100.000 cán bộ tinh giản: Ngân sách chi bao nhiêu tiền hỗ trợ? (kỳ 1)

Google News

Khoảng 100.000 cán bộ rời khu vực nhà nước do tinh gọn tổ chức bộ máy. Dư luận quan tâm tới các chính sách, chế độ hỗ trợ tài chính, việc làm cho số cán bộ dôi dư.

Lời tòa soạn: Do tác động của tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị, khoảng 100.000 lao động rời khỏi khu vực nhà nước trong giai đoạn tới. Với số lượng lớn cán bộ bị ảnh hưởng, đòi hỏi mức chi ngân sách lớn cho chính sách hỗ trợ họ, song hành cùng việc đảm bảo quá trình hỗ trợ diễn ra công bằng, hiệu quả, hợp lý, minh bạch. Đồng thời, phải đảm bảo rằng việc hỗ trợ không chỉ dừng lại ở mặt tài chính mà còn cần các chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, tạo ra cơ hội việc làm mới cho những cán bộ không còn tiếp tục công tác trong bộ máy nhà nước. Không để cán bộ trong diện tinh giản phải đối diện với khó khăn, bất an trong quá trình chuyển đổi nghề nghiệp.

Những chế độ hỗ trợ cán bộ trong diện tinh gọn
“Giai đoạn tới sẽ có khoảng 100.000 lao động rời khỏi khu vực nhà nước do tác động của tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị”, Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại hội nghị triển khai công tác năm 2025 của Chính phủ ngày 8/1.
Để thực hiện tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết 18 đạt hiệu quả cao, cùng với việc tinh gọn bộ máy của cả hệ thống chính trị, Trung ương, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, chế độ đặc thù vượt trội, đảm bảo quyền lợi của cán bộ, công chức, người lao động dôi dư. Đây không chỉ là nguồn động viên với những cán bộ diện tinh giản mà còn đảm bảo ổn định cuộc sống của họ khi rời khỏi khu vực nhà nước.
100.000 can bo tinh gian: Ngan sach chi bao nhieu tien ho tro? (ky 1)
Ảnh minh họa. 
Theo ông Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Nội vụ, ngày 31/12/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 178 về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Sau 2 tuần, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư 01 hướng dẫn thực hiện Nghị định 178.
Hiện nay, Bộ Tài chính đã xin ý kiến các bộ và đang hoàn thiện để sớm ban hành Thông tư làm cơ sở thực hiện sắp xếp.
100.000 can bo tinh gian: Ngan sach chi bao nhieu tien ho tro? (ky 1)-Hinh-2
Chánh văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh thông tin về chế độ đối với cán bộ thuộc diện tinh gọn. 
Nói về số tiền hưởng thực tế đối với mỗi người, theo quy định tại Nghị định 178 và Thông tư 01, ông Vũ Đăng Minh cho biết, người nghỉ được chi trả với các mức khác nhau. Số tiền căn cứ vào lương thực tế đang hưởng và căn cứ vào số tháng được nghỉ đến thời điểm đó. Đồng thời căn cứ vào tại thời điểm nghỉ, trong khoảng thời gian 12 tháng kinh phí cao hơn, quá 12 tháng mức kinh phí thấp hơn. Do đó số tiền hưởng phụ thuộc vào từng người căn cứ vào quy định pháp luật.
Nghị định 178 có hiệu lực từ 1/1/2025 quy định chế độ, chính sách cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Chính sách nghỉ hưu trước tuổi áp dụng với người tuổi đời cách tuổi hưu tối đa 10 năm trong điều kiện làm việc bình thường, tối đa 5 năm tại vùng đặc biệt khó khăn, đủ thời gian đóng BHXH bắt buộc. Những người này sẽ được hưởng các chế độ hỗ trợ gồm trợ cấp hưu trí một lần cho thời gian nghỉ sớm; hưởng lương hưu mà không bị trừ tỷ lệ...
Cán bộ, công chức có tuổi đời còn hơn 2 năm đến tuổi nghỉ hưu và không đủ điều kiện hưởng chính sách, chế độ nghỉ hưu trước tuổi, nếu nghỉ thôi việc thì được hưởng 4 chế độ gồm trợ cấp thôi việc; trợ cấp 1,5 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm công tác có đóng BHXH bắt buộc; bảo lưu thời gian đóng hoặc hưởng BHXH một lần; trợ cấp 3 tháng tiền lương hiện hưởng để tìm việc làm.
Viên chức và người lao động nghỉ thôi việc được hưởng 4 chế độ như cán bộ, công chức nghỉ thôi việc, khác ở chế độ thứ 4 là nhóm này được hưởng trợ cấp thất nghiệp do Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp chi trả.
Ngân sách để chi trả, hỗ trợ cán bộ thuộc diện tinh gọn
Để hỗ trợ chế độ, chính sách với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Bộ Nội vụ dự kiến cần 130.000 tỷ đồng. Trong đó, 111.000 tỷ đồng kinh phí chi trả chính sách, chế độ đối với cán bộ; 4.000 tỷ đồng kinh phí chi trả chính sách, chế độ đối với người lao động; 9.000 tỷ đồng kinh phí chi trả chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức cấp xã; 4.000 tỷ đồng kinh phí đóng bảo hiểm xã hội và 2.000 tỷ đồng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng.
Bộ Nội vụ tính toán, việc thực hiện tinh giản biên chế sẽ làm giảm chi thường xuyên và giảm kinh phí từ ngân sách nhà nước để đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn cho cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc; giảm 10% quỹ tiền thưởng. Trong 5 năm, ngân sách nhà nước dự kiến tiết kiệm chi khoảng 113.000 tỷ đồng.
Theo ông Vũ Đăng Minh, trong 5 năm, dự kiến nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước chi trả chính sách, chế độ đối với các trường hợp nghỉ hưu và thôi việc vẫn thấp hơn nguồn kinh phí do ngân sách Nhà nước chi trả tiền lương và các khoản chi khác nếu họ tiếp tục làm việc. Như vậy vẫn đảm bảo cân đối được nguồn để chi trả.
Tại cuộc họp báo ngày 14/1 tại Hà Nội, ông Đỗ Ngọc Thọ, Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm xã hội Việt Nam khi nói về lo ngại chính sách tác động tới Quỹ Bảo hiểm xã hội do giảm năm đóng, tăng thời gian chi cho người về sớm, đã dẫn Nghị định 178/2024 quy định Bộ Tài chính có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan Bảo hiểm xã hội tính toán khoản ngân sách nhà nước phải đảm bảo tương đương với số tiền đóng vào quỹ.
Ông Thọ khẳng định, nguồn kinh phí ngân sách vẫn đảm bảo và cho biết, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và luật sửa đổi quy định Nhà nước bảo hộ Quỹ Bảo hiểm xã hội nên nguồn tiền đảm đương được cho người về hưu sớm mà không bị ảnh hưởng nhiều.
Đối với lao động không phải là công chức, viên chức nghỉ việc do tinh gọn bộ máy sẽ hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp. Kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp còn hơn 60.000 tỷ đồng, đảm bảo khả năng chi trả cho những người chấp nhận "hy sinh" về sớm để tinh gọn bộ máy.
Thông tư số 07 do Bộ Tài chính ban hành ngày 24/1 hướng dẫn việc xác định nguồn kinh phí và việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện chính sách tại Nghị định số 178/2024/NĐ-CP.
Theo đó, cơ quan, đơn vị sử dụng nguồn dự toán ngân sách chi thường xuyên được giao hàng năm để chi trả: Kinh phí bảo lưu mức lương chức vụ cũ hoặc phụ cấp chức vụ lãnh đạo cũ đến hết nhiệm kỳ bầu cử hoặc hết thời hạn bổ nhiệm đối với cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc được bầu cử, bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thấp hơn do sắp xếp tổ chức bộ máy; Kinh phí tiếp tục trả nguyên tiền lương hiện hưởng (bao gồm cả các khoản phụ cấp lương) theo vị trí việc làm trước khi được cơ quan, tổ chức, đơn vị cử đi tăng cường đi công tác ở cơ sở; Chính sách nâng bậc lương; Chi tiền thưởng cho các đối tượng.
Thông tư cũng nêu rõ, ngân sách nhà nước bố trí kinh phí để thực hiện các chính sách, chế độ còn lại (ngoài các chế độ nêu trên) tại Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 12, Điều 15 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP.
Theo đó, đối với đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang thuộc phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương thì ngân sách trung ương đảm bảo. Đối với các đối tượng cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, công chức cấp xã và người lao động thuộc, trực thuộc các đơn vị do địa phương quản lý, kinh phí thực hiện chế độ, chính sách được tổng hợp vào nhu cầu cải cách tiền lương của địa phương.
100.000 can bo tinh gian: Ngan sach chi bao nhieu tien ho tro? (ky 1)-Hinh-3
Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp 
Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, trong đợt tinh giảm biên chế các cán bộ công chức, viên chức, sắp xếp lại tổ chức bộ máy gọn nhẹ, hiệu quả. Đây là vấn đề rất lớn, quan trọng. Có thể nói đây là cuộc cách mạng lớn về tổ chức bộ máy cũng như về biên chế. “Tôi hy vọng sau cuộc cách mạng này sẽ mang lại hiệu quả thiết thực, bộ máy sẽ gọn nhẹ, con người làm việc năng động, sáng tạo, hiệu quả và có chất lượng lớn. Mục đích cuối cùng là phục vụ tốt cho quốc dân, người dân”, đại biểu Hòa nêu ý kiến.
Tuy nhiên, đã là con người khi đụng tới quyền lợi, tư tưởng, cần các chế độ chính sách ưu việt, mang tính đột phá cao để giải quyết chế độ đối với lượng cán bộ dôi dư để họ có cuộc sống mưu sinh, ổn định cuộc sống.
“Số tiền dự kiến lên đến 130 nghìn tỷ hỗ trợ chế độ, chính sách với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy không phải là nhỏ. Tôi nghĩ, Trung ương, Chính phủ cũng có các biện pháp để cân đối chi hàng năm để đảm bảo nguồn thu này. Dù phải chi ra số tiền hỗ trợ lớn, nhưng sau khi tinh gọn, giảm được số lượng biên chế trên, Nhà nước không còn phải trả lương cho các đối tượng này nữa nên sẽ giảm chi thường xuyên hàng năm. Tôi tin rằng, Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ ngành có liên quan sẽ trình Quốc hội báo chi nguồn này để đảm bảo về lâu về dài ổn định. Nguồn chi của Nhà nước có khó khăn, nhưng sẽ chi giải quyết chính sách chế độ cho các cán bộ diện tinh giảm, đảm bảo cho đầu tư phát triển, đảm bảo an sinh xã hội cho đất nước từ đây đến 5 năm sau”, ông Hòa nói.
 
Hải Ninh