4 tháng sau thảm họa, Tết vẫn chưa về với người dân xóm Khanh

Google News

Bốn tháng sau thảo họa sạt lở kinh hoàng, xóm Khanh (Hòa Bình) trở thành bản hoang. Mất người thân, mất nhà cửa, người dân nơi đây nặng trĩu âu lo khi Tết đến, xuân về.

Mỗi buổi sáng, chị Đinh Thị Xuân, 41 tuổi, ngụ xóm Khanh (xã Phú Cường, Tân Lạc, Hòa Bình) lại lóc cóc mang đồ ăn cho gia súc về lại ngôi nhà cũ.
Nhà cũ của chị nằm cách nơi 18 người bị hàng nghìn khối đất đá vùi lấp chỉ vài chục bước chân. Mỗi lần về, nước mắt chị cứ chực rơi khi nhớ về người chồng.
Cũng độ này năm ngoái, gia đình chị Xuân đã gói bánh chưng đón Tết. Còn năm nay, nỗi đau mất người thân, mất nhà, cái Tết vẫn còn ở rất xa…
Bản hoang
Chồng chị Xuân là anh Đinh Công Sinh, sinh năm 1976, Trưởng xóm Khanh. Rạng sáng ngày 12/10/2017, trong lúc mưa to, gió lớn, trời đất rung chuyển, bất chấp vợ con ngăn cản, anh Sinh từ nhà mình lao về phía chân thác để hò hét hàng xóm bỏ chạy.
Đất đá ập xuống, anh Sinh nằm lại cùng với 18 người xấu số. Thi thể anh được tìm thấy vào 4h30 sáng cùng ngày. Người ta nói rằng nếu anh sống ích kỷ thì vợ con anh không phải chịu cảnh mất chồng, mất cha.
Những ngôi nhà sàn bỏ hoang ở xóm Khanh sau thảm họa sạt đất khiến 18 người chết. Ảnh: Văn Chương.
“Mỗi lần về qua nhà, tôi không cầm được nước mắt. Sự việc ấy như một vết sẹo trong tâm trí của người dân xóm Khanh, chẳng bao giờ lành lại”, chị Xuân nói.
Sau sự cố, chị Xuân và 15 gia đình khác được bố trí tái định cư ở dọc quốc lộ 6, cách chỗ ở cũ hơn 2 km. Họ được nhà nước, các nhà hảo tâm hỗ trợ tiền xây nhà mới. Nhưng những căn nhà này chưa kịp hoàn thiện trước Tết.
Vào đây âm u, sợ lắm. Nghe tiếng thác nước, em cảm thấy lạnh người
Em Đinh Thị Nhiệt
Giờ đây xóm Khanh như bản hoang, vắng lặng không một tiếng người. Từ xa chỉ nghe tiếng lục lạc buộc trên cổ trâu bò. Những ngôi nhà sàn cô quạnh, xiêu vẹo trước gió giờ trở thành chỗ nuôi gia súc, gia cầm. Mạng nhện giăng kín các góc cửa.
Đầu đường vào xóm, chính quyền xã đặt tấm biển cảnh báo nguy hiểm đất đá sạt lở.
Thác Khanh mùa này ít nước. Nhìn từ xa, dòng nước từ trên đỉnh đồi chảy xuống trắng như một sợi chỉ mong manh. Nó hiền hòa lạ thường, khác với ngày trút thảm họa xuống đầu người dân xóm Khanh.
Thảm họa như một vết sẹo trong tâm trí người dân xóm Khanh. Ảnh: Văn Chương.
Tôi tiến về chân thác Khanh - nơi 18 người bị vùi lấp - thì bất ngờ gặp Đinh Thị Nhiệt, cô gái năm nay tròn 17 tuổi. Nhà Nhiệt cách hiện trường hơn 1 km.
“Nhà em nuôi lợn nên mới phải gần đây thôi. Mọi người không ai dám ở lại qua đêm. Vào đây âm u, sợ lắm. Nghe tiếng thác nước em cảm thấy lạnh người”, Nhiệt nói.
“Tết còn xa lắm”
Xóm Khanh ngày cuối năm, khi nơi nơi nô nức sắm sửa Tết thì những người sống sót sau thảm họa đang phải sửa sang lại căn lều tạm tránh gió.
Kéo tấm bạt che căn lều tạm ven quốc lộ, bà Đinh Thị Siêu (51 tuổi) nói rằng năm nay nhà không có Tết. Tất cả tài sản bao năm 4 mẹ con tích cóp được đã bị lũ chôn vùi.
Căn nhà mới được xây từ tiền Nhà nước và các nhà hảo tâm hỗ trợ chưa hoàn thành, bốn mẹ con đành đón Tết ở căn lều tạm.
Bà Đinh Thị Siêu buồn rầu bên căn lều tạm che nắng che mưa từ khi thảm họa ập xuống. Ảnh: Văn Chương.
“Gia đình tôi còn may mắn không bị mất người. Sớm sớm hôm đó, hai mẹ con đang nằm ngủ thì nghe tiếng nổ, mặt đất rung chuyển. Tôi và con trai may mắn bò ra được khỏi đống đất nên được cứu”, bà Siêu nói.
Nói về việc sắm sửa đón Tết, bà lắc đầu: “Tết còn xa lắm chú à. Chúng tôi chỉ mong sao sớm được dọn vào nhà mới để ở có mâm lễ cúng tổ tiên. Ở lều tạm, đêm ngủ lạnh lắm”.
Chúng tôi chỉ mong sao sớm được dọn vào nhà mới để ở có mâm lễ cúng tổ tiên
Trong khi đó, với Đinh Công Thịnh, cơn cuồng nộ của thiên nhiên đã cướp mất bố và bà nội của anh. Do được đơn vị tạo điều kiện, anh ra quân trước thời hạn để về đỡ đần gia đình.
“Bố mất, mẹ đã yếu, các em còn nhỏ, em phải là chỗ dựa. Ra quân rồi, sau Tết, em đi tìm việc làm thuê. Dù cuộc sống khó khăn, em cố gắng không để hai em phải bỏ học”, Thịnh chia sẻ.
Xóm Khanh bị cấm người qua lại. Ảnh: Văn Chương.
Ông Bùi Văn Lực, Phó chủ tịch UBND xã Phú Cường, cho biết việc xây nhà mới cho người dân xóm Khanh đã đạt 90%. Hiện các hộ gia đình cơ bản đã dần ổn định cuộc sống.
"UBND xã Phú Cường đã trình phương án gửi UBND huyện Tân Lạc về việc cấp đất canh tác cho người dân xóm Khanh để họ sản xuất", ông Lực nói.
Ngày 9/2, Phó thủ tướng Trịnh Dũng đã về thăm và tặng quà bà con xóm Khanh. Phó thủ tướng động viên bà con tiếp tục nỗ lực để vượt qua khó khăn, mất mát, nhanh chóng ổn định sản xuất.
Phó thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng tiếp tục theo dõi để cảnh báo sớm những diễn biến phức tạp, đồng thời không để người dân quay trở lại khi chưa an toàn.
Phó thủ tướng đề nghị tỉnh Hòa Bình quan tâm chu đáo đến người dân ở các khu vực chịu thiệt hại bởi thiên tai thời gian qua, bảo đảm không một gia đình nào không có Tết.
Theo Văn Chương/Zing