Sau 4 lần thay đổi quy định về việc cấp, kiểm soát giấy đi đường ở Hà Nội vẫn tồn tại nhiều bất cập, dẫn tới bức xúc. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Hà Nội rà soát, điều chỉnh giấy đi đường sao cho phù hợp, thuận lợi cho người dân nhưng phải đảm bảo an toàn, phòng, chống dịch.
Cùng PV điểm lại hành trình 46 ngày 4 lần thay đổi giấy đi đường ở Hà Nội khiến người dân "chóng mặt". Hy vọng qua nhiều lần rút kinh nghiệm, Hà Nội sẽ đưa ra được phương án tối ưu hơn.
4 lần thay đổi, giấy đi đường vẫn làm dân quay cuồng
Ngày 23/7, Chủ tịch TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành Chỉ thị 17/CT-UBND áp dụng giãn cách toàn thành phố. Một số địa phương đã phát hành thẻ ra ngoài, thẻ đi chợ cho người dân. Nhiều cơ quan, đơn vị cũng tự in mẫu giấy đi đường cho cán bộ, công nhân viên theo hướng dẫn của UBND TP.
Ngày 27/7, Thường trực Thành uỷ giao thành phố thống nhất mẫu giấy đi đường, rút ngắn thời gian khai báo để di chuyển vào thành phố làm việc. Sau đó, UBND TP. Hà Nội ban hành Văn bản số 2434, thống nhất mẫu giấy sử dụng chung cho các đối tượng được phép lưu thông trong thời gian giãn cách. Mẫu giấy gồm thông tin cá nhân, địa chỉ, nơi làm việc, mục đích tham gia giao thông… với xác nhận của UBND xã hoặc xác nhận của đơn vị. Đây là lần đầu tiên giấy đi đường chính thức ra đời tại Hà Nội trong gần 2 năm xảy ra đại dịch COVID-19.
Ngày 3/8, Thường trực thành ủy, yêu cầu toàn địa bàn thành phố tiếp tục tổ chức thực hiện việc giãn cách xã hội thực chất; siết chặt quản lý, giám sát việc đi lại của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân.
Ngày 8/8, Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền ký ban hành văn bản siết chặt việc cấp và sử dụng giấy đi đường; yêu cầu ngoài mẫu giấy đi đường đã được ban hành theo mẫu chung của thành phố, phải xuất trình kèm theo: căn cước công dân hoặc chứng minh thư nhân dân, lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
Văn bản công bố chiều muộn nên ngay sáng 9/8, cảnh ùn tắc đã xảy ra tại nhiều UBND phường trên địa bàn do người dân, doanh nghiệp xếp hàng xin xác nhận giấy đi đường mẫu mới.
|
Giấy đi đường có mã QR code ở Hà Nội buộc phải ghi bằng tay do lỗi phần mềm. |
Giấy đi đường "thế hệ F2" nhận phản ứng gay gắt của dư luận khi thủ tục rườm rà, dễ gây hậu quả lây nhiễm dịch bệnh khi người dân tập trung đông tại các điểm cấp giấy. Sáng 10/8, Hà Nội có văn bản cho biết các đơn vị hiểu chưa thống nhất nên còn “lúng túng trong triển khai thực hiện”.
Lúc này, Hà Nội điều chỉnh việc cấp và sử dụng giấy đi đường, theo đó người đi đường chỉ phải xuất trình giấy tờ tùy thân (chứng minh nhân dân, hoặc căn cước công dân, hoặc hộ chiếu) kèm theo Giấy đi đường theo mẫu, mà không cần xuất trình lịch trực. TP cũng yêu cầu UBND cấp quận, huyện, cấp phường, xã không được quy định phát sinh thêm các thủ tục, giấy tờ gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân.
Giấy đi đường "F3" tiếp tục được Hà Nội cho ra đời với việc ứng dụng công nghệ mã QR Code. Trước tình trạng người dân vẫn còn ra đường nhiều, UBND TP. Hà Nội yêu cầu công an nghiên cứu kiểm soát chặt chẽ việc cấp và sử dụng giấy đi đường. Công an Hà Nội có văn bản gửi các quận, huyện đề nghị chuẩn bị các điều kiện cần để triển khai phần mềm cấp và kiểm tra giấy đi đường nhận diện.
Ngày 5/9, Công an Hà Nội ra văn bản hướng dẫn, phân cấp cụ thể về thẩm quyền cấp giấy đi đường, điều chỉnh lại so với dự kiến ban đầu. Trong đó, nhóm các cơ quan nhà nước, cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp nhà nước… thẩm quyền cấp giấy đi đường được điều chỉnh như cũ, do Thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm duyệt, cấp.
Văn bản điều chỉnh cấp giấy đi đường ban hành trong dịp nghỉ lễ 2/9 khiến người dân và doanh nghiệp “khóc ròng”. Vì thế, tối 5/9, Hà Nội ra thông báo trong 2 ngày 6 và 7/9, các lực lượng chức năng chưa xử phạt nếu người đi đường chưa có giấy đi đường theo quy định mới.
Giấy đi đường "F4" ra đời khi được gộp với "người anh em F3". Theo đó, ngày 7/9, Công an Hà Nội thông báo, từ 6h ngày 8/9, các chốt kiểm soát của thành phố sẽ kiểm soát người và phương tiện ra, vào thành phố, ra vào vùng 1 theo giấy đi đường mới. Trong khi đó, hồ sơ chờ xin cấp giấy đi đường vẫn ùn ứ chờ thẩm định.
Tuy nhiên, chiều tối 7/9, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy đã giao Ban Cán sự đảng UBND TP chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc, cầu thị các ý kiến để điều chỉnh phù hợp với thực tiễn, bảo đảm hiệu quả phòng, chống dịch và an toàn của người dân.
Trước mắt, tiếp tục sử dụng giấy đi đường đã cấp và cấp giấy mới kết hợp nhập vào dữ liệu dân cư, xem xét hiệu quả thực tiễn thì mới nhập hai loại giấy thành một. Người dân được cấp giấy đi đường được phép đi xuyên vùng, nhưng phải đúng điểm đến.
Có thể giấy đi đường hệ "F5" của Hà Nội cũng sẽ tiếp tục xuất hiện trong thời gian tới khi ngày 8/9, Thủ tướng yêu cầu UBND TP. Hà Nội có hướng dẫn cụ thể, kịp thời điều chỉnh nội dung còn bất cập trong việc cấp giấy đi đường cho các nhóm đối tượng theo quy định đã ban hành, không để xảy ra tình trạng người dân và doanh nghiệp chờ đợi kéo dài; không để tập trung đông người và ùn tắc giao thông, nguy cơ lây lan dịch bệnh tại các chốt kiểm soát dịch.
Truy tìm nguyên nhân
Qua 3 đợt giãn cách xã hội kéo dài 45 ngày mà Hà Nội có 4 lần thay đổi quyết định về giấy đi đường. Có nhiều nguyên nhân được các chuyên gia, nhà xã hội học... nêu ra, trong đó có sự lúng túng, nóng vội, thiếu kế hoạch dài hơi từ phía chính quyền và cơ quan chức năng. Một trong những biểu hiện là kế hoạch sử dụng giấy đi đường thường được công bố vào tối ngày nghỉ cuối tuần, kỳ nghỉ và có hiệu lực vào sáng ngày đầu tuần tiếp theo.
|
Giấy đi đường càng khiến giao thông Hà Nội ùn ứ. |
Nhiều người cho rằng thủ tục đăng ký, phê duyệt và cấp giấy đi đường mới vẫn còn nhiêu khê, rườm rà và khá phức tạp trong khâu thực thi. Việc phân chia tới 6 nhóm đối tượng khiến một số người không biết mình thuộc nhóm nào và cần làm thủ tục ở Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố) hay Công an phường (xã, thị trấn)… Quy trình gồm 4 bước và do nhiều khâu, nhiều cấp phê duyệt, xử lý. Với số lượng hồ sơ đăng ký khổng lồ và cách xử lý phức tạp thì dù các cơ quan chức năng rất cố gắng cũng khó đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.
Và thực tế, Công an phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy) đã phải thừa nhận, buộc phải viết tay vào giấy đi đường cho công dân với mẫu của Công an thành phố ban hành vì trong ngày 6/9 phần mềm cấp mã QR bị lỗi và có hàng trăm đơn vị lên xin cấp giấy đi đường.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh từng thừa nhận, việc cấp giấy đi đường là “vấn đề mới, việc khó, chưa từng có tiền lệ”. Lãnh đạo UBND thành phố có tinh thần cầu thị, đã nhiều lần lắng nghe ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, của người dân để điều chỉnh các giải pháp phòng, chống dịch nói chung và trong việc cấp giấy đi đường nói riêng.
Hy vọng, Hà Nội sớm giải quyết được bài toán giấy đi đường và vững vàng chung tay chiến thắng dịch bệnh COVID-19.
Hiểu Lam