|
Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính đọc Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô, ngày 10/10/1954. |
Ngày 10/10/1954 ghi mốc son trong lịch sử của cả nước nói chung và của
Thủ đô Hà Nội nói riêng, đánh dấu kết thúc 80 năm đô hộ của thực dân Pháp. Còn đối với thế hệ những người lính đầu tiên của Trung đoàn Thủ đô và người dân Hà Nội thì ngày 10/10/1954 thực sự là ngày trở về lịch sử, Hà Nội bước sang một trang mới. Dù đã trải qua 64 năm nhưng ký ức những ngày đáng nhớ này vẫn đậm nét trong lòng quân và dân Thủ đô.
|
Đại tá Nguyễn Trọng Hàm một trong số những người đầu tiên về tiếp quản Thủ đô. |
Đại tá Nguyễn Trọng Hàm (97 tuổi), Chiến sỹ Trung đoàn Thủ đô xúc động nhớ lại: “Tôi lúc đó là anh cán bộ Thủ đô, cũng là người chiến đấu giữ Hà Nội 60 ngày đêm (năm 1946-1947), nên được tổ chức chọn vào phái đoàn Bộ Tổng Tham Mưu về tiếp quản. Tối ngày 9/10/1954, cả Hà Nội được giới nghiêm, đường phố vắng bóng người qua lại, chỉ có bộ đội đi tuần tra. Đến 5h sáng (hết giờ giới nghiêm) thì tất cả các phố xá, các ngõ ngách, cờ quạt được treo lên, người ra đường rất đông, mặc đẹp, sang trọng như ngày Tết để đón bộ đội về tiếp quản.
14h ngày 10/10, bộ đội bắt đầu di chuyển từ hồ Hoàn Kiếm đi qua Hàng Đào, Hàng Ngang, lên phố Quán Thánh, Cửa Bắc và tiến vào trong sân vận động Cột Cờ để làm lễ chào cờ. 15h, từ Nhà Hát Lớn, một hồi còi báo hiệu được kéo lên; chiến xe đưa đồng chí Vương Thừa Vũ và đồng chí Trần Duy Hưng tiến vào trung tâm của lễ đài. Đồng chí Vương Thừa Vũ chỉ huy trực tiếp buổi lễ, tuyên bố ý nghĩa quan trọng lễ chào cờ, lần đầu tiên Quốc kỳ Việt Nam tung bay trên nóc Cột Cờ Hà Nội. Đồng chí hô “Nghiêm! Chào cờ! Chào!” thì tất cả bộ đội nâng súng lên đặt tay vào báng; Mọi người đều ở tư thế rất nghiêm trang. Đồng chí Đinh Ngọc Liên chỉ huy đội quân nhạc nổi nhạc bài Quốc ca. Kết thúc buổi lễ, đồng chí Vương Thừa Vũ đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng".
|
Chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô Đặng Văn Tích |
Ông Đặng Văn Tích (86 tuổi) chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô nhớ như in ngày 10/10: “Chúng tôi đi chiến đấu thì nhớ Hà Nội lắm, và thường hát bài Ngày về: “Có đoàn người lên đóng trên rừng sâu. Đêm nay mơ thấy tiến về Hà Nội…”. Hồi đó, chúng tôi đóng quân ở Định Hóa, Thái Nguyên, chúng tôi còn lấy tre, nứa, lá làm thành hình tháp Rùa ở giữa một khu ruộng để ngắm cho đỡ nhớ. Có thể nói là ngày nào, đêm nào, chúng tôi cũng thế, cũng nhớ về Hà Nội. Nên khi trở về Hà Nội (10/10/1954) thấy không khí vui tươi, phấn khởi của đồng bào và các cổng chào được dựng lên khắp nơi thì chúng tôi sung sướng lắm. Lúc đó, tôi đang ngồi trên ô tô, cũng cố nhoài người ra để vẫy chào mọi người. Rất sung sướng và tự hào!
Buổi chiều hôm đó, tất cả các đơn vị tập kết tại sân Cột Cờ để làm lễ chào cờ chiến thắng. Anh Vương Thừa Vũ làm chủ lễ. Anh hô vang khẩu hiệu chào cờ thì nhạc Quốc ca được đoàn quân nhạc cất lên. Chúng tôi ai cũng trong tư thế nghiêm trang hướng về lá Quốc kỳ".
|
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ (Đỗ Quyên), Chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô chia sẻ về cảm nhận khi tiến quân về tiếp quản Thủ đô 10/10/1954. |
Chiến sỹ Trung đoàn Thủ đô Nhạc sĩ Đỗ Quyên (95 tuổi) nhớ lại: Hồi đó, hoạt động tại nội thành, tổ chúng tôi gồm 3 người, anh Sinh, anh Thành và tôi – Đỗ Quyên. Để chuẩn bị cho công tác đón đoàn quân giải phóng tiến về, chúng tôi quán triệt: phải làm sao để đón bộ đội về thật linh đình, ý nghĩa và nhất định phải có nhạc, hát. Vì biết viết nhạc nên tôi được giao nhiệm vụ sáng tác bài hát mới. Tiếp thu ý kiến, tôi đã sáng tác được một số bài như: “Hà Nội giải phóng”, “Hoan hô giải phóng Thủ đô”. Sau đó, chúng tôi phải phổ biến các bài hát cho các bạn học sinh, sinh viên tại Hà Nội. Thời điểm đó, quân Pháp chưa rút hết nên rất khó tập hợp đông người. Chúng tôi chỉ có thể phổ biến theo từng nhóm 4-5 người. Mỗi nhóm được phổ biến xong lại phổ biến tiếp cho những người khác. Tổng cộng, chúng tôi đã phổ biến lời các bài hát cho được gần 200 người.
Ngày đón bộ đội về, chúng tôi xếp thành 4 hàng, tập trung tại quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Tôi đánh ghita, mọi người cùng hát. Người dân xung quanh thấy thế cũng đến rất đông; Khi quân đội đi qua, anh em chúng tôi cùng hô vang quân đội giải phóng Thủ đô và hát: “Hoan hô các anh về đây, hoan hô các anh về đây giải phóng Thủ đô…”. Nhưng lúc đó vui quá, sướng quá, anh em hò reo, về sau mọi người cứ hát đi hát lại mãi câu: “Hoan hô các anh về đây!”.
|
Bà Lê Thị Lương, 89 tuổi, nhân chứng ngày 10/10/1954 |
Nhớ về Giải phóng Thủ đô 10/10, bà Lê Thị Lương kể: "Sau ngày 17/2/1947, cả Trung đoàn Thủ đô rút khỏi Hà Nội, phụ nữ chúng tôi được cử đi công tác tại các đơn vị khác. Tôi được cử lên công tác tại Tây Bắc. Tôi còn rất nhớ, vào khoảng tháng 7/1954, khi chúng tôi vào cuộc họp tại đơn vị, Đại đội trưởng tuyên bố quân đội ta đã chiến thắng và sẽ sớm về tiếp quản Thủ đô. Cả đơn vị reo hò ầm ĩ lên, mừng quá, cảm xúc của chúng tôi lúc bấy giờ rất bất ngờ, vui sướng. Tôi được cơ quan phổ biến, đáng lẽ tôi sẽ được về tiếp quản Thủ đô, vì tôi là người Hà Nội, nhưng lúc đó, Tây Bắc đang thiếu giáo viên nên tôi được đề nghị ở lại.
Đặc biệt, tôi cũng có niềm vui riêng của mình với tin chiến thắng. Tôi và “ông nhà” tôi yêu nhau, chờ đợi 6 năm trời. Khi yêu, chúng tôi hẹn nhau rằng: khi nào kháng chiến thành công thì làm đám cưới, còn chưa thành công thì chưa cưới. Nên, ngày mồng 10 giải phóng thủ đô, thì 31/10 chúng tôi tổ chức lễ cưới. Đám cưới ở Tây Bắc chả có gì đâu, chỉ có chuối, lạc, chè; bộ đội và giáo viên tổ chức cho chúng tôi. Đây vừa là niềm vui chung vừa là vui riêng vậy".
|
Nhà sử học Lê Văn Lan, 82 tuổi, nhân chứng ngày 10/10/1954 |
Bồi hồi nhớ lại khoảnh khắc lịch sử của 64 năm về trước, nhà sử học Lê Văn Lan chia sẻ: "Năm 1954, tôi 18 tuổi, đang là học sinh năm Đệ nhị chương trình Tú tài văn chương ở trường Chu Văn An. Hà Nội thời đó là năm cuối của người Pháp tạm chiếm, và theo quy định, tôi phải đi lính cho người Pháp. Vì là học sinh Tú tài, nên tôi sẽ có hai con đường: một là vào trường Sĩ quan Thủ Đức; hai là vào trường Võ bị Đà Lạt. Dĩ nhiên, gia đình tôi, đặc biệt là mẹ tôi hoàn toàn không muốn tôi đi theo con đường đó. Bà đã chuẩn bị rất nhiều lối thoát cho tôi, kể cả việc sửa giấy khai sinh để thay đổi tuổi, nhằm trì hoãn việc đó. Nếu đi lính, rất có thể tôi phải cầm sung chiến đấu, bắn vào những người anh em, bạn bè của mình. Và chiến thắng Điện Biên Phủ, rồi Hiệp định Giơ-ne-vơ, giải phóng Thủ đô đã thay đổi tất cả.
Có thể nói, ngày 10/10 có ý nghĩa rất lớn đối với toàn quốc và Hà Nội. Miền Bắc tiến lên con đường Xã hội chủ nghĩa, làm hậu phương vững chắc cho miền Nam. Trong lịch sử, thành Thăng Long cũng có nhiều lần vẻ vang như thế. Nhưng lần này, ở thời hiện đại, chiến thắng này là sự kết tinh của truyền thống, sự cố gắng và cả sự hy sinh từ nghìn năm lịch sử của Thăng Long – Hà Nội. Nó có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi người dân Việt Nam, người Hà Nội, trong đó có tôi".