Chiều 10/4, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 22, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 3/2023.
Giải trình làm rõ thêm một số nội dung mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu, Thứ trưởng Công an Lê Quốc Hùng cho biết, trong kỳ báo cáo, Bộ Công an đã tiếp nhận 51 yêu cầu trả lời của cử tri liên quan đến trách nhiệm của Bộ Công an. Bộ đã có văn bản xác minh, trả lời 51/51 yêu cầu, đạt 100%.
Thứ trưởng Công an Lê Quốc Hùng phát biểu ý kiến tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 10/4. (Ảnh: DUY LINH)
Bộ Công an thống nhất với Ban Dân nguyện về việc cử tri phản ánh lo lắng về tình trạng tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng tiếp tục xảy ra; việc ma tuý tổng hợp được vận chuyển vào Việt Nam qua tiếp viên hàng không; người dân nhận được các cuộc gọi, tin nhắn lừa đảo; tình trạng đòi nợ thuê, tín dụng đen; các quy định liên quan đến lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ cứu nạn…
Về giải pháp xử lý nghiêm minh các trường hợp sử dụng mạng viễn thông để lừa đảo, các trường hợp đòi nợ thuê núp bóng công ty luật, công ty mua bán nợ, khủng bố người vay tiền và người thân của họ, tác động lớn đến trật tự an toàn xã hội, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cho biết, ngay sau khi nhận được phản ánh của cử tri, Bộ Công an đã báo cáo kịp thời với Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương thực hiện 7 nhóm giải pháp giúp phòng ngừa đấu tranh có hiệu quả hơn với tội phạm lợi dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đòi nợ thuê trái pháp luật.
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nêu rõ, hiện Bộ đã chỉ đạo lực lượng Công an phân tích rõ bản chất của các loại tội phạm này, nhất là tội phạm đòi nợ thuê trái pháp luật, làm rõ bản chất của hành vi này là cướp đoạt tài sản. Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị địa phương phá được nhiều vụ án.
“Từ tháng 11/2022 đến nay, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với công an các đơn vị địa phương triệt phá 6 nhóm cưỡng đoạt tài sản núp bóng các công ty tài chính, công ty luật”, Thứ trưởng Công an nêu rõ.
Có ý kiến cử tri cho rằng, vẫn còn một số nơi khi giao dịch dịch vụ công, giao dịch hành chính vẫn yêu cầu xuất trình giấy tờ chứng minh thông tin về nơi cư trú. Về vấn đề này, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cho biết, qua kiểm tra thấy rằng, thực trạng này tuy không phải là phổ biến nhưng vẫn còn tồn tại.
Bộ Công an đã có văn bản quy phạm pháp luật chỉ đạo quyết liệt chấm dứt tình trạng này, đồng thời triển khai thông tin tuyên truyền để người dân thấy rõ các tiện ích của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hiện nay, cũng như thẻ căn cước công dân gắn chíp để từng bước đưa công tác này vào quy định pháp luật hiện hành, giảm bớt phiền hà cho người dân.
Thứ trưởng Công an đề nghị các cơ quan liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt đến tất cả các cấp có chức năng giải quyết thủ tục hành chính cho người dân 6 hình thức khai thác sử dụng thông tin trên mạng, trên cổng thông tin điện tử thay thế cho việc xuất trình các loại giấy tờ giấy liên quan đến căn cước công dân, chứng minh thông tin cư trú, như: sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử, sử dụng thiết bị đầu đọc mã QR trên căn cước công dân để kết nối trực tuyến với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…
Đồng thời, Bộ Công an cũng đề nghị cần nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp kinh doanh trong trường hợp có điều kiện về an ninh, trật tự tuân thủ, chấp hành nghiêm các quy định về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn cứu hộ. Bộ Công an sẽ tiếp thu và có nghiên cứu để đề xuất với các cấp có thẩm quyền điều chỉnh cho phù hợp với từng điều kiện cụ thể.
Theo Nhân Dân