Trong 8 ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2019, số vụ tai nạn giao thông xảy ra ở khắp cả nước là 248, khiến 161 người tử vong, 222 người bị thương, theo báo cáo của Uỷ ban ATGT Quốc gia.
Theo thông tin báo cáo của Văn phòng Bộ Công an, trong ngày 9/2 (mùng 5 Tết) toàn quốc xảy ra 34 vụ tai nạn giao thông, khiến 26 người thiệt mạng, 33 người bị thương. Đường sắt và đường thuỷ nội địa không xảy ra tai nạn giao thông.
|
Tai nạn giao thông diễn biến phức tạp trong những ngày nghỉ Tết. Ảnh: Infornet. |
So với kì nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018 (tính từ ngày 29 Tết đến mùng 5 Tết), năm nay (tính từ ngày 28 Tết đến mùng 4 Tết) cả nước đã xảy ra 214 vụ tai nạn giao thông: 135 người thiệt mạng, 189 người bị thương, giảm 46 vụ (giảm 17,7%), giảm 60 người thiệt mạng (giảm 30,7%), giảm 31 người bị thương (giảm 14,01%). Như vậy, bình quân số người thiệt mạng trong 8 ngày nghỉ Tết Kỷ Hợi 2019 là 20 người/ngày, giảm 8 người thiệt mạng/ngày (giảm 28,5%) so với 7 ngày nghỉ Tết Mậu Tuất 2018.
Lực lượng CSGT tại các địa phương đã phát hiện, kiểm tra, xử lý, lập biên bản 1.532 trường hợp vi phạm: ra quyết định xử phạt với số tiền 516 triệu đồng, tạm giữ 456 phương tiện và 204 giấy tờ các loại.
Lực lượng CSGT đường thuỷ kiểm soát xử lý vi phạm TTATGT, phát hiện lập biên bản 35 trường hợp vi phạm, quyết định xử phạt hành chính 29 triệu đồng.
Theo báo cáo của Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tết (Thông tin do người đưa nạn nhân vào cấp cứu cung cấp cho các cơ sở Y tế, chưa xử lý số liệu trùng lặp do chuyển tuyến).
Tính từ 7 giờ sáng ngày 2/2 đến 7 giờ sáng ngày 8/2/2019, đã đã có 35.366 ca khám, cấp cứu tai nạn giao thông, chiếm 19,4% trong tổng số khám, cấp cứu trong dịp Tết. Trong đó, 12.678 trường hợp phải nằm viện điều trị, theo dõi; 141 trường hợp tử vong tại các bệnh viện (bao gồm cả tử vong trên đường đến bệnh viện)…
Số lượt phản ánh qua các đường dây nóng gần 25 lượt/ngày với nội dung chủ yếu là hành vi vi phạm các quy định liên quan tới kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, tình trạng xe khách chở quá số người quy định, tăng giá vé, bán vé không giữ chỗ cho hành khách, khi phản ánh tình trạng này nhà xe đã đuổi khách khỏi xe giữa đêm. Các thông tin đã được chuyển đến lực lượng chức năng để kiểm tra và xử lý.
Trong những ngày từ mùng 2 đến mùng 5 Tết Kỷ Hợi, tình hình TTATGT diễn biến phức tạp hơn, có xu hướng tăng cao từ ngày mùng 4 Tết.
Nguyên nhân xảy ra tai nạn giao thông chủ yếu là: lái xe sau khi uống rượu bia, vi phạm quy định về tốc độ, không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe mô tô, xe máy. Đối tượng xảy ra tai nạn giao thông phần lớn là người đi xe mô tô, xe gắn máy. Khu vực xảy ra tai nạn giao thông chủ yếu: nông thôn, ngoài đô thị.
Tình trạng ùn ứ kéo dài xảy ra thường xuyên tại các tuyến đường xung quanh đến chùa ở Hà Nội và TP. HCM do người tham gia giao thông tập trung về khu vực này tăng cao.
Theo Linh Chi/SaoStar