Ngày 15/4 sẽ hết hạn cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Trong 14 ngày giãn cách xã hội đã phát huy hiệu quả khi những ngày qua số ca nhiễm mới ít hơn, số ca khỏi bệnh ngày càng nhiều, Việt Nam vẫn đang kiểm soát tốt dịch bệnh.
Tuy nhiên, việc thực hiện cách ly toàn xã hội cũng ảnh hưởng nhiều tới người dân, doanh nghiệp. Dư luận đặt câu hỏi, ngày 15/4 sẽ hết hạn cách ly xã hội, vậy có nên tiếp tục biện pháp quan trọng giúp ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh này?
Tại cuộc họp giao ban trực tuyến với Thủ tướng Chính phủ về tình hình dịch COVID-19 chiều 13/4, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Phó ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 quốc gia cho biết, sau ngày 15/4, Ban chỉ đạo đề nghị Thủ tướng xem xét cho ban hành chỉ thị mới, trong đó xem xét việc thực hiện theo tình hình dịch, tình hình kinh tế mới tại các địa phương.
|
Người dân đồng tình đề xuất nên khoanh vùng để tiếp tục giãn cách xã hội. Ảnh minh họa. |
Theo đó, xem xét thực hiện việc "cách ly xã hội" theo tình hình dịch, tình hình kinh tế từng nhóm địa phương. Cụ thể, phân ra các địa phương có nguy cơ cao thì tiếp tục thực hiện "cách ly xã hội" một tuần sau ngày 15/4. Đối với các địa phương nguy cơ thấp hoặc không có nguy cơ thì dừng giãn cách xã hội, chỉ thực hiện một số biện pháp cần thiết phòng chống dịch.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã tổ chức lấy ý kiến ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 các địa phương về việc thực hiện chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, có 8 địa phương đề nghị giãn cách xã hội đến hết tháng 4 và 2 địa phương đề nghị giãn cách hết tháng 5 nhưng các địa phương còn lại đề nghị giãn cách xã hội đến hết ngày 15/4.
Đề xuất trên của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 nhận được sự đồng tình không chỉ của các chuyên gia y tế mà còn của người dân.
Trao đổi với báo chí, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, đánh giá qua thời gian thực hiện giãn cách xã hội, Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định như các ca mắc COVID-19 mới có xu hướng chững lại, không có sự lan tràn mạnh trong cộng đồng.
Nếu Việt Nam kéo dài giãn cách xã hội, sẽ tiếp tục duy trì được sự khống chế dịch, sẽ không có đỉnh dịch. Tuy nhiên, nếu tiếp tục giãn cách xã hội nhiều vấn đề xã hội có thể nảy sinh như sự phá sản của nhiều công ty, các gia đình gặp khó khăn, tâm lý xã hội, đó là vấn đề cần phải cân nhắc.
Đồng tình với đề xuất sau ngày 15/4 sẽ phân loại các địa phương có nguy cơ dịch bệnh cao để tiếp tục cách ly thêm một tuần, tỉnh nào ít nguy cơ sẽ nới lỏng một số hoạt động, độc giả Trần Thị Mai (Hải Dương) cho rằng đây là chủ trương đúng đắn.
“Trong thời điểm dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới. Tại Việt Nam vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố khó lường, nguy cơ lây nhiễm cộng đồng vẫn hiện hữu thì việc tiếp tục thực hiện các biện pháp ngăn chặn lây nhiễm trong cộng đồng như giãn cách xã hội là rất quan trọng. Tuy nhiên, nếu tiếp tục giãn cách xã hội sẽ ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế, cuộc sống người dân. Do vậy, việc phân loại các địa phương, khoanh vùng để giãn cách là cần thiết”, chị Trần Thị Mai nói.
Chị Mai cho rằng, như Hà Nội, TP HCM và một số địa phương hiện vẫn còn nguy cơ bùng phát dịch bệnh cao việc tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội là cần thiết. Tại một số địa phương chưa có ca nhiễm bệnh, nguy cơ lây nhiễm thấp có thể nới lỏng hơn để kinh tế các địa phương để tiếp tục duy trì, phát triển kinh tế ổn định, giảm được nguy cơ thất nghiệp cho lao động.
Anh Bùi Văn Hòa (Hưng Yên) cho rằng, hiệu quả của cách ly xã hội trong thời gian qua là rõ ràng khi các ca nhiễm mới rất ít, dù không chủ quan, không lơ là khi nguy cơ bùng phát dịch vẫn tiềm ẩn nhưng cũng phải xem xét thấu đáo việc giãn cách xã hội trong thời gian tới.
“Ngoài kiểm soát dịch bệnh cũng cần tính đến những ảnh hưởng về kinh tế, đời sống xã hội. Trước mắt vẫn thực hiện nghiêm các yêu cầu cách ly xã hội đến hết ngày 15/4, sau ngày này sẽ tiếp tục cách ly xã hội ở những địa phương có nguy cơ bùng phát dịch, thậm chí cần siết chặt hơn để tránh lây nhiễm ra cộng đồng, nhất là khi người dân tại các địa phương này đã có biểu hiện chủ quan. Nhưng tại những địa phương không có dịch cần phải được nới lỏng để người lao động được làm việc, tránh cảnh thất nghiệp kéo theo sự ảnh hưởng của đời sống xã hội”, anh Hòa cho biết.
Theo anh Hòa, ngoài việc khoanh vùng giãn cách xã hội đối với các tỉnh, thành cũng cần khoanh vùng giãn cách xã hội tại các địa bàn trong một địa phương. Ví như trong cùng một tỉnh, có thể tiếp tục giãn cách xã hội ở đô thị, nơi đông dân qua lại có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, còn các địa bàn huyện xã khác có thể nới lỏng hơn.
>>> Mời độc giả xem thêm video Kiến nghị cách ly xã hội đến hết tháng 4/2020
Nêu ý kiến về đề xuất trên, ông Trần Nam Hoàng (Hải Phòng) cho rằng, việc khoanh vùng cách địa phương để tiếp tục giãn cách xã hội là hợp lý.
“Biết rằng, nếu nới lỏng cách ly xã hội ở thời điểm này sẽ mang lại những hệ lụy khi nguồn lây chưa được kiểm soát triệt để. Như Thủ tướng mới đây đã nói chúng ta đặt “mục tiêu kép” nhưng ưu tiên lúc này là bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân, không vì lợi ích kinh tế mà coi thường sức khỏe của nhân dân. Tuy nhiên, cũng cần phải đánh giá nguy cơ nếu tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội lên kinh tế - xã hội để có những chủ trương, biện pháp thực hiện cho phù hợp với tình hình thực tế. Do vậy việc khoanh vùng các địa phương có nguy cơ lây nhiễm, bùng phát dịch là cần thiết”, ông Hoàng cho biết.
Theo ông Hoàng, dù có khoanh vùng giãn cách xã hội, nới lỏng ở một số địa phương cũng cần giữa nguyên các biện pháp như người dân không tụ tập đông người, tuân thủ giãn cách trên 2 m, người dân các địa phương vẫn cần phải đeo khẩu trang, tuân thủ các yêu cầu phòng chống dịch bệnh của Bộ y tế.
Tại cuộc họp giao ban trực tuyến với Thủ tướng Chính phủ về tình hình dịch COVID-19 chiều 13/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 xây dựng một số phương án để ngày 15/4 tới đây, Thủ tướng và Thường trực Chính phủ sẽ xem xét, đánh giá toàn diện kết quả việc thực hiện Chỉ thị 16 và những nguy cơ tiềm ẩn của dịch bệnh. Từ đó, sẽ xem xét và quyết định phương án phù hợp nhằm đảm bảo tính mạng, sức khỏe của nhân dân.
Thủ tướng Chính phủ nói rằng, chúng ta không thể chủ quan, tuyệt đối không lơ là, mất cảnh giác. “Chúng ta đặt “mục tiêu kép” nhưng ưu tiên lúc này là bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân, không vì lợi ích kinh tế mà coi thường sức khỏe của nhân dân”.
Do vậy, Thủ tướng yêu cầu việc giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, không tụ tập đông người và các quy định khác cần tiếp tục được thực hiện ở các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là các đô thị lớn.
“Chỉ thị 16 vẫn tiếp tục có hiệu lực trên cả nước. Nếu lơi lỏng sẽ vỡ trận, xóa đi thành quả mà Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị và nhân dân đã dày công xây dựng suốt vài tháng qua”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng nhắc lại những nguyên tắc như khóa chặt từ bên ngoài, khoanh vùng dập dịch nhanh ở bên trong. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm ở địa phương của mình, trong ngành của mình, tại cơ sở sản xuất kinh doanh nếu được phép mở theo quyết định của Chủ tịch UBND địa phương.
Tâm Đức