Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, vụ việc tiêm nhầm vắc xin COVID-19 cho 18 trẻ sơ sinh là sự cố rất nghiêm trọng, một sự nhầm lẫn không thể chấp nhận được của trạm y tế thực hiện tiêm chủng cho trẻ.
“Việc tiêm chủng bất kỳ loại vắc xin nào đều phải thực hiện đúng quy trình, thủ tục, quy định bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn tính mạng, sức khỏe của đối tượng tiêm chủng. Trường hợp này đối tượng tiêm chủng còn là trẻ em còn rất nhỏ từ 2 đến 6 tháng tuổi, là đối tượng tiêm chủng phải được cơ quan y tế đặc biệt quan tâm, kiểm soát sát sao quy trình tiêm chủng để đảm bảo an toàn tuyệt đối”, luật sư Cường cho biết.
|
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thăm, trò chuyện với gia đình cháu bé bị tiêm nhầm. (Ảnh: Sức khỏe và Đời sống). |
Theo luật sư Cường, trên thế giới hiện nay, với đối tượng là trẻ em dưới 12 tuổi, Tổ chức y tế thế giới khuyến cáo chưa nên vội tiêm vắc xin mà chỉ xác nhận vắc xin Pfizer phù hợp để tiêm cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên. Tại Việt Nam, từ tháng 11/2021 Bộ y tế đang có chiến tịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em với loại vắc xin comirnaty do Pfizer-BioNTech của Hoa Kỳ sản xuất, thực hiện trước với trẻ em ở độ tuổi từ 16-17 tuổi, sau đó hạ thấp dần độ tuổi.
Đối với trẻ em ở độ tuổi nhỏ hơn, Bộ Y tế sẽ lên kế hoạch triển khai tiêm chủng trong năm 2022 trên cơ sở khoa học và cập nhật các loại vắc xin cho trẻ em.
Như vậy, hiện nay nước ta chưa có kế hoạch tiêm chủng vắc xin COVID-19 cho trẻ em dưới 12 tuổi. Chưa có nghiên cứu khoa học nào xác định việc tiêm vắc xin COVID-19 cho đối tượng này là an toàn. Việc tiêm vắc xin này cho trẻ nhỏ 2-6 tháng tuổi sẽ có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng hiện tại và có thể là cả sau này.
Luật sư Cường cho rằng, cùng với việc tập trung thăm khám, theo dõi tình trạng sức khỏe của các cháu để có phương án xử lý nếu cần thiết, cơ quan chức năng cần phải vào cuộc xác minh, điều tra để xử lý theo quy định pháp luật.
Cụ thể, cơ quan chức năng sẽ phải xác minh, điều tra về quy trình tiêm chủng để xác định lỗ hổng tiêm chủng xảy ra ở khâu nào, lỗi thuộc về cơ quan, tổ chức, cá nhân nào và căn cứ vào hậu quả xảy ra để có hình thức xử lý phù hợp. Tùy vào tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi mà người có hành vi vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trường hợp người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao trong quá trình tiêm chủng vắc xin mà dẫn đến hậu quả chết người hoặc gây tổn hại sức khỏe cho trẻ em mà tỷ lên tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 trẻ trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên, hoặc gây thiệt hại về tài sản trên 100.000.000 đồng thì có thể bị xử lý về “Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 360 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung 2017.
Mức hình phạt đối với tội danh này có thể lên đến 12 năm tù trong trường hợp làm chết 3 người trở lên hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;.. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Trường hợp người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác mà làm chết người, gây tổn hại sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây tổn hại cho sức khỏe từ 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng trở lên thì có thể bị xử lý về “Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” theo Điều 315 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017. Mức hình phạt cao nhất đối với tội danh này có thể lên đến 15 năm tù nếu làm chết 3 người trở lên; hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; hoặc gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Trao đổi với báo chí, PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho rằng nhân viên y tế trong dây chuyền tiêm cho 18 cháu bé ở Trạm Y tế xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai đã thực hiện không đúng quy trình nên đã dẫn đến những sai sót rất nghiêm trọng.
"Việc tiêm nhầm vắc-xin chắc chắn là do sai sót về quy trình và kỹ thuật. Trong vụ việc này, nhân viên y tế đã không thực hiện đúng hướng dẫn quy trình về 3 tra, 5 đối (3 kiểm tra gồm họ tên người bệnh - tên thuốc - liều dùng; 5 đối chiếu gồm: Số giường, số phòng bệnh - đường dùng - nhãn thuốc - chất lượng - thời gian). Trước khi tiêm, lẽ ra người tiêm phải nói với phụ huynh là sẽ tiêm loại vắc-xin gì để 2 bên cùng kiểm tra”, PGS Phu nói.
Báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, ngày 3/11 Trạm Y tế xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai đã tiêm nhầm vắc-xin Comirnaty của hãng Pfizer-BioNtech cho 18 cháu bé từ 2 đến 6 tháng tuổi. Ngày 4/11, sự cố trên được phát hiện và báo cáo tới Sở Y tế Hà Nội.
Huyện Quốc Oai đã có chỉ đạo, yêu cầu Trung tâm Y tế huyện và Trạm Y tế xã Yên Sơn đình chỉ dây chuyền tiêm gồm 4 cán bộ y tế và đình chỉ công tác đối với cán bộ y tế trực tiếp tiêm để xem xét trách nhiệm, đồng thời rà soát lại quy trình tiêm chủng vắc xin cho trẻ em.
Ngày 5/11, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã có công văn hỏa tốc yêu cầu Sở Y tế Hà Nội khẩn trương xác minh sự việc nêu trên, kiểm tra xác định nguyên nhân dẫn tới sai sót và xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan và xử lý theo quy định.
>>> Mời độc giả xem thêm video Đảm bảo an toàn khi tiêm vắc xin phòng COVID-19:
Hải Ninh