Người nào có nhiệm vụ trực tiếp trong công tác quản lý tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, vì thiếu trách nhiệm mà để mất mát, hư hỏng, lãng phí gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trị giá 2.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
Người phạm tội còn có thể cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Là người đứng đầu của đơn vị, việc 4 Giám đốc của 4 Trung tâm y tế huyện tại tỉnh Gia Lai đã chi sai chế độ tài chính theo quy định, có sai phạm trong việc thanh, quyết toán nguồn kinh phí sự nghiệp y tế làm thiệt hại một số tiền rất lớn lên đến hàng tỷ đồng. Vậy việc làm dụng quyền giám đốc chi sai ngân sách nhà nước sẽ bị xử lý thế nào?
Theo luật sư Ngoạn, các hành vi bị cấm trong lĩnh vực ngân sách nhà nước gồm: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt hoặc thiếu trách nhiệm làm thiệt hại đến nguồn thu ngân sách nhà nước; Thu sai quy định của các luật thuế và quy định khác của pháp luật về thu ngân sách; phân chia sai quy định nguồn thu giữa ngân sách các cấp; giữ lại nguồn thu của ngân sách nhà nước sai chế độ; tự đặt ra các khoản thu trái với quy định của pháp luật;
Chi không có dự toán, trừ trường hợp quy định tại Điều 51; chi không đúng dự toán ngân sách được giao; chi sai chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi, không đúng mục đích; tự đặt ra các khoản chi trái với quy định của pháp luật.
Quyết định đầu tư chương trình, dự án có sử dụng vốn ngân sách không đúng thẩm quyền, không xác định rõ nguồn vốn để thực hiện; Thực hiện vay trái với quy định của pháp luật; vay vượt quá khả năng cân đối của ngân sách; Sử dụng ngân sách nhà nước để cho vay, tạm ứng, góp vốn trái với quy định của pháp luật; Trì hoãn việc chi ngân sách khi đã bảo đảm các điều kiện chi theo quy định của pháp luật; Hạch toán sai chế độ kế toán nhà nước và mục lục ngân sách nhà nước.
Lập, trình dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước chậm so với thời hạn quy định; Phê chuẩn, duyệt quyết toán ngân sách nhà nước sai quy định của pháp luật; Xuất quỹ ngân sách nhà nước tại Kho bạc Nhà nước mà khoản chi đó không có trong dự toán đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định, trừ trường hợp tạm cấp ngân sách và ứng trước dự toán ngân sách năm sau quy định tại Điều 51 và Điều 57 và các hành vi bị cấm khác trong lĩnh vực ngân sách nhà nước theo quy định của các luật có liên quan.
Mặt khác, theo quy định tại Điều 32 Nghị định 63/2019 quy định:
Hành vi vi phạm quy định của pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng quỹ có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước sẽ bị:
1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với các hành vi sau:
- Hành vi sử dụng quỹ có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước sai mục đích, tôn chỉ của quỹ do cấp có thẩm quyền ban hành;
- Hành vi sử dụng quỹ có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước không đúng quy chế hoạt động, cơ chế tài chính của quỹ được cấp có thẩm quyền ban hành.
2. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi gây lãng phí trong sử dụng vốn đầu tư không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn, vượt định mức, đơn giá theo quy định của pháp luật.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
- Thu hồi nộp về quỹ có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước kinh phí sử dụng sai mục đích đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
- Buộc nộp lại quỹ có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.