Liên quan đến phiên tòa xét xử vụ án Tổng công ty Viễn thông Mobifone (Mobifone) mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), dư luận quan tâm đến việc khắc phục hậu quả của bị cáo Nguyễn Bắc Son.
Tại cuối phiên xét xử vụ án Mobifone mua AVG chiều ngày 21/12, Thẩm phán Trương Việt Toàn cho biết, hội đồng xét xử đã nhận được bức thư của bị cáo Nguyễn Bắc Son.
Theo đó, trong bức thư, bị cáo Son nói gia đình ông đã khắc phục được 12 tỷ đồng, còn 55 tỷ đồng. Hiện bị cáo Son cũng động viên gia đình tiếp tục khắc phục trước ngày 26/12. Trước mắt là đưa căn nhà của bị cáo tại số 14 ngõ 36 C1 Lý Nam Đế (phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) vào làm tài sản đảm bảo thi hành án.
Tại phiên tòa, anh Trần Văn Hưng, con rể của bị cáo Nguyễn Bắc Son cho biết sẽ truyền đạt với gia đình để có thời gian nhanh nhất cố gắng khắc phục. Đồng thời cho biết: “Sáng 21/12, gia đình cũng đi làm việc theo tâm nguyện của bố vợ tôi. Gia đình cũng đã lên trực tiếp thi hành án nhưng do hôm nay thứ Bảy nên cơ quan thi hành án nghỉ. Gia đình đã gom được 12,5 tỷ đồng và rút tài khoản rồi, hứa 8h sáng thứ Hai sẽ nộp. Qua sự việc như vậy, gia đình sẽ hết sức phối hợp”.
|
Bị cáo Nguyễn Bắc Son. |
Trước đó, luật sư Phạm Công Hùng – bào chữa cho bị cáo Nguyễn Bắc Son cho biết, gia đình và bạn bè bị cáo đã tập hợp được 12,5 tỷ đồng để nộp và gia đình cũng cam kết, lấy căn nhà đang bị kê biên tại số 14 ngõ 36 C1 Lý Nam Đế làm tài sản bảo đảm để khắc phục số tiền bị cáo yêu cầu.
Luật sư Hùng khẳng định: “99% là sẽ nộp được đủ số tiền (khắc phục hậu quả) để trình Hội đồng xét xử phiếu nộp tiền vào tuần tới, làm cơ sở để Hội đồng xét xử xem xét công và tội”.
Đồng thời luật sư tin rằng, theo khẳng định của con rể bị cáo thì trước ngày 26/12, việc khắc phục hậu quả sẽ thực hiện xong dựa trên nguồn tiền tổng hợp từ người thân, bạn bè và cả tài sản.
Trong vụ án này, liên quan tội nhận hối lộ, bị cáo Nguyễn Bắc Son, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải, Trương Minh Tuấn đều bị xét xử theo khoản 4 điều 354 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Theo bản luận tội của Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội, ông Nguyễn Bắc Son bị đề nghị mức án 16-18 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng và tử hình tội Nhận hối lộ. Hình phạt chung, VKSND đề nghị HĐXX tuyên với ông Nguyễn Bắc Son là tử hình.
Ông Trương Minh Tuấn bị đề nghị 6-7 năm tù tội Vi phạm quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng; 8-9 năm tù tội Nhận hối lộ. Tổng mức đề nghị 14-16 năm tù.
Dư luận đặt câu hỏi, trường hợp gia đình ông Nguyễn Bắc Son nộp đủ số tiền khắc phục thì ông có được giảm án và nhận mức án như ông Trương Minh Tuấn?
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, ông Nguyễn Bắc Son bị buộc tội với khung hình phạt cao nhất là tử hình theo khoản 4, điều 354 Bộ luật hình sự năm 2015. Với tội danh này, của nhận hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên; hoặc Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tù từ 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Theo điều 50 Bộ luật hình sự quy định việc quyết định hình phạt đầu tiên phải căn cứ vào quy định của Bộ luật hình sự (căn cứ vào loại hình phạt được quy định trong điều luật, theo khung, khoản mà Bộ luật đã quy định), đồng thời căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Luật sư Cường cho rằng, việc bồi thường, khắc phục hậu quả là một tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào bồi thường khắc phục toàn bộ thiệt hại thì cũng chắc chắn được giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự.
“Với những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây hậu quả lớn cho xã hội, làm mất uy tín của đảng và nhà nước, gây hoang mang lo lắng trong nhân dân thì việc bồi thường, khắc phục hậu quả có thể vẫn không làm thay đổi sự nghiêm khắc của hình phạt”, ông Cường cho biết. Luật sư Cường phân tích, theo quy định của bộ luật hình sự thì nếu của nhận hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất chị giá từ 1 tỷ đồng trở lên thì tòa án có quyền áp dụng hình phạt là phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Theo cáo buộc của đại diện Viện kiểm sát thì ông Nguyễn Bắc Son nhận hối lộ số tiền 3 triệu USD, quy ra tiền Việt khoảng trên 60 tỷ đồng và đã tiêu xài cá nhân hết mà không nhớ là mình chi tiêu vào việc gì.
“Đây là số tiền rất lớn so với giá trị tài sản ở mức khởi điểm của khung hình phạt này, số tiền này cũng rất lớn so với thu nhập trung bình của người lao động ở Việt Nam. Bởi vậy, Nếu kết tội ông Nguyễn Bắc Son về tội nhận hối lộ thì việc tòa án quyết định mức hình phạt cao nhất là tử hình thì cũng không có gì bất ngờ”, luật sư Đặng Văn Cường cho biết. Đồng thời luật sư cho rằng, một điều cũng cần lưu ý là chính sách xét xử hình sự với nhóm tội phạm tham nhũng trong đó có tội nhận hối lộ là: Nghiêm minh và Thu hồi tài sản.
Như vậy, hai mục tiêu xét xử đối với nhóm tội này được Đảng và Nhà nước nêu ra là xét xử nghiêm minh, nghiêm trị và phải thu hồi tài sản tham nhũng. Chính sách xét xử hình sự không quy định là nếu thu hồi được tài sản thì sẽ không nghiêm minh, nghiêm trị. Bởi vậy, với những vụ án tham nhũng nói chung, vụ án AVG nói riêng thì tòa án phải xét xử nghiêm minh và thu hồi tài sản tham nhũng một cách triệt để nhất thì mới đúng chính sách xét xử hình sự ở Việt Nam hiện nay đối với nhóm tội này.
Điều đó cho thấy, căn cứ vào chính sách hình sự, chính sách xét xử hình sự ở Việt Nam hiện nay và căn cứ vào các quy định của pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự thì không có gì chắc chắn là khi đã bồi thường, khắc phục được toàn bộ hậu quả là số tiền 3 triệu USD thì ông Son sẽ thoát án tử hình.
Tất nhiên, không thẩm phán nào muốn ký một bản án mà có hình phạt cao nhất là tử hình, khi xét xử vụ án hình sự tòa án phải kết hợp hài hòa giữa hai yếu tố khoan hồng và nghiêm trị. Khoan hồng với đối tượng nào, trong trường hợp nào; nghiêm trị với đối tượng nào, trường hợp nào là thể hiện chính sách xét xử hình sự và được quy định tại điều 3, Bộ luật hình sự năm 2015 và một số quy định khác về hình phạt.
Bởi vậy, nếu bồi thường, khắc phục toàn bộ hậu quả, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải thì ông Nguyễn Bắc Son có cơ hội thoát khỏi án tử hình (chuyển thành án tù chung thân hoặc án tù có thời hạn) nhưng điều đó là không chắc chắn bởi không có điều luật nào quy định “cứng” là nếu bồi thường khắc phục toàn bộ hậu quả thì chắc chắn sẽ không áp dụng án tử hình.
Tại điều 40, Bộ luật hình sự 2015 cũng quy định trường hợp người phạm tội đã bị kết án tử hình, bản án có hiệu lực pháp luật, sau đó tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả ở mức từ ¾ số tiền tham nhũng trở lên, đồng thời tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng trong việc đấu tranh phòng và chống tội phạm thì án tử hình sẽ chuyển sang án tù chung thân.
Như vậy theo quy định này thì chỉ áp dụng đối với giai đoạn thi hành án. Đồng thời để được chuyển án từ tử hình sang tù chung thân thì phải có 2 điều kiện, việc bồi thường khắc phục hậu quả chỉ là một điều kiện cần, điều kiện đủ phải là lập công chuộc tội, tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm. Nếu chỉ có một điều kiện là bồi thường khắc phục hậu quả thì không đủ căn cứ để áp dụng Điều 40 BLHS để chuyển từ án tử hình sang chung thân sau khi bản án đã có hiệu lực pháp luật.
Phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử hai cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn cùng 12 đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (viết tắt là MobiFone) mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) tiếp tục diễn ra vào ngày 23/12, với phần đối đáp của đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố với các bị cáo và các luật sư bào chữa cho bị cáo.
PV Kiến Thức sẽ tiếp tục cập nhật diễn biến phiên tòa này...
>>> Mời độc giả xem video Ông Nguyễn Bắc Son bị đề nghị án tử hình:
Tâm Đức