Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) thông tin thêm về tình hình trẻ em gặp khó khăn do COVID-19 nói chúng, đặc biệt là hoàn cảnh những trẻ em mồ côi.
|
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) (Ảnh: Giáp Tống).
|
- Thưa ông, tới thời điểm này, tình hình về trẻ em mồ côi do COVID-19 trong toàn quốc ra sao?
- Đến ngày 22/10, số liệu cập nhật đã có 2.401 trẻ em bị đại dịch COVID-19 lấy đi cha, mẹ, trong đó có 81 em mất cả cha và mẹ. Phân tích sâu hơn cho thấy, số trẻ em mồ côi cao nhất là ở lứa tuổi trung học cơ sở (từ 11-15 tuổi) là 761 em và thấp nhất ở lứa tuổi trung học phổ thông (từ 16-18 tuổi) là 259 em.
Các tỉnh, thành phố có nhiều trẻ em mồ côi do COVID-19 là TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Tuy nhiên theo thông tin từ địa phương, chúng ta cũng bớt lo lắng phần nào vì tất cả các em đều được sống cùng người thân, chưa có em nào phải vào các cơ sở bảo trợ xã hội.
- Nhiều người bày tỏ sự lo lắng về việc nuôi dưỡng, chăm sóc lâu dài đối với các trẻ mồ côi do COVID-19. Ý kiến của ông như thế nào về sự quan tâm này và thời gian tới cần có thêm chính sách gì cho các em?
- Trẻ em mồ côi là một trong những nhóm trẻ em cần có sự quan tâm chăm sóc, bảo vệ lâu dài hơn trong 14 nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, được quy định trong Luật trẻ em. Chính phủ đã thường xuyên sửa đổi, bổ sung chính sách đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có trẻ em mồ côi.
Theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 1/7/2021), trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, mồ côi cha hoặc mẹ mà không có nguồn nuôi dưỡng thuộc đối tượng hưởng chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng.
Cụ thể, các em dưới 4 tuổi được người thân hoặc gia đình, cá nhân nuôi dưỡng được nhận tổng mức hỗ trợ 1.800.000 đồng/tháng/em; trên 4 tuổi được hưởng mức 1.080.000 đồng/tháng/em. Các em được nhận trợ cấp này đến năm 16 tuổi và nếu các em tiếp tục học phổ thông, học nghề, cao đẳng, đại học thì được trợ cấp đến 22 tuổi.
Đồng thời, các em còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí và được hưởng các chính sách miễn, giảm học phí theo quy định.
Như vậy, cho đến lúc các em trưởng thành, ngân sách Nhà nước đã hỗ trợ các em từ hàng chục và có thể đến hàng trăm triệu đồng mỗi em.
- Trong bối cảnh này, nhiều doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đang hướng về trẻ em gặp khó khăn do đại dịch, đặc biệt là các em mồ côi, ông có đánh giá gì về điều này?
- Thời gian qua, ngay khi những số liệu ban đầu về tình hình trẻ em mồ côi do đại dịch COVID-19 được công bố, nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã vận động, đóng góp các nguồn lực và sáng kiến, như: Việc chăm lo sức khỏe, dinh dưỡng, giảm thiểu những khó khăn tức thời trong cuộc sống của các em đến nhận chăm sóc, hỗ trợ dài hạn. Đây là những điều rất đáng trân trọng.
Trước sự đóng góp cho trẻ em mồ côi đa dạng như vậy, trách nhiệm của chính quyền địa phương, đặc biệt cấp cơ sở cần bảo đảm sự công bằng cho các em, hướng dẫn và điều phối các nguồn vận động xã hội là vô cùng quan trọng. Qua đó không chỉ chăm lo trước mắt mà còn phải hướng tới cùng với chính sách của Nhà nước ổn định cuộc sống lâu dài của mỗi em.
Tôi cho rằng, trẻ em mồ côi, đặc biệt trong bối cảnh COVID-19 còn phải chịu tổn thương nặng nề về sức khỏe tâm thần. Việc thăm hỏi, động viên các em thường xuyên của người thân thích, cộng đồng dân cư, các hội viên, đoàn viên của các tổ chức xã hội ở cấp cơ sở là hết sức cần thiết.
Để trẻ em mồ côi tiếp tục phát triển toàn diện và không bị thiếu hụt năng lực giao tiếp và hòa nhập xã hội, các em cần được chăm sóc trong môi trường gia đình, việc đưa các em vào nuôi dưỡng tại các cơ sở chăm sóc tập trung chỉ là giải pháp sau cùng.
Chính vì vậy, người thân thích của các em cũng cần được hỗ trợ cả về vật chất và kiến thức, kỹ năng để chăm sóc, bảo vệ các em ổn định, lâu dài. Nếu không còn người thân thích thì việc tìm kiếm, kết nối để các cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế các em theo quy định và quy trình pháp lý là rất quan trọng.
Khi những khó khăn, mất mát của đại dịch này từng bước được hàn gắn, không chỉ các em mồ côi do COVID-19 mà gần 26.000 trẻ em mồ côi khác trên cả nước sẽ tiếp tục được cộng đồng xã hội chung tay cùng Nhà nước và chính quyền các cấp chăm lo để các em có được cuộc sống hiện tại và tương lai tốt đẹp.
Nhiều kênh trợ giúp trẻ em
"Bên cạnh đó, các em cũng cần được hướng dẫn để có thể tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội chuyên sâu để phát hiện, sơ cứu những chấn thương tinh thần, như: Sự trợ giúp từ Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, Điện thoại nóng của Nhóm hành động công tác xã hội 1900636700…", ông Đặng Hoa Nam cho biết.