Ngày 10/2, theo báo cáo gửi Bộ Y tế của các bệnh viện, chỉ riêng từ sáng mùng 2 đến sáng mùng 3 Tết số ca cấp cứu do đánh nhau lên đến 734. Cả kỳ nghỉ Tết Kỷ Hợi 2019, số ca cấp cứu do tai nạn chiếm 1,7% trong tổng số cấp cứu của các bệnh viện, 58% trong số đó (3.095 ca) phải nhập viện điều trị/theo dõi.
|
Cấp cứu vào viện do đánh nhau trong dịp Tết vẫn ở mức cao (Ảnh minh hoạ) |
Theo Bộ Y tế, các ca thương vong do ẩu đả chỉ đứng sau tai nạn giao thông. Đa số người vào viện vì lý do đánh nhau là nam, số còn lại là nữ giới và một tỉ lệ đáng kể địa điểm xảy ra vụ việc là ở nhà.
So với Tết Mậu Tuất 2018, số ca cấp cứu do đánh nhau không thấp. Năm 2018, kỳ nghỉ Tết kéo dài 6 ngày đã có hơn 4.180 trường hợp phải nhập viện vì đánh nhau.
Khoảng 4 năm gần đây, kể từ khi Bộ Y tế có công cụ thống kê mới số ca bệnh và nguyên nhân nhập viện trong dịp tết, tỉ lệ bệnh nhân nhập viện do căn nguyên đánh nhau luôn cao. Giữ "kỷ lục" là năm 2015, số bệnh nhân khám cấp cứu do đánh nhau trong dịp Tết là 6.868 trường hợp, trong đó 15 người tử vong (trung bình 1 ngày nghỉ Tết có gần 1.000 người phải vào viện vì đánh nhau).
Theo đánh giá chung, rượu bia là nguyên nhân chủ yếu gây nên những xung đột này. Tổng số trong 8 ngày Tết đã có 3.281 ca khám, cấp cứu do ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hoá, chiếm 1% trong tổng số khám, cấp cứu. Trong đó 817 ca ngộ độc rượu, bia, 738 ca ngộ độc thức ăn tự chế biến, 1 ca tử vong do ngộ độc thuốc trừ sâu (tự tử).
Ngày Tết người ta uống nhiều rượu bia mà quên đi thói quen tuân thủ pháp luật. Nhiều người sống ở thành phố nhưng về quê ăn tết lại rất tự do, thoải mái, điều khiển xe máy nhưng không đội mũ bảo hiểm… Vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông là nguyên nhân chính khiến tai nạn giao thông tăng.
Đi kèm với tai nạn giao thông là hàng loạt các vụ ẩu đả, đâm chém nhau với những thương tích nghiêm trọng khiến nhiều người mất mạng hoặc phải vào cấp cứu trong bệnh viện.
Theo L.Hà/Báo Lao Động