1. TRƯƠNG VĂN CAM (NĂM CAM)
Năm Cam (tên khai sinh: Trương Văn Cam; 22.4.1947 – 3.6.2004) là một trùm tội phạm có tổ chức khét tiếng ở Việt Nam, đặc biệt là tại thành phố Hồ Chí Minh. Năm Cam là bị cáo chính trong Vụ án Năm Cam và đồng bọn (chuyên án Z5.01) nổi tiếng Việt Nam. Năm Cam và băng nhóm của mình trong quá trình bảo kê các nhà hàng karaoke và các tụ điểm đánh bạc ở thành phố Hồ Chí Minh đã phạm vào nhiều tội hình sự.
Tháng 10 năm 2003, ông trùm xã hội đen khét tiếng nhất này bị tòa án Việt Nam tuyên mức án chung là tử hình với 7 tội danh gồm "giết người, hối lộ, cố ý gây thương tích, đánh bạc, tổ chức đánh bạc, che giấu tội phạm, tổ chức đưa người khác trốn đi nước ngoài", đến ngày 3 tháng 6 năm 2004 thì bị thi hành án tử hình. Vụ xét xử Năm Cam và đồng bọn đã gây sự chú ý của dư luận Việt Nam và trên thế giới. Số lượng tội phạm ra hầu tòa là 156, ở mức kỷ lục. Phiên xử sơ thẩm kéo dài từ tháng 2 đến tháng 6 năm 2003 với bản án dài hàng trăm trang. Việc phá được vụ án Năm Cam được báo giới và chính quyền Việt Nam công nhận là một chiến công lớn trong phòng chống tội phạm. Bên cạnh đó vụ án cũng được coi là mang ý nghĩa chống tham nhũng.
2. TRẦN QUỐC SƠN (SƠN BẠCH TẠNG)
Trần Quốc Sơn, kẻ mà Năm Cam từng tuyên bố với Dung Hà: “Nếu cô có ý định bắn Sơn thì hãy bắn anh trước”.
Sơn ăn mặc lịch sự, sang trọng, dáng vẻ thư sinh… nhưng đã có 4 tiền án, 6 tiền sự và hai lần bị tập trung cải tạo. Quê gốc của Sơn “bạch tạng” ở phường Phương Liệt, Thanh Xuân nhưng sau đó chuyển về phố Ngô Thì Nhậm sinh sống. Là con út trong một gia đình nề nếp nhưng từ nhỏ Sơn đã quậy phá, ngỗ ngược và liên tục bị chính quyền địa phương tập trung cải tạo. Mới 15 tuổi, Sơn đã bị công an quận Hoàn Kiếm bắt vào vì tội móc túi (năm 1977). Đến ngày 20.3.1978, Sơn tiếp tục bị tra tay vào còng cũng về tội “hai ngón”. Ngày 19.1.1979, TAND quận Hoàn Kiếm xử Sơn 8 tháng tù, 12 tháng thử thách. Đến ngày 16.3.1980, Sơn lại tiếp tục bị bắt về tội danh trên. Không những thế, khi còn trẻ, ông trùm này còn rất nổi tiếng vì “máu lạnh” trong những cuộc đánh lộn, đâm chém.
Trước những hành vi phạm tội liên tiếp đó của Sơn, chính quyền địa phương buộc phải lập hồ sơ đưa đi cải tạo tại trại Thanh Lâm, Thanh Hoá. Ngoài bản lĩnh do những ân oán giang hồ tạo nên, Sơn còn được đàn em hết sức nể phục vì sự điềm đạm, ăn nói khéo léo nhẹ nhàng và tính cách “nhất ngôn cửu đỉnh”. Đã nói là làm và đã làm là hết mình nên Sơn được đàn em nể trọng không kém gì Thắng. Hơn nữa, ít ai thấy Sơn nói tục chửi bậy, uống rượu, không bao giờ sử dụng ma tuý nhưng đã ra tay thì hết sức lạnh lùng.
Ngày 16.3.2002, Đội đặc nhiệm, Phòng Cảnh sát hình sự bắt Sơn ngay tại đầu ngõ Lương Sử A và di lý ông trùm đao búa này vào miền Nam phục vụ việc điều tra mở rộng các vụ án liên quan…
3. LÊ VĂN ĐẠI (ĐẠI CATHAY)
Đại Cathay tên thật là Lê Văn Đại, là trùm du đãng Sài Gòn thập niên 1960, là nhân vật số một trong "Tứ đại thiên vương" của giới tội phạm tại Sài Gòn trước năm 1975: Đại - Tỳ - Cái - Thế. Lê Văn Đại sinh năm 1940. Hắn sớm bỏ học, đánh giày, bán báo tự nuôi thân tại khu vực ngã tư Công Lý (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa) – Nguyễn Công Trứ. Tại đó có 1 rạp chiếu bóng tên là Cathay, nên gọi là Đại Cathay.
Đầu những năm 1960, Đại Cathay mới 20 tuổi và đã trở thành một ông trùm khét tiếng. Đại nhận bảo kê hầu hết nhà hàng khách sạn, động mại dâm, tiệm hút chích, sàn nhảy ở khu vực Quận 1. Cũng trong thời gian này Đại Cathay hợp tác với Bảy Si mở nhiều sòng bài để thu tiền xâu. Chuẩn tướng Nguyễn Ngọc Loan, giám đốc Nha cảnh sát Đô Thành là người quyết liệt trong việc bài trừ du đãng, ông lập ra Trung tâm Bài trừ Du đãng, trụ sở đặt tại quận Thủ Đức, sát cầu Bình Triệu và Biệt đội Hình cảnh nhằm tiêu diệt tội phạm; cử người thân cận của mình là đại úy Trần Kim Chi làm đội trưởng.
Trần Kim Chi bị tử nạn một cách bất ngờ, một chiếc xe tải chở gỗ đã tông thẳng vào xe của ông khiến thiệt mạng. Những lời đồn đại về một vụ mưu sát do Đại Cathay cầm đầu đã khiến tướng Nguyễn Ngọc Loan tức giận, ông ra lệnh bắt giam Đại Cathay với tội danh "du đãng đặc biệt". Ngày 28.11.1966, Đại Cathay bị tống lên máy bay vận tải C47 đưa ra giam giữ tại đảo Phú Quốc. Là một tên tội phạm vốn quen tự do, Đại vạch ra kế hoạch vượt ngục. Tiền và vàng từ ngoài đất liền được vợ và đàn em chu cấp. Đại quyết định trốn trại với lời hứa giúp đỡ của một vài viên sĩ quan bảo an trong trại. Rạng sáng ngày 7.1.1967, Đại và các đàn em khác tiến hành trốn trại. Bị phát hiện, Đại Cathay và đàn em thân tín nhất của mình chạy ngược lên phía núi Tượng của đảo Phú Quốc. Kể từ đó, không ai còn thấy Đại Cathay.
4. LÊ NGỌC LÂM (LÂM CHÍN NGÓN)
Lâm Chín ngón tên thật là Lê Ngọc Lâm. Trong một lần liều chết để cứu “chủ tướng” là Đại Cathay, Lâm đã bị đối phương chém rùng 1 ngón tay, hai bàn tay chỉ còn lại 9 ngón, vì vậy mà có biệt danh“Lâm Chín ngón”. Cuối năm 1969, Lâm"chín ngón" trở thành một tên cướp khét tiếng. Gã phóng xe 67 đi cướp giật của những người mới từ ngân hàng đi ra với túi xách tiền. Số tài sản hắn cướp được có khi lên đến hàng trăm cây vàng. Tất cả hắn đều đổ vào những thú vui chơi bời, trác táng, hết tiền lại đi cướp. Năm 1970, Lâm "chín ngón" bị tóm cổ tống vào tù.
Trong tù, Lâm "chín ngón" thể hiện bản lĩnh của một tay xã hội đen khi lần lượt ra tay với tướng cướp nổi tiếng Điền Khắc Kim, hạ sát Chương "khùng" và đâm Cương võ sĩ trúng tim khiến gã giang hồ tử vong tại chỗ. Năm 1988, Lâm "chín ngón" được trả tự do sau gần 20 năm tù tội. Ra tù, Lâm gác kiếm rời khỏi giang hồ. Lúc bấy giờ, Năm Cam là thế lực ngầm số 1 ở Sài Gòn nhưng Lâm chẳng coi hắn ta ra gì. Cuộc đời của Lâm "chín ngón" sang một ngã rẽ khác khi một sự cố bất ngờ xảy ra vào tối ngày 14.7.1999, hắn đang chở vợ con đi ăn tối thì bị tạt một ca axit vào mặt.
Ngày 12.12.2001, Năm Cam bị bắt. Cho đến lúc này, Lâm"chín ngón" mới đi tố cáo Năm Cam là kẻ chủ mưu vụ tạt axít năm xưa .Tại phiên tòa xét xử Năm Cam và đồng bọn một năm sau đó, Lâm "chín ngón" đã ra trước tòa tố cáo tội ác của Năm Cam và đồng bọn. Cuối tháng 10 năm 2006, trong một lần bức bách, Lâm đã giã từ cõi đời mang nặng nghiệp chướng do mình gây ra một cách thê thảm.
5. PHẠM ĐÌNH NÊN (CU NÊN)
Phạm Đình Nên (hay còn gọi là Cu Nên, sinh năm 1957). Nên là người gốc Hải Phòng, là con trai út trong gia đình có 4 anh chị em. Tóm tắt về Nên, chỉ có 2 từ duy nhất: Ngông và ác. Cu Nên trưởng thành từ trường trại, hắn vẫn đang giữ "kỷ lục" về số tiền án, tiền sự trong giới tội phạm Việt Nam với số lượng là 22. Nhưng chỉ sau khi từ trại tị nạn Hongkong trở về, Nên mới nổi lên như một "ngôi sao đâm chém", còn trước kia, Nên cũng chỉ giống như bao tên giang hồ vặt vô danh khác. “Đại bản doanh” nơi Cu Nên nuôi quân (trong đó có Linh “cu”) đặt tại 112 Lạch Tray, Q. Ngô Quyền.
Từ tháng 7.1993 đến tháng 3.1995, lò đào tạo sát thủ này đã gây ra nhiều vụ án nghiêm trọng trên địa bàn thành phố, như giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, tàng trữ sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, tổ chức đánh bạc và đánh bạc... Sáng 15.3.1995, Công an Hải Phòng đồng loạt ập vào nhà số 112 Lạch Tray, bắt giữ Phạm Đình Nên cùng sáu tên đồng bọn, trong đó có hai sát thủ thân thiết nhất của y là Linh “cu” và Đinh Đình Tuyển; thu giữ tại bể nước ba khẩu súng quân dụng, một khẩu súng thể thao, một quả lựu đạn và bốn mươi bảy viên đạn cùng vô số dao kiếm. Ngày 4.1.1996, Phạm Đình Nên bị tuyên án tử hình.
Theo Khánh Ly/Dân Việt