Liên quan đến đồ án quy hoạch chi tiết và thiết kế tỷ lệ 1/500 khu trung tâm Hòa Bình, thành phố Đà Lạt, gần 80 kiến trúc sư đã gửi bản kiến nghị đến Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà, Chủ tịch HĐND tỉn Lâm Đồng Trần Đức Quận, Chủ tịch Hội Quy hoạch Việt Nam ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn và Kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị, tác giả đồ án.
Chưa tường minh
Các kiến trúc sư cho rằng đồ án quy hoạch này có chất lượng không phù hợp với cảnh quan và vị thế trong lịch sử đô thị Việt Nam của Đà Lạt, cũng như việc ban hành quyết định nói trên của UBND tỉnh Lâm Đồng có nhiều vấn đề chưa tường minh về quy trình thủ tục theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam. Vì vậy, các kiến trúc sư kiến nghị:
|
Đồ án quy hoạch chi tiết và thiết kế tỷ lệ 1/500 khu trung tâm Hòa Bình gây nên nhiều phản ứng trái chiều. Ảnh: Lê Quân. |
Thứ nhất, Bộ Xây dựng và HĐND tỉnh Lâm Đồng xem xét, làm rõ và công bố trước công luận việc ban hành Quyết định 229-QĐ/UBND ngày 12/2/2019 của UBND tỉnh Lâm Đồng có tuân thủ đầy đủ quy trình, thủ tục theo quy định hiện hành của pháp luật?
Thứ hai, Hội Quy hoạch Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam xem xét và công bố trước công luận đánh giá của mình về chất lượng đồ án quy hoạch nói trên.
Thứ ba, kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị xem xét nghiên cứu làm lại một tác phẩm khác xứng đáng với tên tuổi và tầm vóc của ông trong nền kiến trúc đương đại Việt Nam.
Bên cạnh đó, một thư kiến nghị khác cũng đang được lan truyền trên mạng xã hội nhằm lấy ý kiến dư luận để gửi đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, đề nghị xem xét lại tính pháp lý, quy trình thực hiện đồ án quy hoạch chi tiết khu trung tâm Hòa Bình.
Nhóm soạn thư kiến nghị hầu hết là kiến trúc sư có kinh nghiệm thực tiễn ở Đà Lạt; giảng viên khoa kiến trúc, lịch sử đô thị; sinh viên chuyên ngành kiến trúc - quy hoạch...
Phá hủy di sản
Nhóm kiến nghị cho biết họ không phản đối việc chỉnh trang, sắp xếp, quy hoạch lại khu vực trung tâm Đà Lạt, nhưng việc làm của chính quyền tỉnh Lâm Đồng và của đơn vị tư vấn thiết kế đang không phù hợp với vị thế đặc biệt của thành phố trong lịch sử đô thị Việt Nam, có nguy cơ xóa bỏ các giá trị về môi trường và di sản văn hóa của địa phương.
|
Khu Hòa Bình nhìn từ trên cao. Ảnh: Lê Quân.
|
Về kiến trúc, nhóm kiến nghị chỉ ra có 3 quyết định trong đồ án sẽ ảnh hưởng rất lớn đến di sản của Đà Lạt.
Thứ nhất, dinh tỉnh trưởng có giá trị lịch sử, được xây dựng từ năm 1910, là nơi diễn ra cuộc biểu tình giành chính quyền trong Cách Mạng Tháng Tám, là trụ sở của UBND cách mạng lâm thời tỉnh Lâm Viên. Bản quy hoạch chi tiết đưa ra giải pháp di dời dinh tỉnh trưởng mà không cung cấp thông tin cho dư luận thấy đã có đánh giá công trình, phạm vi bảo vệ... là vi phạm luật Di sản.
Thứ hai, rạp Hoà Bình trước đây là chợ cũ được kiến trúc sư nổi tiếng người Pháp Pineau thiết kế, xây dựng từ năm 1933 với tỷ lệ rất đẹp xong trong quá trình phát triển, quản lý đô thị đã bị buông lỏng mà kiến trúc của rạp bị biến dạng. Nay việc đề xuất phương án kiến trúc mới hoàn toàn xa lạ, không có nét đặc sắc, có thể làm mất đi thế mạnh thương mại nông sản và sức hút du lịch của thành phố...
Thứ ba, khu nhà phố (shop-house) quanh chợ Đà Lạt là nét đặc sắc từ thời kỳ đầu thành lập Đà Lạt, đây là dấu ấn của người Việt khi đấu tranh đòi vị trí tại trung tâm thành phố và được Pháp nhượng bộ, bố trí gắn chặt chẽ trong quy hoạch trung tâm. Bản quy hoạch chi tiết đưa ra lập luận “chỉnh trang đô thị” song thực chất giải tỏa trắng các khu di sản này. Mức độ đền bù, giải phóng mặt bằng quá lớn, gây xáo trộn cho người dân và họ không được hưởng lợi từ đề xuất này...
Có phù hợp tính đặc thù của Đà Lạt?
Nhóm kiến trúc sư kiến nghị Thủ tướng và Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khẩn cấp yêu cầu chính quyền tỉnh Lâm Đồng xem xét lại tính pháp lý, quy trình của đồ án, xem xét việc tổ chức không gian sử dụng đất trong đồ án có phù hợp với đặc thù của Đà Lạt không.
|
Dinh tỉnh trưởng sẽ bị di dời để xây khách sạn 10 tầng. Ảnh: Lê Quân. |
Nhóm đề nghị đồ án quy hoạch chi tiết này cần phải được xem xét với sự tham gia, kiểm tra giám sát và phản biện chặt chẽ của cơ quan Bộ Xây dựng, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam...
Cùng với đề nghị trên, nhóm đưa ra các điểm mấu chốt yêu cầu xem xét, trong đó có một số vấn đề sau:
Đồ án quy hoạch Đà Lạt chi tiết 1/500 khu trung tâm Hoà Bình có biểu hiện không tuân thủ quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt tại quyết định số 704/QĐ-TTg ngày 12/4/2014. Cụ thể, các quy định về tầng cao, bảo tồn cảnh quan lịch sử, tầm nhìn về hướng Lang Biang và bảo tồn cảnh quan rừng trong đô thị...
Đồ án làm gia tăng áp lực dân số (dù đồ án có đưa ra hệ số chiếm đất có vẻ phù hợp, song hệ số sử dụng đất quá cao, các công trình mới có diện tích sàn xây dựng quá lớn) và áp lực giao thông trong khu vực, gây quá tải hạ tầng đô thị. Không đảm bảo các tiêu chuẩn về diện tích đất công trình công cộng và đất cây xanh của đô thị theo Quy chuẩn Việt Nam.
Nguyên nhân chính là do trong giải pháp quy hoạch, đã chuyển đổi mục đích sử dụng các khu đất công cộng và đất cây xanh thành đất thương mại, dịch vụ và đất ở.
Theo quy hoạch công bố ngày 15/3, Dinh tỉnh trưởng sẽ được di dời để xây dựng trung tâm thương mại - khách sạn với 10 tầng. Rạp Hòa Bình sau khi dỡ bỏ được thay bằng Trung tâm thương mại Hòa Bình. Theo đơn vị thiết kế đồ án quy hoạch, đây là khu phức hợp mang tính giải trí, có 5 tầng nổi. Công năng của rạp hát sẽ được xây dựng trong công trình ngầm.
Theo Hoài Thanh/ZVN