6 nguyên tắc làm việc của Chính phủ

Google News

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Nghị định số 39/2022/NĐ-CP ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ.

Theo đó, Chính phủ làm việc theo 6 nguyên tắc gồm: Mọi hoạt động của Chính phủ phải tuân thủ quy định của Hiến pháp và pháp luật, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Chính phủ làm việc theo chế độ kết hợp giữa quyền hạn, trách nhiệm của tập thể Chính phủ với quyền hạn, trách nhiệm cá nhân của Thủ tướng Chính phủ và cá nhân từng thành viên Chính phủ. Chính phủ quyết định theo nguyên tắc đa số đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
6 nguyen tac lam viec cua Chinh phu
 Quang cảnh phiên họp Chính phủ.
Đề cao trách nhiệm cá nhân và nêu gương của thành viên Chính phủ, người đứng đầu các bộ, cơ quan, địa phương. Mỗi nhiệm vụ chỉ giao cho một người chủ trì và chịu trách nhiệm. Trường hợp nhiệm vụ giao cho bộ, cơ quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải chịu trách nhiệm.
Chủ động giải quyết công việc đúng quy trình, thủ tục, thẩm quyền và quy định của pháp luật, Quy chế làm việc của Chính phủ. Bảo đảm yêu cầu phối hợp công tác, trao đổi thông tin, đề cao sự thống nhất trong giải quyết công việc của Chính phủ.
Thực hiện phân công, phân cấp, phân quyền, ủy quyền theo quy định của pháp luật, cá thể hóa trách nhiệm gắn với tăng cường giám sát, kiểm tra và kiểm soát quyền lực, bảo đảm sự lãnh đạo tập trung, quản lý thống nhất, phù hợp với thẩm quyền của Chính phủ. Phát huy tính chủ động, sáng tạo của người đứng đầu bộ, cơ quan, địa phương.
Thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính; cấp dưới phục tùng, tuân thủ nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo, phân công của cấp trên.
Công khai, minh bạch, đổi mới hoạt động của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan hành chính nhà nước các cấp; thực hiện nền hành chính thống nhất, thông suốt, liên tục, dân chủ, hiện đại, liêm chính, hiệu lực, hiệu quả, vì Nhân dân phục vụ và chịu sự kiểm tra, giám sát của Nhân dân.
Theo quy chế, Chính phủ thống nhất quản lý hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, cơ sở; thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ được quy định trong Hiến pháp và pháp luật.
Cách thức giải quyết công việc của Chính phủ là thảo luận và quyết nghị tại phiên họp Chính phủ.
Quyết nghị bằng phiếu lấy ý kiến các thành viên Chính phủ trong trường hợp Chính phủ không họp.
Quyết nghị của Chính phủ phải được quá nửa tổng số thành viên Chính phủ biểu quyết tán thành. Trong trường hợp biểu quyết ngang nhau thì thực hiện theo ý kiến mà Thủ tướng Chính phủ đã biểu quyết.
Chính phủ phân công Thủ tướng Chính phủ thay mặt Chính phủ xem xét, quyết định những vấn đề cấp bách cần phải xử lý gấp thuộc thẩm quyền của Chính phủ hoặc những vấn đề đã được Chính phủ thống nhất về chủ trương, nguyên tắc. Thủ tướng Chính phủ báo cáo hoặc giao Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thay mặt Thủ tướng Chính phủ báo cáo tại phiên họp Chính phủ gần nhất về những vấn đề đã quyết định.
Chính phủ thực hiện phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương theo quy định tại các luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Chính phủ thực hiện phân cấp, ủy quyền cho chính quyền địa phương quyết định hoặc thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước thuộc ngành, lĩnh vực trên địa bàn quản lý phù hợp với điều kiện, năng lực của chính quyền địa phương đi đôi với việc phân bổ nguồn lực hợp lý, nâng cao năng lực, trình độ cán bộ và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực chặt chẽ.
>>> Mời độc giả xem thêm video Thủ tướng dự Lễ trao tặng Huy hiệu Đảng của Đảng bộ Văn phòng Chính phủ:

Nguồn: Truyền hình Nhân dân.

Hải Ninh