HĐND TP Hà Nội vừa đưa ra dự thảo Nghị quyết Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố.
Theo dự thảo Nghị quyết, Hà Nội đặt mục tiêu tỷ lệ phương tiện xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh đến năm 2030 đạt 70 - 90% và đến năm 2033 đạt 100%. Có 3 kịch bản cho việc chuyển đổi tới năm 2033: Một là toàn bộ 100% xe buýt điện; Hai là 70% xe buýt điện, 30% xe buýt LNG/CNG và phương án 3 là 50% xe buýt điện, 50% xe buýt LNG/CNG.
|
Hà Nội sẽ thay thế xe buýt chạy diesel sang xe sử dụng điện, chạy khí CNG. (Ảnh: T.Q) |
CNG vẫn xả thải ra môi trường
Trước những phương án trên, nhiều ý kiến cho rằng để giảm phát thải ròng bằng 0 như cam kết của Việt Nam tại COP26, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải buýt nhất thiết phải chuyển sang xe điện thay thế cho xe buýt chạy khí CNG. Nguyên nhân bởi dù tạo ra ít phát thải hơn, xe chạy CNG vẫn phát thải vào môi trường và sẽ chỉ là giải pháp nửa vời, không thực sự xử lý tận gốc vấn đề phát thải.
Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) cho biết, xe chạy CNG vẫn phát thải ra môi trường và tạo ra ít hơn chỉ khoảng 20% lượng khí thải qua ống xả so với xe xăng. Thậm chí, một nghiên cứu của Sở Kiểm soát tài nguyên không khí California cho biết, CNG giảm phát thải thấp hơn diesel chỉ 12-17%.
|
Một nghiên cứu của Sở Kiểm Soát Tài Nguyên Không Khí California cho thấy, CNG giảm phát thải thấp hơn diesel chỉ 12-17%. |
Theo Green Economy Journal, chuyên trang về công nghệ bền vững của Nam Phi, CNG không phải loại nhiên liệu thực sự “xanh”. Các phương tiện chạy bằng CNG cũng có hại cho môi trường tương tự các phương tiện chạy bằng xăng hoặc dầu diesel (quá trình khai thác và xử lý khí tự nhiên sẽ làm rò rỉ lượng đáng kể khí mêtan - loại khí nhà kính có khả năng giữ nhiệt cao hơn 80 lần so với CO2 trong khoảng thời gian 20 năm).
Còn một nghiên cứu của các nhà khoa học tại Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp (CSIR) đã nêu ra, khí sinh ra khi đốt CNG có thể không độc hại như khói diesel nhưng có chứa các hạt nano carbon có thể gây ung thư.
“Lợi ích về môi trường của xe buýt CNG quá nhỏ bé so với xe điện”
Theo PGS.TS Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô, Đại học Bách khoa Hà Nội, trong quá khứ, một số nước trên thế giới từng sử dụng xe buýt chạy CNG nhưng hiện đã chuyển đổi sang xe buýt điện và phương tiện xanh khác.
Ông Phúc chỉ ra thực tế, xe CNG sử dụng động cơ đốt trong nên sẽ phát thải tại ống xả của xe. Lượng phát thải này có thể thấp hơn một chút so với xe chạy dielsel nhưng không thể nào giảm phát thải bằng 0 so với xe điện.
“Khí CNG từng được ca ngợi là giải pháp sạch hơn, tiết kiệm hơn thay thế cho xăng và dầu diesel, nhưng lợi ích môi trường của các phương tiện chạy loại nhiên liệu này trở nên nhỏ bé khi so sánh với xe điện”, ông Phúc nói.
|
Xe chạy khí CNG không “xanh” như lầm tưởng. (Ảnh: Báo Chính Phủ) |
Bên cạnh vấn đề xả thải, ông Phúc chỉ ra thực trạng xe buýt CNG ở HN và TP.HCM đã làm từ lâu nhưng không phát triển rộng rãi. Nguyên nhân do nguồn cung CNG hạn chế khi phụ thuộc vào khai thác mỏ. Ngoài ra, việc phát triển xe điện chạy bằng CNG sẽ phải đối mặt với khó khăn trong công tác lắp đặt trạm nạp, vận chuyển khí cũng như vốn đầu tư trạm nạp tốn kém.
Qua đó, về tổng thể vòng đời sản phẩm, các chuyên gia đánh giá, xe buýt điện mới là phương án tối ưu so với xe chạy CNG.
Góp ý thêm, ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng xe buýt CNG phát thải tương đối lớn, chi phí đầu tư cao. Do đó, thời gian tới, khi xe buýt sử dụng nhiên liệu hóa thạch phải chuyển đổi sang dùng năng lượng xanh, sạch thì tốt nhất nên chuyển sang xe điện để thống nhất chủng loại xe, công tác đầu tư bảo dưỡng sửa chữa thuận lợi hơn, giảm phát thải hoàn toàn.
“Xu thế hướng hiện nay là tới một đô thị với môi trường xanh, sạch tuyệt đối, xe chạy khí nén thiên nhiên CNG sạch hơn diesel và xăng nhưng so với điện thì không thể sánh bằng. Muốn vậy, Nhà nước phải có các cơ chế, chính sách hỗ trợ về nguồn vốn cho doanh nghiệp chuyển đổi, bố trí cơ sở hạ tầng để phát triển phương tiện, các trạm sạc năng lượng điện”, ông Tạo chia sẻ.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia khác cho rằng, bây giờ Hà Nội đầu tư xây dựng trạm sạc khí và xe chạy CNG nhưng theo lộ trình đưa ra, để đạt mục tiêu phát thải dòng bằng 0, Hà Nội sẽ vẫn phải thay thế 100% xe buýt điện thì chẳng khác gì ném tiền qua cửa sổ. “Trong khi lợi ích môi trường từ xe chạy CNG mang lại gần như không hiệu quả mà chúng ta vẫn phải tiêu tốn ngân sách để một thời gian sau phải bỏ đi làm lại thì có nên không?”, vị chuyên gia bày tỏ.
Theo An An/VTC