên chuyến bay từ Ấn Độ đến Anh.
Điều đáng chú ý, theo Chủ tịch Hà Nội, xác định sơ bộ thời gian từ sáng 2/3 đến chiều 6/3, bệnh nhân N.Q.T. đã tiếp xúc với 96 người. Hiện nay vẫn đang trong quá trình xác minh tiếp, tất cả những trường hợp tiếp xúc đã được thông báo và đang cách ly tại cơ sở y tế và gia đình.
Dẫn trường hợp trên để thấy rằng, dù cả hệ thống chính trị có tích cực, nỗ lực vào cuộc với nhiều biện pháp hữu hiệu được triển khai nhưng chỉ một công dân thiếu trách nhiệm khi đi từ vùng dịch về nhưng khai báo gian dối để tránh cách ly, sau đó giao tiếp với nhiều người cũng đủ để lại những hậu quá vô cùng khó lường với cộng đồng xã hội và có thể thổi bay công sức cả nước suốt thời gian qua.
Một ví dụ điển hình, tại Anh và Đức, nơi có số ca nhiễm Covid-19 đang gấp nhiều lần Việt Nam, người dân phớt lờ các nhắc nhở về đeo khẩu trang và tránh tụ tập đông người cho thấy tầm quan trọng rất lớn từ ý thức, trách nhiệm công dân trong phòng chống dịch bệnh.
Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng nhấn mạnh, chúng ta đã lường trước mọi tình huống, có kịch bản sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống, ngay cả khi có hàng ngàn ca nhiễm. Vì vậy, những ngày tới đây nếu có vài chục, vài trăm ca nhiễm cũng không có gì bất ngờ. Cùng với sự khẳng định mới đây của Thủ tướng Chính phủ “Việt Nam đủ năng lực, đủ nguồn lực và tinh thần, kinh nghiệm để kiểm soát dịch bệnh”. Do vậy, người dân hãy yên tâm, tin tưởng, ủng hộ và hợp tác với các cấp chính quyền trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Không nên vì sự thiếu trách nhiệm của bản thân mà ảnh hưởng đến cộng đồng, ảnh hưởng đến công tác chống dịch đang được Nhà nước tích cực triển khai.
>>> Mời độc giả xem thêm video WHO tuyên bố Covid-19 là đại dịch:
Cần thiết công khai thông tin người nhiễm Covid-19 để ngăn chặn dịch bệnh
Ngày 11/3 (tối 11/3 theo giờ Việt Nam), Tổ chức Y tế Thế giới đã chính thức tuyên bố sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) là đại dịch toàn cầu. Trước đó, tổ chức y tế thế giới WHO đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với chủng mới của virut Corona cuối tháng 1 vừa qua. Ngày 01/02/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã ký Quyết định 173/QĐ-TTg để công bố dịch. Covid-19 đã được Bộ Y tế đánh giá là nguy hiểm và bổ sung vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A tại Điều 1 Quyết định 219/QĐ-BYT của Bộ Y tế ngày 29/01/2020.
Điểm a khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 quy định bệnh truyền nhiễm nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid 19 đang diễn biến hết sức phức tạp tại Thủ đô Hà Nội cũng như các Tỉnh, Thành phố trên cả nước. Theo công bố của Bộ y tế, tính đến chiều ngày 12/3/2020, nước ta đã có 44 người mắc Covid-19, trong đó 16 người đã khỏi bệnh. Sau 22 ngày không ghi nhận ca mắc mới, việc tiếp tục có người nhiễm Covid 19 khiến nhiều người dân hoang mang, lo lắng. Theo công bố, tất cả đều do nguồn lây xâm nhập từ bên ngoài vào Việt Nam.
Thực hiện Công văn 79-CV/TW ngày 30/01/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và các Chỉ thị, công văn của Thủ tướng Chính phủ: Chỉ thị 05/CT-TTg ngày 28/01/2020, Chỉ thị 06/CT-TTg ngày 31/01/2020, Công điện 156/CĐ-TTg ngày 02/02/2020, Công văn số 164/TTg-KGVX ngày 03/02/2020, Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 25/02/2020 về việc đẩy mạnh phòng, chống dịch COVID-19, Ban Chỉ đạo Quốc gia điện và đề nghị Bộ Công an phối hợp với Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức rà soát danh sách người nhập cảnh đi trên các chuyến bay có người nhiễm bệnh để xác định địa chỉ cách ly tập trung những người này đồng thời thông báo ngay cho Chính quyền địa phương nơi có hành khách được cách ly, thực hiện các biện pháp giám sát và theo dõi sức khỏe kịp thời theo quy định phòng chống dịch bệnh.
Sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính Covid 19, các cơ quan chức năng đã công bố công khai trên các phương tiện thông tin truyền thông về những người nhiễm bệnh hoặc những người có nguy cơ lây nhiếm cao để mọi người dân có biện pháp bảo vệ cho bản thân và gia đình là rất cần thiết để tránh lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
Theo quy định tại các Điều 32, Điều 38 Bộ luật dân sự thì cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình và đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, Luật dân sự cũng quy định được phép sử dụng hình ảnh cá nhân,công khai thông tin liên quan đời sống riêng tư vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng.
Điều 8 Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 nghiêm cấm hành vi phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin cá nhân tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm. Những thông tin, hình ảnh mang tính tiêu cực như kỳ thị người nhiễm bệnh, xúc phạm danh dự nhân phẩm cá nhân, gia đình và công việc,…
Do đó, việc các Cơ quan chức năng thông tin về nhân thân người nhiễm bệnh, lịch trình sinh hoạt tiếp xúc với những ai là cần thiết trong việc phòng chống dịch bệnh hiện nay đang có sự lây lan trong cộng đồng. Các thông tin này không mang tính tiêu cực mà vì lợi ích quốc gia, dân tộc.
Trường hợp, nếu không công khai thông tin người nhiễm bệnh, lịch trình sinh hoạt, tiếp xúc với những ai để người dân chủ động phòng chống, khai báo, cách ly thì việc lây lan dịch bệnh ra cộng đồng là rất lớn.
Thực tế, thời gian vừa qua, Việt Nam đã thành công bước đầu ngăn chặn dịch bệnh chính là có sự minh bạch trong việc công khai thông tin người nhiễm bệnh và những người tiếp xúc để có những biện pháp ngăn chặn, hạn chế sự lây lan ra cộng đồng.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh.
Tâm Đức