Bà rời chiếc võng, ngồi bệt xuống đất. Với tay lấy một miếng nhựa dày lót vào mông, bà cột thật chặt rồi đội nón và mang thêm chiếc túi xách nhỏ. Bà lết đến cầu thang "bò" từng bậc một để xuống đất...
Một ngày của đôi vợ chồng già
Ngày mới của bà Dương Thị Trà, 70 tuổi bắt đầu như thế. Bà không còn khả năng đi đứng sau một lần đột quỵ nặng. Giờ đây bà chỉ di chuyển bằng đôi tay. Bà ngụ tại tầng thứ 4 của lô 8, cư xá Thanh Đa (P.27, Q. Bình Thạnh, TP.HCM).
|
Bà Dương Thị Trà. Sau một lần đột quỵ, đôi chân bà không còn đi lại được. |
Từ tầng 4, bà chống hai tay lấy sức đưa thân mình xuống bậc thang dưới. Hết bậc này đến bậc kế tiếp, mỗi tầng 20, bậc bà phải vượt qua 80 bậc như thế mới xuống được tầng trệt. Bà lết đến chiếc xe lăn được để sẵn ngay chân cầu thang. Bằng động tác thuần thục và nhuần nguyễn, bà lên xe một cách chóng vánh. Bánh xe bắt đầu lăn đưa bà lao vào cuộc mưu sinh.
Bà nói với chúng tôi, mỗi ngày bà nhận 100 vé số. Bà chia cho ông 15 vé còn lại phần bà. Với 15 vé, ông phải bán cho hết để có một ly cà phê sáng và vài điếu thuốc. Với 85 vé bà phải ngồi xe lăn đi trên các con đường trong cư xá bán từ sáng đến trưa. Trưa về, bà lại dừng xe ngay chân cầu thang rồi lại lết ngược 4 tầng lầu về lại tổ ấm.
Bà đến chiếc võng quen thuộc, tháo tấm lót mông và leo lên. Ngả người, võng đong đưa bà cũng vơi bớt đi phần nào mệt nhọc. Nằm bên trong, ông nói vọng ra: "Bà về rồi à ? Ăn gì chưa?". Ông hỏi thế chứ ông đã biết bà cũng đã ăn chút gì đó trước khi về đến nhà. Chỉ có buổi tối khi mọi việc bên ngoài gác lại, bếp mới đỏ lửa.
Ông là Hồ Đắc Tá, 76 tuổi. Hai người cùng quê Thừa Thiên - Huế. Người ông gầy, gương mặt khắc khổ. Ông nói như thều thào, tôi mệt quá. Căn bệnh phổi và hở van tim nó hành tôi mấy năm nay.
Chúng tôi ái ngại nhìn đôi vợ chồng già. Hai người đều bệnh nhưng không một người thân bên cạnh. Họ lo cho nhau, chăm chút cho nhau từ miếng ăn đến giấc ngủ. Bà cho biết, sáng nay ông đi tái khám về. Bệnh của ông từ mấy năm nay đã làm ông yếu hẳn. Cũng may nhờ có bảo hiểm y tế, nếu không chẳng biết lấy tiền đâu chữa bệnh.
|
Hai mái đầu bạc bên nhau. |
10 năm nay, kể từ ngày dọn về đây cuộc sống của ông bà tương đối ổn định. Mặc dù mỗi ngày phải vượt hàng trăm bậc cầu thang nhưng đó cũng không phải trở ngại lớn. Điều mà 2 người luôn trăn trở là làm sao đủ thu nhập để trang trải cho cuộc sống, nhất là những lúc bệnh đau không thể đi bán được.
Chúng tôi bất chợt nhìn dãy hành lang dài hun hút trống vắng không một bóng người. Những căn hộ im lìm khép kín cửa. Ngộ lỡ có chuyện gì xảy ra với ông bà cũng khó có ai phát hiện kịp thời ...
Truân chuyên đời người
Ông Tá kể lại, năm 1976 vợ chồng ông và 5 đứa con trai tình nguyện đi xây dựng vùng Kinh tế mới Đắk Mil (nay thuộc tỉnh Đắk Nông). Đất Tây Nguyên vào những năm đầu mới giải phóng còn hoang vu, rậm rạp. Những người dân đến đây - trong đó có ông bà Tá - đã bỏ công khẩn hoang, góp phần xây dựng làng mạc.
Cuộc sống lúc ấy khá vất vả một phần chưa quen với lao động, một phần ảnh hưởng nơi rừng thiêng nước độc 3 đứa con của ông bà lần lượt qua đời vì sốt rét rừng. Hồi ấy - bà Trà kể lại - giao thông chưa có nên khi con tôi bệnh phải khiêng bằng võng đi hàng chục km đường rừng mới đến được đường nhựa để lên xe về bệnh viện tỉnh. Có lẽ vì lý do đó nên khi đến được bệnh viện thì đã quá trễ.
Ở tai khu KTM được 8 năm, chúng tôi muốn kiệt sức. Hai vợ chồng đùm túm 2 đứa con còn lại chạy vào Sài gòn kiếm kế sinh nhai. Thời gian đầu tá túc tại nhà để xe của lô 8. Ban ngày vợ chồng con cái túa đi khắp nơi kiếm ăn. Cuộc sống dần hồi phục thì không may, chỉ vài tháng sau, một trong 2 đứa con còn lại mất vì ung thư máu.
"Buồn lắm anh ơi. Giờ chỉ còn một đứa. Nó lấy vợ và sinh được một cháu trai. Rồi thì biến chứng của sốt rét cũng đã lấy đi mạng sống của nó. Vợ con nó bỏ về quê ở Vũng Tàu...".
Có ai mà bạc phận như chúng tôi không? 5 đứa con sinh ra nuôi lớn lên đều bỏ chúng tôi ra đi. Giờ đây, tuổi già không có nơi nương tựa chúng tôi đành phải dựa vào nhau mà sống.
Cách đây 10 năm, một nhà hảo tâm đã mua lại chỗ đổ rác ngày xưa ở tầng 4 sửa sang lại cho chúng tôi vào ở. Chỉ vỏn vẹn có 6m2 nhưng nhờ tận dụng được vỉa hè phía trước nên cũng có nơi ăn ngủ. Bà con chung quanh cho chúng tôi nhờ điện và nước không lấy tiền. Cuộc sống cũng tạm ổn dần.
Ngày Tết đang đến gần. Chúng tôi hỏi thăm ông bà, hàng năm ăn tết thế nào? Ông bật cười chua chát: "Chúng tôi mà có Tết sao? Lâu lắm rồi mơ ước có một chỗ trang nghiêm để mời ông bà và 5 đứa con về sum họp ngày Tết nhưng rồi cũng chỉ là ước mơ.
Giá mà đêm giao thừa có một lư hương tỏa khói bao trùm di ảnh người thân thì vui lắm". Ông ngậm ngùi nói với chúng tôi.
Theo Trần Chánh Nghĩa/Vietnamnet