11 giảng viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn nói về lý do nghỉ việc

Google News

11 giảng viên khoa Hàn Quốc học đồng loạt nghỉ việc vì không chấp nhận cách làm việc, hành xử của trưởng khoa. Họ cho rằng nhà trường đã không giải quyết vụ việc thấu đáo.

11 giảng viên khoa Hàn Quốc học, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã có đơn gửi Zing liên quan những bức xúc đối với trưởng khoa Hàn Quốc học và cách giải quyết vấn đề của nhà trường.
Họ đều là giảng viên cơ hữu, trong đó có phó khoa và 3 quyền trưởng bộ môn, thâm niên làm việc từ 5-23 năm, đồng loạt xin nghỉ việc.
11 giang vien DH Khoa hoc Xa hoi va Nhan van noi ve ly do nghi viec
Một lễ hội văn hóa Hàn Quốc tại ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, được khoa Hàn Quốc học tổ chức. Ảnh: HCMUSSH. 
Bức xúc cách làm việc của trưởng khoa
Ngày 2/3, đại diện nhóm giảng viên cho biết họ không thể làm việc trong môi trường giáo dục thiếu dân chủ và không đoàn kết như khoa Hàn Quốc học hiện nay. Những bức xúc về cách làm việc của trưởng khoa đã kéo dài, âm ỉ từ năm 2018. Các giảng viên trong khoa đã nhiều lần ý kiến với nhà trường nhưng không được giải quyết.
"Không có chuyện chúng tôi xin nghỉ việc vì không đồng tình với quy định đi trễ 15 phút trong cuộc họp”, đại diện nhóm giảng viên nói.
Theo những giảng viên này, từ khi trưởng khoa Hàn Quốc học hiện nay về làm việc (năm 2016), bà xử lý công việc chuyên quyền, thiếu dân chủ, không đúng nguyên tắc, quy định cũng như thiếu năng lực trong quản lý, không lắng nghe ý kiến đóng góp, xây dựng của giảng viên. Trưởng khoa được bổ nhiệm “thần tốc”. Năm 2003, người này về làm việc tại khoa nhưng sau đó bà sang Hàn Quốc học tập, sinh sống, lấy quốc tịch Hàn Quốc đến năm 2016 mới trở lại khoa. Đến tháng 1/2018, bà được giao phụ trách khoa Hàn Quốc học. Tháng 6/2018, bà được bổ nhiệm làm trưởng khoa.
Trong khi đó, theo quy định tại khoản 2, điều 9, Quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học thành viên và khoa trực thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM, tiêu chuẩn với trưởng khoa là phải có ít nhất 3 năm tham qua quản lý từ cấp khoa, phòng hoặc tương đương trở lên của cơ sở giáo dục đại học. Trưởng khoa phải có trình độ trung cấp lý luận chính trị - hành chính hoặc trung cấp lý luận chính trị và chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước theo quy định.
“Đến thời điểm bổ nhiệm, người này chưa đủ thâm niên kinh nghiệm theo quy định đối với vị trí trưởng khoa. Hơn nữa, bà ấy không có bất kỳ chứng chỉ nào về lý luận chính trị hay bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước”, đại diện nhóm giảng viên nói.
Ngoài ra, trong quá trình làm việc, trưởng khoa tự đưa ra các quy định bình chọn, đánh giá giảng viên mà không thông báo trước như đi họp trễ 15 phút coi như vắng, vắng họp vài buổi bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ, đơn phương thay đổi lịch họp định kỳ của khoa.
Một giảng viên cho biết với những người có ý kiến khác với mình, trưởng khoa mời họp riêng nhưng không lắng nghe "mà hỏi những chuyện cá nhân, vì sao cứ hay đưa ra ý kiến ngược".
Các giảng viên phủ nhận thông tin tố cáo thầy giáo cũ mở văn phòng công ty tại văn phòng khoa. Họ phản ánh việc 2 nhân viên của công ty (do thầy giáo cũ người Hàn Quốc mở) sử dụng văn phòng khoa như của công ty. Hai người này có chìa khóa văn phòng, trong khi giảng viên không có.
Đại diện nhóm giảng viên cho biết nhà trường, khoa Hàn Quốc học và các giảng viên đã có 4 buổi gặp mặt để trao đổi. Nhưng vụ việc không được ban giám hiệu nhìn nhận đúng bản chất, không giải quyết thấu đáo nên họ buộc phải gửi đơn kiến nghị lên Thanh tra Chính phủ.
Trong đơn gửi Thanh tra Chính phủ, nhóm giảng viên phản ánh 23 vấn đề liên quan cá nhân trưởng khoa và khoa Hàn Quốc học. Theo kết quả xác minh của trường, 5 vấn đề giảng viên kiến nghị đúng, 7 vấn đề đúng một phần và 11 vấn đề không đúng.
Nhóm giảng viên cho rằng trường xác minh không đúng quy trình, kết luận phiến diện, ảnh hưởng danh dự của họ. Đến nay, nhóm giảng viên đã gửi đơn kiến nghị đến Thanh tra Chính phủ lần thứ hai, đang chờ được giải quyết.
11 giang vien DH Khoa hoc Xa hoi va Nhan van noi ve ly do nghi viec-Hinh-2
11 giảng viên cùng nghỉ việc được cho là sự việc chưa từng có ở ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM). Ảnh: HCMUSSH. 
Trường khẳng định bổ nhiệm đúng
Trả lời Zing chiều 1/3, lãnh đạo Phòng Tổ chức - Cán bộ, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), khẳng định trường đã làm đúng quy trình bổ nhiệm trưởng khoa Hàn Quốc học.
Tiêu chuẩn của trưởng khoa được quy định: Phải có trình độ tiến sĩ phù hợp ngành, chuyên ngành đào tạo tại khoa, có đủ tiêu chuẩn giảng viên giảng dạy trình độ đại học, có kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu khoa học và năng lực quản lý. Nhiệm kỳ của trưởng khoa theo nhiệm kỳ của hiệu trưởng và có thể được bổ nhiệm lại. Trưởng khoa có nhiệm kỳ 5 năm và không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp. Độ tuổi bổ nhiệm nhiệm kỳ đầu của trưởng khoa không quá 55 đối với nam và không quá 50 đối với nữ, tính đến tháng thực hiện quy trình bổ nhiệm.
Về quy trình bổ nhiệm trưởng khoa, nhà trường dựa trên các quy định về bổ nhiệm viên chức quản lý thuộc thẩm quyền của hiệu trưởng, việc đáp ứng tiêu chuẩn của cá nhân và tình hình thực tế của đơn vị và nhà trường.
Quy trình bổ nhiệm trưởng khoa được triển khai công khai, minh bạch tới toàn thể viên chức - người lao động của trường, dưới sự giám sát của Đảng ủy, Ban giám hiệu, Công đoàn trường, đại diện Ban chủ nhiệm khoa đương nhiệm, đại diện Chi ủy, Chủ tịch Công đoàn bộ phận khoa, đại diện Phòng Tổ chức - Cán bộ và sự tham gia của toàn thể viên chức - người lao động trong khoa.
Lãnh đạo phòng Tổ chức - Cán bộ cho biết nhóm giảng viên dẫn Quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học thành viên và khoa trực thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM do Đại học Quốc gia TP.HCM ban hành để nói về tiêu chuẩn bổ nhiệm trưởng khoa là không đúng.
"3 năm kinh nghiệm quản lý là điều kiện áp dụng đối với trưởng khoa của khoa trực thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM, do giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM bổ nhiệm. Điều kiện này không áp dụng đối với khoa trực thuộc trường, trưởng khoa do trường bổ nhiệm", lãnh đạo Phòng Tổ chức - Cán bộ giải thích.
Người này cũng thông tin thêm bên cạnh việc đáp ứng tiêu chuẩn chung về phẩm chất đạo đức, năng lực, độ tuổi, sức khỏe, trưởng khoa Hàn Quốc học hoàn toàn đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn để được bổ nhiệm theo quy định như: Tốt nghiệp tiến sĩ chuyên ngành Giáo dục tiếng Hàn và thạc sĩ chuyên ngành Hàn Quốc học tại Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc.
Trưởng khoa Hàn Quốc học cũng có đầy đủ văn bằng chứng chỉ theo tiêu chuẩn của giảng viên giảng dạy trình độ đại học, như chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản.
Về thâm niên giảng dạy và năng lực nghiên cứu khoa học, từ năm 2003 đến nay, trưởng khoa tham gia giảng dạy tại khoa Hàn Quốc học (tiền thân là bộ môn Hàn Quốc học tại khoa Đông Phương học), thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, tham gia xuất bản sách và có nhiều bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí uy tín trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, trưởng khoa Hàn Quốc học còn có kinh nghiệm quản lý ở vị trí trưởng bộ môn và phó trưởng khoa phụ trách khoa trước khi được bổ nhiệm trưởng khoa.
Trước khi bổ nhiệm, trường có lấy phiếu tín nhiệm đối với những người được giới thiệu vào vị trí trưởng khoa Hàn Quốc học. Trưởng khoa hiện nay là người có số phiếu tín nhiệm cao nhất trong số những người được giới thiệu.
"Việc lấy phiếu tín nhiệm khi bổ nhiệm đã được báo cáo ĐH Quốc gia TP.HCM. ĐH Quốc gia TP.HCM cũng kiểm tra quy trình, số phiếu tín nhiệm và khẳng định ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn đã làm đúng quy trình. Những người nghỉ việc cũng tham gia quá trình bỏ phiếu tín nhiệm khi bầu trưởng khoa", lãnh đạo Phòng Tổ chức - Cán bộ thông tin.
Lãnh đạo Phòng Thanh tra - Pháp chế - Sở hữu trí tuệ, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), khẳng định trong vụ việc này, trường đã làm đúng trình tự: Hòa giải, đối thoại, hướng dẫn gửi đơn kiến nghị cho nhà trường để có căn cứ xử lý.
Tuy nhiên, nhà trường không nhận được văn bản kiến nghị phản ánh. Các giảng viên đã gửi đơn kiến nghị đến Thanh tra Chính phủ. Khi nhận được đơn chuyển của Thanh tra Chính phủ, nhà trường đã thành lập tổ xác minh để giải quyết sự việc theo đúng quy định.
Tổ xác minh đã xem xét cụ thể, căn cứ các quy định để xác định những vấn đề được phản ánh là đúng, đúng một phần hay sai. Kết quả xác minh đã được báo báo với ĐH Quốc gia TP.HCM và Thanh tra Chính phủ.
Hiện, các giảng viên này kiến nghị lần thứ hai lên Thanh tra Chính phủ. Thanh tra Chính phủ đã chuyển đơn cho ĐH Quốc gia TP.HCM thụ lý và đang trong quá trình giải quyết.
Ngày 25/1, 12 giảng viên khoa Hàn Quốc học nộp đơn xin nghỉ việc tập thể với lý do không đồng ý với những kết luận của nhà trường về nội dung phản ánh đối với trưởng khoa Hàn Quốc học. Sau khi tiếp nhận đơn, nhà trường yêu cầu mỗi giảng viên làm lại đơn nghỉ việc theo nguyện vọng cá nhân. Sau đó, 11 giảng viên nộp đơn nghỉ việc.
Ba trong số 11 giảng viên đã nghỉ, những người còn lại sẽ nhận được quyết định chấm dứt hợp đồng làm việc đầu tháng 3.
ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết đã tuyển dụng xong đội ngũ giảng viên thay thế cho những người nghỉ việc.

Theo Minh Nhật/Zing