Vừa qua (ngày 9/9), Bộ GD&ĐT đã hủy bỏ quyết định về việc thành lập Hội đồng kỷ luật công chức và Thông báo về việc xem xét xử lý kỷ luật công chức đối với 13 công chức của Bộ GD&ĐT. Số công chức này được cho có liên quan đến vụ gian lận điểm thi năm 2018 tại Hà Giang, Hòa Bình và Sơn La.
|
Trụ sở Bộ Giáo dục và Đào tạo. |
10 ngày trước đó, (30/8), Bộ GD&ĐT lại có văn bản nêu rõ: Tại kỳ thi THPT quốc gia 2018 và tuyển sinh đại học hệ chính quy, tuyển sinh cao đẳng, trung cấp các nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy đã xảy ra tiêu cực và gian lận thi cử trong việc tổ chức chấm thi ở Hội đồng thi tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hoà Bình, dẫn đến tâm lý lo ngại trong học sinh và bức xúc trong dư luận xã hội.
Qua những sai phạm xảy ra ở 3 địa phương, Bộ nhận thấy còn có những thiếu sót về công tác xây dựng, ban hành văn bản và chỉ đạo tổ chức kỳ thi; công tác tập huấn, quán triệt quy chế thi; công tác tổ chức chấm trắc nghiệm và công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát.
Căn cứ quy định tại khoản 1, điều 3 và khoản 2, điều 6 nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17-5-2011 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thông báo xem xét kỷ luật đối với 13 người. Thời hạn xử lý kỷ luật theo quy định tại điều 7, nghị định 34/2011/NĐ-CP.
Cũng theo Bộ GD&ĐT, thời điểm vi phạm là tháng 6/2018, thời điểm phát hiện vi phạm là 29/7/2019. Các cán bộ của Bộ GD&ĐT đưa vào xem xét gồm nhiều vụ trưởng, cục trưởng, chánh thanh tra.
|
Vụ gian lận điểm trong kỳ thi THPT năm 2018 gây nhức nhối trong dư luận. |
Theo thông tin trên báo Tuổi Trẻ, một cán bộ thanh tra của Bộ GD&ĐT cho biết: vì thanh tra Bộ GD&ĐT có 6/13 người rơi vào danh sách xem xét kỷ luật, bao gồm cả chánh và phó chánh thanh tra nên họ có kiến nghị bằng văn bản gửi bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Trong bản kiến nghị này họ nêu việc mình bị xem xét kỷ luật nhưng "không rõ hành vi vi phạm là hành vi nào, vi phạm điều nào trong văn bản nào?". Về thủ tục, Bộ GD&ĐT đã không xác minh, đánh giá theo trình tự, quy trình đúng với quy định về xem xét kỷ luật tại nghị định số 34/2011/NĐ-CP của Chính phủ. Vì thế, các cán bộ đề nghị bộ trưởng phải ra quyết định rút lại các văn bản xem xét kỷ luật đối với 13 cán bộ.
Bên cạnh đó, lý do Bộ GD&ĐT rút lại các văn bản xem xét kỷ luật cán bộ do các văn bản này chưa đảm bảo chặt chẽ về mặt pháp lý. Các văn bản bao gồm quyết định thành lập hội đồng kỷ luật và thông báo xem xét kỷ luật được Bộ GD&ĐT xếp vào loại "văn bản nội bộ chưa thực hiện".
>>> Xem thêm: Tại sao gian lận điểm thi ở Sơn La tinh vi hơn Hà Giang?
Danh sách 13 công chức bị xem xét kỷ luật gồm:
1. Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng.
2. Ông Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng.
3. Ông Nguyễn Duy Kha, Trưởng phòng Quản lý thi, Cục Quản lý chất lượng
4. Ông Hà Xuân Thành, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm khảo thí quốc gia, Cục Quản lý chất lượng.
5. Ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục công nghệ thông tin.
6. Ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra.
7. Ông Tống Duy Hiến, Phó Chánh thanh tra.
8. Ông Trịnh Minh Trường, Phó Trưởng phòng thanh tra chuyên ngành.
9. Ông Lê Văn Vương, Phó Trưởng phòng thanh tra hành chính.
10. Bà Thẩm Thị Minh Hằng, Thanh tra viên.
11. Ông Nguyễn Ngọc Chính, Thanh tra viên.
12. Bà Lê Thị Kim Dung, Vụ trưởng vụ Pháp chế.
13. Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng vụ giáo dục trung học.
Quý An