Vợ chồng Toàn Trang đã tố PVcombank như nào?
Theo đơn tố cáo của ông Đặng Nghĩa Toàn (46 tuổi, trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), năm 2018, ông cùng vợ là bà Tạ Thị Thu Trang đã gửi tiết kiệm tại 4 ngân hàng là Vietabank: 20 tỷ đồng; PVcombank là 52 tỷ đồng; NCB 50 tỷ đồng và BIDV: 20 tỷ đồng theo sự giới thiệu của Nguyễn Thị Hà Thành (37 tuổi, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Vợ chồng ông Toàn cho biết khi gửi tiền tiết kiệm đều tiến hành giao dịch đúng quy trình, quy định của ngân hàng.
Ngày 12/12/2018, ông Toàn đến Vietabank để rút tiền tiết kiệm thì nhận được thông tin sổ tiết kiệm của ông đã bị thế chấp vay vốn vào ngày 5/11/2018 và đã tất toán vào ngày 5/12/2018. Lúc này, ông Toàn lại nhận được điện thoại của cán bộ nhân viên ngân hàng PVcombank về việc giấy xác nhận tình trạng hôn nhân đã hết hạn. Trong khi đó, ông đã kết hôn với vợ (bà Tạ Thị Thu Trang) theo giấy chứng nhận kết hôn số 45 quyển số 01/2014 do UBND phường Yên Phụ cấp ngày 22/4/2004 và hiện nay vợ chồng ông vẫn chung sống với nhau.
|
Ông Đặng Nghĩa Toàn tìm đến ngân hàng PVcombank để đòi lại tiền |
Ngay lập tức, ông Toàn tìm đến PVcombank với mong muốn rút tiền đã gửi về cho an toàn. Tuy nhiên, ông Toàn cùng vợ tá hỏa khi ngân hàng này thông báo 3 sổ tiết kiệm (một sổ trị giá 12 tỷ đồng đứng tên ông Toàn, 2 sổ còn lại trị giá 40 tỷ đồng đứng tên bà Trang) đang gửi tại đó đã bị phong tỏa do đã thế chấp để cho Công ty TNHH cơ điện và Xây dựng Jeongho Landmark Việt Nam (Công ty Jeongho) vay vốn. Cùng diễn biến với PVcombank, tại NCB cả 4 sổ tiết kiệm mang tên Đặng Nghĩa Toàn và Tạ Thị Thu Trang cũng đang là tài sản đảm bảo vay vốn của Công ty Jeongho.
Lúc này, ông Toàn đã gửi đơn tố cáo đến Công an TP. Hà Nội và cơ quan liên quan để giải quyết.
Quan hệ Toàn, Trang với “siêu lừa” Nguyễn Thị Hà Thành
Liên quan đến nội dung tố cáo trên, cơ quan an ninh điều tra Công an TP. Hà Nội đã phát hiện vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng khi một số cán bộ ngân hàng cấu kết với người bên ngoài giả mạo hồ sơ vay vốn để chiếm đoạt tiền của 3 ngân hàng, trong đó có PVcombank và xác định "siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành (37 tuổi, ngụ Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội) là người đứng đầu.
Trên VietNamnet, NLĐ, VNexpress đưa theo cáo trạng, năm 2018, qua làm ăn, Nguyễn Thị Hà Thành biết ông Đặng Nghĩa Toàn và vợ Tạ Thị Thu Trang đang có khoản tiền 52 tỷ đồng. Để vay vốn vợ chồng Toàn, Thành đề nghị vay tiền bằng hình thức gửi 52 tỷ vào ngân hàng do Thành quen biết và hướng dẫn là PVcomBank, sau đó đưa sổ tiết kiệm cho mình và nhận lãi ngoài.
Ông Toàn đã gửi số tiền vào ngân hàng chia làm 3 sổ, 1 sổ giá trị 12 tỷ mang tên ông và 2 sổ giá trị 40 tỷ mang tên vợ, rồi đưa cả 3 sổ cho Thành giữ và nhận lãi tiền mặt 4,2%/tháng, tương đương khoảng 50,4%/năm.
Thành và đồng bọn đã làm giả hồ sơ thông qua pháp nhân các DN là Công ty Jeongho và Công ty Hoàng Nguyên để vay PVcomBank hơn 49 tỷ đồng với tài sản thế chấp là 3 sổ tiết kiệm đứng tên vợ chồng ông Toàn bà Trang gửi tại ngân hàng này và đã giao cho Thành.
Các nhân viên ngân hàng khi tiếp nhận hồ sơ đã tin Thành là khách VIP nên thiếu trách nhiệm, giao hồ sơ cho Thành tự đi lấy chữ ký của vợ chồng ông Toàn để làm hồ sơ thế chấp 3 sổ tiết kiệm. Từ sơ hở này, Thành đã giả chữ ký và điểm chỉ vân tay của mình giả làm vân tay của vợ chồng ông Toàn rồi dùng hồ sơ giả này để vay tiền PVcomBank.
Khi phê duyệt hồ sơ, Đỗ Minh Đức người được uỷ quyền của Giám đốc Trung tâm phát triển khách hàng miền Bắc - PVB phê duyệt đã được cấp dưới báo cáo việc không gặp trực tiếp vợ chồng ông Toàn mà nhờ Thành cầm đưa ký hộ song Đức chủ quan, chỉ kiểm tra lại trên máy tính và vẫn ký duyệt cấp tín dụng 49,4 tỷ đồng. Số tiền 49 tỷ được giải ngân và Thành lấy chi tiêu.
Cáo trạng cho thấy, trong các vụ lừa đảo của Thành có việc nhân viên của các ngân hàng có người thiếu trách nhiệm, sai sót quy trình và thậm chí có người giúp sức cho Thành thực hiện hành vi lừa đảo.
Vợ chồng Toàn và Trang cũng được xác định là người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến 2 trong số 26 vụ việc do nhóm Thành và Tùng gây ra, với tổng giá trị 122 tỷ đồng, được chia thành 6 sổ tiết kiệm gửi tại 3 ngân hàng khác nhau.
Số tiền hưởng lãi ngoài với mức 4,2%/tháng được Tùng trả vợ chồng ông Toàn ngay khi cầm sổ tiết kiệm, với thỏa thuận, sau khi hết thời hạn cầm cố, tiền gốc sẽ trả lại cho ông Toàn, số tiền dư từ thu lãi suất do ngân hàng trả sẽ được chuyển cho Tùng. Sự việc vỡ lở và ông Toàn chỉ báo cho Ngân hàng khi hợp đồng vay vốn của nhóm Thành, Tùng hết hạn và không có khả năng trả tiền.
Thủ đoạn của “siêu lừa” Nguyễn Thị Hà Thành
Theo cáo trạng truy tố 25 bị can trong vụ án Nguyễn Thị Hà Thành và đồng phạm "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", khoảng thời gian từ 2016-2018, siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành và đồng phạm đã cấu kết với một số cán bộ ngân hàng giả mạo chữ ký hồ sơ của người gửi tiền để thực hiện 26 vụ lừa đảo, chiếm đoạt hơn 430 tỉ đồng của Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc Dân (NCB), Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Á (VAB) và Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Chúng VN (PVcombank).
|
Thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của "siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành bằng cách tạo lòng tin, viết giấy cam kết |
Thủ đoạn chính là Thành đặt vấn đề vay tiền làm ăn với các đối tượng thông qua quan hệ xã hội bằng hình thức hướng dẫn người có tiền gửi tiền vào các ngân hàng mà Thành có quan hệ với các nhân viên biến chất. Sau đó, người gửi tiền giao sổ tiết kiệm cho Thành cầm và nhận lãi suất cho vay ngoài với mức cao.
Tiếp theo, Thành dùng các pháp nhân doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn ngân hàng. Để có tài sản đảm bảo, Thành và đồng phạm đã giả mạo chữ ký của các nạn nhân, lập giả các giấy tờ có công chứng để hoàn thiện thủ tục vay vốn bằng các tài sản đảm bảo là sổ tiết kiệm mượn của người khác và rút tiền từ ngân hàng.
Để làm được việc này, Thành đã xây dựng cho mình hình ảnh khách hàng VIP của các ngân hàng, có quan hệ thân thiết với nhiều cán bộ các ngân hàng. Đồng thời ngoài xã hội, Thành cũng thể hiện là người làm ăn có tiền, đại gia uy tín.
Tuy nhiên, thực chất, Thành đã làm ăn thua lỗ phải vay tiền lãi suất cao, lấy người sau trả cho người trước nên tạo được mối làm ăn với nhân viên ngân hàng biến chất và lòng tin để vay tiền của người có tiền và ham lãi cao trong xã hội. Từ đó lấy pháp nhân các DN, xây dựng "kịch bản" làm ăn đang cần chứng minh tài chính để đầu tư và sẽ trả lãi ngoài cho chủ sổ tiết kiệm.
Các chủ sổ có niềm tin và ham lãi đã giao sổ cho Thành, Thành làm giả hồ sơ, cầm cố sổ tiết kiệm để rút tiền từ ngân hàng.
Lời giải nào “vạch” sự thật vụ 52 tỷ đồng ở PVcombank?
Ngày 22/1, PVcomBank đã có thông báo về vụ việc chưa giải tỏa sổ tiết kiệm mà ông Toàn và bà Trang gửi tại Ngân hàng.
Theo đó, ông Đặng Nghĩa Toàn và bà Tạ Thị Thu Trang đứng tên trên 3 sổ tiết kiệm, tổng trị giá là 52 tỷ đồng mở tại PVcomBank. Tháng 12/2018, ông Toàn và bà Trang đến Ngân hàng thông báo bị mất sổ tiết kiệm, đồng thời có văn bản gửi cơ quan an ninh điều tra đề nghị xác minh làm rõ. Trong khi đó, 3 sổ của ông Toàn và bà Trang vẫn đang là tài sản đảm bảo cho khoản vay tín dụng của Công ty TNHH Cơ điện và Xây dựng Jeongho Landmark Việt Nam.
|
PVcombank phát đi thông báo về việc 3 sổ tiết kiệm của ông Đặng Nghĩa Toàn có liên quan đến vụ án của Nguyễn Thị Hà Thành |
Nhận thấy vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng, PVcomBank đã có văn bản báo cáo các cơ quan chức năng, đồng thời cung cấp toàn bộ hồ sơ liên quan cho Cơ quan An ninh Điều tra Công an TP. Hà Nội, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội để trình báo và đề nghị điều tra, làm rõ.
Hiện 3 sổ tiết kiệm của ông Toàn và bà Trang mở tại PVcomBank đang là vật chứng của vụ án hình sự “Nguyễn Thị Hà Thành cùng đồng phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản…” theo Quyết định tạm giữ đồ vật, tài liệu số 19 và 21 ngày 4/9/2019 của Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an TP. Hà Nội để phục vụ cho điều tra vụ án.
Đến thời điểm hiện tại, các cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, xử lý vụ việc và chưa có quyết định cuối cùng.
Về đề nghị giải tỏa 3 sổ tiết kiệm như đã nêu của ông Toàn và bà Trang, PVcomBank đã nhiều lần gửi văn bản thông báo tới ông Toàn và bà Trang, trong đó giải thích rõ vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra và Ngân hàng chỉ có cơ sở giải quyết theo Bản án có hiệu lực pháp luật. Khi đó, PVcomBank sẽ xử lý theo đúng phán quyết tại Bản án có hiệu lực (văn bản thông báo gần đây nhất số 24089/PVB-QL&TCTTS ngày 16/12/2020).
Hiện PVcomBank đã và đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng, các cấp có thẩm quyền để cung cấp thông tin, điều tra làm rõ các vấn đề.
Theo cáo trạng, Ngân hàng VAB tố giác ông Đặng Nghĩa Toàn và một số khách hàng biết rõ Nguyễn Thị Hà Thành sử dụng sổ tiết kiệm của mình thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của ngân hàng.
Tuy nhiên, kết quả điều tra xác định chữ ký của ông Toàn trong hồ sơ Thành dùng để thế chấp sổ tiết kiệm vay tiền là giả mạo.
Hiện nay ông Toàn yêu cầu 3 ngân hàng phải trả số tiền đang gửi tiết kiệm tổng cộng là 122 tỷ. Trong khi đó, Thành khai đã trả cho ông Toàn tiền gốc 35 tỷ nên chỉ còn phải trả 87 tỷ đồng.
Viện kiểm sát cho rằng tài liệu điều tra không đủ căn cứ kết luận việc ông Toàn đồng phạm với Thành cầm cố sổ tiết kiệm để chiếm đoạt tiền của VAB cũng như NCB và PVcomBank.
Tuy nhiên, theo cáo trạng cho hay quá trình điều tra đủ căn cứ kết luận vợ chồng ông Toàn cho Thành vay tiền với lãi suất 4,2%/tháng, song cơ quan điều tra cho rằng không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự của ông Toàn về hành vi cho vay nặng lãi.
Hiểu Lam