Còn chưa đầy ba tháng, học sinh khối 9 trên địa bàn TP HCM sẽ bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Đây là thời điểm các trường tăng tốc ôn tập, học sinh (HS) chạy đua ôn thi để chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới.
Năm nay, số lượng HS thi tuyển vào lớp 10 gia tăng đột biến là do hệ quả của “năm sinh vàng” (HS có năm sinh Quý Mùi - dê vàng). Điều này khiến cuộc đua vào lớp 10 ở TP HCM càng trở nên gay gắt.
Năm nay học sinh tăng đột biến
Ông Trịnh Vĩnh Thanh, Phó phòng GD&ĐT quận Gò Vấp, TP HCM, cho biết năm học 2017-2018, toàn quận có 7.407 HS đang theo học lớp 9, tăng nhiều so với năm ngoái. Lấy mức chỉ tiêu tuyển trung bình hằng năm của các trường THPT công lập trên địa bàn quận, Gò Vấp chỉ tuyển khoảng 3.200 HS lớp 10. Do vậy, sẽ có hơn 4.000 HS phải lựa chọn giữa các phương án học tại các trường THPT ở những quận lân cận, các trường THPT dân lập, trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX ) và trường nghề.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT TP.HCM, năm học 2017-2018, số lượng HS lớp 9 là 104.905, tăng gần 21.000 HS so với năm học 2016-2017.
Với số lượng 104.905 HS lớp 9, nếu cùng chọn nguyện vọng vào học lớp 10 thì chỉ có khoảng 78.750 HS trúng tuyển, còn 26.000 HS sẽ theo học các trường dân lập, tư thục hoặc trung tâm GDTX và trung cấp công nghiệp.
Những số liệu trên cho thấy sức nóng của cuộc đua vào lớp 10 công lập năm nay là rất căng.
|
Một tiết học tiếng Anh của học sinh lớp 9, Trường THCS Âu Lạc, quận Tân Bình, TP HCM. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN |
Chạy đua ôn thi và tư vấn nguyện vọng
Để chuẩn bị kỳ thi, HS khối 9 cũng đang gồng mình chạy đua từ học trên lớp cho đến các buổi học thêm tại nhà.
Em NLH, HS lớp 9, Trường THCS Tân Sơn, quận Gò Vấp, cho biết từ năm lớp 8, em đã phải gạt hoạt động ngoại khóa sang một bên, tập trung cho việc học chính khóa để chuẩn bị cho tuyển sinh lớp 10. “Mục tiêu của em là đậu vào Trường THPT Nguyễn Công Trứ, vừa gần nhà lại là trường được xếp tốp đầu của quận” - em H. nói.
Hiện giờ, ngoài giờ học trên lớp, em H. còn học thêm ba môn văn, toán và Anh văn ở bên ngoài. Riêng môn toán, em vừa học ở trung tâm vừa học thêm thầy trong trường. Như thế, một tuần em có bảy buổi học thêm, trong đó ba buổi toán, hai buổi văn, hai buổi tiếng Anh.
Bàn về vấn đề trên, hiệu trưởng một trường THCS ở quận 3 cho biết từ đầu học kỳ II, trường đã tổ chức ôn tập sớm cho HS với tiêu chí dạy đến đâu ôn đến đó. Vị hiệu trưởng này cho hay các lớp được chia theo trình độ của HS. Việc phân hóa trên giúp giáo viên dễ dàng dạy còn HS dễ tiếp cận kiến thức. HS giỏi thì nâng cao trong khi HS kém bám sát kiến thức cơ bản. “Riêng lớp kém, trường tăng cường hai giáo viên trong một buổi dạy. Khi đó, một giáo viên sẽ ôn chính, giáo viên còn lại hỗ trợ cho các em. Giờ đề thi theo hướng mở, gắn với thực tế nên các em cần nhiều thời gian ôn tập” - vị hiệu trưởng nói trên chia sẻ thêm.
Ông Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Võ Trường Toản, quận 1, cho biết đề thi năm nay theo hướng tích hợp nên từ học kỳ I, nhà trường đã tập trung vừa học vừa ôn cho các HS. Đặc biệt, trường đã làm việc với giáo viên để thực hiện công tác tư vấn nguyện vọng cho HS. “Tuy nhiên, công việc này năm nay đòi hỏi cân nhắc kỹ hơn. Lý do là thí sinh tăng hơn so với mọi năm, cộng với chủ trương của TP mỗi năm sẽ giảm 3% HS vào lớp 10 công lập” - ông Khoa nói.
Ngoài ra, ông Khoa cho biết việc chọn nguyện vọng 3 sẽ bị Sở GD&ĐT siết hơn để hạn chế trúng tuyển ảo. Vì thế, năm nay trường sẽ tư vấn kỹ hơn. “Đối với HS yếu, giáo viên sớm hướng các em vào các trường nghề, trung tâm GDTX hay tư thục” - ông Khoa nói.
Siết chặt chọn nguyện vọng
Năm nay Sở GD&ĐT TP HCM sẽ siết chặt việc chọn nguyện vọng của thí sinh. Bởi vào kỳ tuyển sinh năm 2017, theo thống kê của Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng, có đến gần 500 HS chọn nguyện vọng vào các trường THPT tại huyện Cần Giờ và Nhà Bè. Nhiều nguyện vọng trong số này là vô lý, bất khả thi bởi khoảng cách địa lý quá xa, HS không thể đi học. Từ đó dẫn đến việc sau khi có danh sách trúng tuyển, phụ huynh đến xin chuyển trường dù trong quy định tuyển sinh đã ghi rõ thí sinh chỉ thay đổi nguyện vọng duy nhất vào thời điểm Sở công bố thống kê nguyện vọng ban đầu.
Ông NGUYỄN VĂN HIẾU, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM
Theo PHẠM ANH - NGUYỄN QUYÊN/PLo