Tại buổi gặp mặt báo chí thông tin về Đại lễ tưởng niệm và Hội thảo khoa học kỷ niệm 906 năm Ni sư Diệu Nhân viên tịch cùng chư vị tổ sư Ni tiền bối hữu công sáng 17/10, Hòa thượng, tiến sĩ Thích Thanh Đạt - chủ tịch hội đồng khoa học Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội đã đề cập đến các bê bối liên quan tới một số nhà sư gây chấn động dư luận gần đây.
Hòa thượng Thích Thanh Đạt nói: "Hiện nay một số các vị xuất gia, tăng ni làm ảnh hưởng tới Phật giáo khi không giữ được đúng vai trò của mình. Ví dụ như thầy Thích Thanh Toàn ở chùa Nga Hoàng (Vĩnh Phúc), thầy Thích Trúc Thái Minh ở chùa Ba Vàng (Quảng Ninh)".
Đồng thời, hòa thượng Thích Thanh Đạt nói rằng, nói đây là việc "thường tình", "không nặng nề".
"Một tổ chức Phật giáo có gần 60.000 tăng ni, khó kiểm duyệt kỹ càng như các tổ chức khác mà chỉ là những con người tự giác, tự nguyện xuất gia, tu hành. Họ là những người mà bố mẹ, đoàn thể không bắt buộc, áp đặt... thì có một vài vị không giữ đúng giáo lý nhà Phật, với xã hội là thường tình", hòa thượng Thích Thanh Đạt nói và cho biết, các tăng ni vi phạm giới luật sẽ bị xử lý nghiêm, trước tiên là xử theo luật Phật, nội quy tăng đoàn, hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam; và sau đó có thể phải xử lý theo pháp luật.
|
Nhà sư Thích Thanh Toàn. |
Trước đó, sự việc nhà sư Thích Thanh Toàn gạ tình nữ phóng viên vi phạm nghiêm trọng Luật Phật chế và Hiến chương giáo hội đến mức phải xin xả giới, hoàn tục, bị bãi nhiễm chức trụ trì chùa Nga Hoàng khiến dư luận bức xúc.
Cụ thể, sai phạm của Đại đức Thích Thanh Toàn đã phạm phải một trong bốn giới điều trọng cấm theo giới luật nhà Phật. Tứ Phần Luật giải thích: "Nếu một vị Tỳ kheo hay Tỳ kheo ni phạm tội Ba-la-di thì vị Tăng hoặc Ni ấy được xem như là “đã bị cắt đầu.” Người phạm giới hoàn toàn đánh mất đời sống tu sĩ, không còn được sống chung với các vị Tỳ kheo hay Tỳ kheo ni thanh tịnh nữa, vị ấy bị trục xuất ra khỏi Tăng đoàn".
Các giới Ba-la-di bao gồm: Dâm dục, gọi là Đại dâm giới; Giết người (sát nhân) hoặc xúi dục sát nhân, gọi là Đại sát giới; Trộm cắp. Lấy trộm đồ vật mà trị giại đồ vật bị pháp luật xử tội tử hình, gọi là Đại đạo giới và Nói dối là mình đã chứng đạo quả, gọi là Đại vọng ngữ giới.
Bàn về vấn đề này, Thượng Tọa Thích Tiến Đạt, Phó Trưởng Ban Pháp chế Trung ương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam chia sẻ trên báo Pháp luật Việt Nam rằng: “Nếu tu hành mà có hành vi dâm dục thì nó sẽ ảnh hưởng đối với chính bản thân họ, với sự tu hành đối với Phật giáo đều đặt trên nghiệp và Phật giáo. Đối với người tu hành đó là chướng ngại lớn nhất. Nghiêm trọng hơn, nó còn làm xấu đi hình ảnh cao quý của những người xuất gia. Đối với người xuất gia đạt mục tiêu giải thoát thì dâm dục hay tà dâm là chướng ngại lớn nhất. Người ta phải khống chế được nó, làm chủ được nó và không để nó ảnh hưởng tới hành động, suy nghĩ, nói năng của mình. Với những người có chuyện đó, họ sẽ không khống chế được và không cách gì tu được. Đây là nhận thức của những người xuất gia và bản thân họ không có mục tiêu xuất gia chân chính. Đối với Phật giáo thì những người mà có căn tính như vậy thì phật giáo không cho họ xuất gia, nhưng nếu họ xuất gia rồi mà không chịu tu tập, tu thiền định giới luật để chuyển hóa được”.
Bên cạnh đó, việc sư Toàn sử hữu khối tài sản lên đến 300 tỷ và có thỉnh nguyện giữ lại tài sản này, giới Luật cũng không cho phép.
Cụ thể, nói về thỉnh nguyện sở hữu tài sản của sư Thích Thanh Toàn, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, dù có đúng theo Luật Đất đai nhưng theo Luật Phật chế, một vị tỳ kheo khi vào chùa thì tất cả những gì họ đang sử dụng đều thuộc về Tăng (Tăng đoàn). Đến khi vị tỳ kheo mất đi, ngay cả tài sản trên mình gồm 3 tấm áo cà sa cũng phải chuyển lại cho Tăng, không có sự thừa kế ở đây mà do Tăng đoàn quyết định.
Theo Tứ Phần luật, Tăng ni không được giữ tiền, vàng, đá quý... và không được tham gia kinh doanh, buôn bán. Luật rất nghiêm túc về chuyện này. Nhà sư đã vào trong chùa là sống cuộc đời thanh tịnh, ăn chay thì không cần phải tiêu xài, chỉ cần số tiền nho nhỏ để dùng lặt vặt. Do đó, việc sư Thích Thanh Toàn không những có tài sản mà còn tham gia kinh doanh, làm cho số tài sản đó lớn lên thành số tài sản khủng như hiện nay thì hoàn toàn trái với giới Luật Phật giáo, không còn điểm nào có thể biện luận được.
Căn cứ Hiến chương Giáo hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tài sản thuộc về Giáo hội như chùa chiền, cơ sở tôn giáo. Căn cứ theo Nội Quy Ban Tăng sự Trung ương, Giáo hội mới có quyền định đoạt tài sản, Ban trị sự có quyền định đoạt tài sản thuộc tự viện, chùa địa phương, cao nhất là Giáo hội.
Nội quy Ban Tăng sự Trung ương quy định rất rõ là sau khi bổ nhiệm trụ trì thì tất cả tài sản thuộc về cơ sở tự viện, tức thuộc Tăng. Sư Toàn sở hữu tài sản cho mục đích hoạt động của cơ sở tự viện, tài sản vẫn thuộc về Tăng, thuộc về Giáo hội và Giáo hội có quyền định đoạt tài sản đó.
Do vậy, việc sư Toàn lý luận do công đức cá nhân thì cá nhân thuộc về Tăng. Căn cứ theo luật Phật, Hiến chương, Nội quy Ban Tăng sự Trung ương thì sư Toàn không được quyền nhận tài sản, chỉ Giáo hội mới có quyền định đoạt tài sản. Việc đề nghị là việc của sư Toàn, còn quyết định là việc của Giáo hội.
Theo đó, nếu việc mua bán hơn 6.000 m2 đất là hợp pháp, tài sản này cũng thuộc về chùa Nga Hoàng và phải bàn giao lại cho Ban trị sự Phật giáo tỉnh Vĩnh Phúc. Còn tất cả tài sản mà sư Toàn kê khai, sau khi xác minh cũng do Giáo hội quyết định chứ không có việc sư Toàn sau khi hoàn tục sẽ được hưởng.
Cụ thể, theo nội quy Ban Tăng sự Trung ương khóa VIII (2017-2022) do Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự thay mặt Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ấn ký Quyết định số 185/QĐ-HĐTS ban hành vào ngày 18/9/2018, gồm 15 chương, 85 điều.
Trong đó, tại Điều 27 quy định về quản lý tài sản Tự viện nêu rõ, tự viện là giáo sản, là sở hữu chung của cộng đồng do GHPGVN đại diện làm chủ sở hữu duy nhất. Trụ trì, hoặc Ban Hộ tự (Tự viện chưa có Trụ trì) là người được GHPGVN giao quyền sử dụng, quản lý Tự viện theo Hiến chương GHPGVN và pháp luật Nhà nước. Quyền định đoạt tài sản Tự viện do Giáo hội nắm giữ.
Tại điều Điều 29 về định đoạt tài sản Tự viện quy định, chỉ có Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự tỉnh mới có quyền định đoạt tài sản của Tự viện. Trụ trì, hoặc Ban Hộ tự (Tự viện chưa có Trụ trì) không có quyền định đoạt tài sản Tự viện. Các tài sản Tự viện do cá nhân Trụ trì đứng tên theo giấy khai sinh sau khi được Giáo hội bổ nhiệm trụ trì, những tài sản đó thuộc tài sản của Tự viện. Tại điều Điều 30 quy định quyền hưởng dụng tài sản Tự viện của Trụ trì nêu rõ, hoàn trả tài sản Tự viện cho chủ sở hữu là Giáo hội, khi bị Giáo hội truất quyền Trụ trì, hoặc giải tán Ban Hộ tự và các quy định của Hiến chương Giáo hội và pháp luật Nhà nước.
Tâm Đức