Hình ảnh cậu học trò Sú Seo Chung ở thôn Tả Chải (xã Túng Sán, huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang) trùm áo mưa học bài trên núi đang lan tỏa trên mạng xã hội.
|
Hàng ngày, Sú Seo Chung đi bộ đến nơi gần trụ sở xã Túng Sán học online. Ảnh: NVCC.
|
Chia sẻ với Zing ngày 10/4, Sú Seo Chung, sinh viên năm thứ ba khoa Quản lý, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho hay hàng ngày, em vượt 5 km đường núi để đến nơi gần trụ sở xã Túng Sán, đón sóng Wi-Fi của UBND xã gần đó, học trực tuyến. Cả quãng đường đi và về của Chung là 10 km/ngày.
“Hồi nhỏ, em đi bộ đến trường nên đã quen. Từ nhà đến nơi có sóng Internet, nếu lên dốc, em đi khoảng 40 phút, còn xuống dốc 25 phút”, Seo Chung tâm sự.
Tùy thời hóa biểu, mỗi ngày, nam sinh học một hoặc hai buổi. Khi trời mưa, cậu lấy áo mưa che cho laptop không ướt. Nam sinh kể mưa rừng nhiều khi kéo dài cả ngày. Có hôm, Seo Chung bị ướt, vẫn cố ngồi học bài trên mạng.
Seo Chung cho hay sau khi biết nam sinh phải học ở sườn đồi, UBND xã Túng Sán đã tạo điều kiện cho cậu có chỗ ngồi trong trụ sở.
Chàng trai sinh năm 1998 nói cậu thuộc dân tộc đặc biệt ít người nên được miễn học phí. Tại Hà Nội, Chung ở ký túc xá, thường đi làm thêm, kiếm tiền trang trải cuộc sống.
|
Khi mưa, Sú Seo Chung dành áo mưa để bọc cho máy tính. Ảnh: NVCC.
|
GS.TS Phạm Quang Minh - Hiệu trưởng ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) - cho hay ông xúc động trước tinh thần hiếu học của Sú Seo Chung. Nhà trường sẽ sớm hỗ trợ cho em và những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, theo đúng tinh thần của ngành giáo dục: "Tạm dừng đến trường chứ không dừng việc học".
ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã tổ chức sớm chương trình online trên nền tảng dạy học chuyên nghiệp cho 800 lớp.
Bên cạnh đó, trường có chương trình hỗ trợ lương thực cho sinh viên gặp khó khăn trong giai đoạn cách ly xã hội, khi các em không thể làm thêm.
Học sinh là dân tộc thiểu số đều nhận được hỗ trợ theo chính sách Nhà nước, cùng các chương trình học bổng hàng năm.
Theo Quyên Quyên/Zing