Sáng nay (28/5), phiên tòa sơ thẩm xét xử 3 bị cáo liên quan vụ chạy thận nhân tạo làm 9 bệnh nhân tử vong, xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình bước sang ngày thứ 10.
Phiên tòa thu hút sự quan tâm của giới y học, đại biểu Quốc hội và dư luận cả nước bởi nhiều tình tiết vụ án gây tranh cãi, cần được làm sáng tỏ.
Ngày 15/5, nhóm luật sư bào chữa đã yêu cầu HĐXX cần triệu tập nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình Trương Quý Dương đến tòa.
Luật sư cũng yêu cầu tòa triệu tập ông Đỗ Anh Tuấn (Giám đốc Công ty Thiên Sơn) - đơn vị ký hợp đồng bảo dưỡng, sữa chữa hệ thống máy lọc thận với bệnh viện. Theo người bào chữa, 2 vị trên biết đủ các tình tiết liên quan vụ án. Họ vừa là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vừa là nhân chứng.
Luật sư Lê Văn Thiệp cho rằng để xảy ra vụ việc, trách nhiệm rõ ràng thuộc về ông Trương Quý Dương, Phòng vật tư và Công ty Thiên Sơn.
Luật sư kiến nghị khởi tố vụ án hình sự về các hành vi lợi dụng chức vụ, làm giả giấy tờ và thiếu trách nhiệm đối với các ông Trương Quý Dương, Đỗ Anh Tuấn và Trưởng phòng vật tư Trần Văn Thắng.
|
Luật sư Nguyễn Chiến tranh tụng tại tòa. Ảnh: Hoàng Lam. |
Cáo trạng của VKSND TP Hòa Bình không nhắc đến vai trò, trách nhiệm của ông Dương và ông Tuấn khi sự cố khiến 9 người tử vong xảy ra. Tuy nhiên, luật sư cho rằng ông Dương vắng mặt nhiều ngày gây cản trở quá trình xét xử, làm phiên tòa phải kéo dài nhiều ngày.
Ngoài ra, trước thông tin ông Dương được phép xuất cảnh khi ông này đang liên quan vụ án đặc biệt nghiêm trọng, có một phần trách nhiệm của VKS và Công an tỉnh Hòa Bình.
Trả lời các thắc mắc, đại diện VKSND TP Hòa Bình cho rằng, theo Bộ luật Tố tụng 2015, VKS và CQĐT xác định chưa đủ căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông Dương. Trong vụ án, pháp nhân là Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình phải chịu một phần trách nhiệm, không phải cá nhân ông Dương. Việc người này xuất cảnh phù hợp với quy định của Nghị định 136.
Liên quan vụ án, bên hành lang Quốc hội, một số đại biểu cũng phản ứng gay gắt việc ông Trương Quý Dương ra nước ngoài khi phiên tòa đang diễn ra. Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn đại biểu Quốc hội An Giang) cho rằng dù ông Dương không có tội và đã bị cách chức nhưng người này là lãnh đạo bệnh viện giai đoạn xảy ra vụ án. Do đó, ông Dương phải có trách nhiệm.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) cho rằng cơ quan công tố kết tội bác sĩ Lương phạm tội gây ảnh hưởng rất lớn đến ngành y tế. "Cá nhân tôi thấy bác sĩ Hoàng Công Lương có thể vô tội", ông Lợi nhận định.
Hợp đồng số 315 đã được nghiệm thu, thanh lý hay chưa?
Hôm 24/5, ngày thứ 8 diễn ra phiên tòa, luật sư bất ngờ công bố bằng chứng mới (chiếc USB chứa clip ghi lại cuộc trao đổi của lãnh đạo bệnh viện). Chứng cứ mới này sau đó được HĐXX tranh tụng tại tòa.
Nhóm bào chữa cho rằng nội dung trong clip nói về bản hợp đồng số 315 ký kết giữa ông Trương Quý Dương và ông Đỗ Anh Tuấn. Trong đó, sự tồn tại của biên bản thanh lý hợp đồng này sẽ khẳng định bị cáo Hoàng Công Lương có tội hay vô tội.
|
Hoàng Công Lương được người nhà 9 bệnh nhân tử vong đồng loạt xin tòa tuyên vô tội. Ảnh: Hoàng Lam. |
Luật sư phân tích, nếu hợp đồng đã được lãnh đạo bệnh viện và Công ty Thiên Sơn ký biên bản thanh lý thì các vị lãnh đạo đơn vị thời điểm đó phải chịu trách nhiệm về sự cố.
Trả lời tại tòa, điều tra viên Đinh Đức Trường (Công an tỉnh Hòa Bình) khẳng định ngay sau khi xảy ra sự cố chạy thận, CQĐT đã đến bệnh viện để thu giữ toàn bộ tài liệu liên quan đến hệ thống RO số 2 từ ông Trần Văn Thắng. Tuy nhiên, hồ sợ vụ án không có các tài liệu liên quan đến hợp đồng số 315.
Nói về đoạn clip bằng chứng và bản nghiệm thu hợp đồng, đại diện VKS đánh giá nội dung ghi âm không nói đến việc thanh lý hợp đồng số 315. Cơ quan công an cũng không thu giữ biên bản thanh lý này. Ngoài ra, các bằng chứng đó không làm thay đổi hành vi của 3 bị cáo.
Hoàng Công Lương có được phân công nhiệm vụ?
Trong 9 ngày xét xử, phiên tòa dành phần lớn thời gian xét hỏi, tranh cãi về việc bác sĩ Hoàng Công Lương có được lãnh đạo bệnh viện phân công nhiệm vụ phụ trách Đơn nguyên thận nhân tạo (thuộc khoa Hồi sức tích cực) hay không.
Theo cáo trạng, bị cáo Hoàng Công Lương được giao phụ trách Đơn nguyên thận nhân tạo. Sau khi nghe nữ điều dưỡng nói máy đã sửa xong, Lương không kiểm tra và không báo cáo kết quả sửa chữa máy lọc cho cấp trên, ra y lệnh chạy thận cho 18 bệnh nhân khiến 9 người tử vong do tồn dư hóa chất.
Trả lời HĐXX, nam bác sĩ liên tục khẳng định anh ta không được lãnh đạo bệnh viện và khoa chủ quản phân công nhiệm vụ này, không có văn bản nào thể hiện sự phân công đó.
Đáng chú ý, hôm 22/5, điều dưỡng trưởng của khoa Hồi sức Đinh Tiến Công khai anh ta đã ghi thêm phần phân công nhiệm vụ cho Lương vào sổ họp giao ban sau khi sự cố nghiêm trọng xảy ra. Việc ghi thêm vào sổ có sự chỉ đạo của ông Hoàng Đình Khiếu (Phó giám đốc bệnh viện kiêm Trưởng khoa Hồi sức).
Tuy nhiên, ông Đinh Tiến Công chỉ thừa nhận đã chỉ đạo cấp dưới hoàn tất những thủ tục sổ sách, giấy tờ còn dang dở sau khi các bệnh nhân tử vong để hoàn thiện hồ sơ. Ông Công phủ nhận chỉ đạo cấp dưới ghi thêm nội dung bất lợi cho bác sĩ Lương.
Kết luận nội dung này, đại diện VKS cho rằng quá trình điều tra, bị cáo Lương khai rõ việc phân công nhiệm vụ này trong các cuộc họp giao ban. Lời khai của Hoàng Công Lương đều phù hợp với lời khai của các đồng nghiệp là cán bộ, nhân viên tại khoa Hồi sức và tại bệnh viện. Điều dưỡng Công ghi hoàn thiện nội dung sổ họp không ảnh hưởng đến cáo trạng truy tố.
|
3 bị cáo hầu tòa về các tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và Vô ý làm chết người. Ảnh: TAND TP Hòa Bình. |
Điều tra viên có mớm cung, thông cung?
Một tình tiết khác gây tranh cãi ở phiên tòa, đó là sự giống nhau "từng dấu chấm, phẩy" giữa 2 bản khai của Hoàng Công Lương và ông Hoàng Đình Khiếu về việc nam bác sĩ được cấp trên giao nhiệm vụ phụ trách Đơn nguyên thận.
Luật sư Nguyễn Chiến (bào chữa cho Hoàng Công Lương) đánh giá 2 bản khai này có dấu hiệu thông cung, mớm cung. Luật sư cho biết biên bản hỏi cung chỉ có một đoạn hợp pháp vì có 2 người hỏi khác nhau. Đến phần liên quan ông Khiếu giao nhiệm vụ cho bác sĩ Lương, cả 2 bản khai của Lương và ông Khiếu “đều có 8 dòng, 80 chữ”.
Khi tòa triệu tập, điều tra viên Bùi Tuấn Nghĩa (Công an tỉnh Hòa Bình) phủ nhận lời tố của luật sư và cho rằng, 2 bản cung giống nhau chỉ là "trùng hợp ngẫu nhiên". Đại diện CQĐT khẳng định các câu hỏi điều tra viên đặt ra đều khách quan, bị can Lương tự suy nghĩ để trả lời, không có việc cảnh sát đưa lời khai của ông Khiếu cho bị can Lương xem để chép lại.