Con người vẫn đang cố gắng giải mã mọi bí ẩn sâu thẳm trong vũ trụ rộng lớn này. Liệu có nơi nào khác ngoài Trái đất mà con người có thể tới thăm? Con người thực sự đến từ đâu? Liệu có những hành tinh nào giống như Trái đất này? Đây là một số những câu hỏi mà các nhà thiên văn học, các nhà khoa học đang phải vật lộn nghiên cứu với hy vọng tìm ra lời giải đáp thích đáng nhất trên cơ sở khoa học thông qua kính thiên văn lớn nhất thế giới.
Giới khoa học đã bắt đầu "tung ra" những "khẩu súng" khổng lồ. "Khẩu súng" đó chính là một kính thiên văn lớn, Giant Magellan Telescope (GMT), được đặt trên một ngọn núi ở Las Campanas Observatory, Chile để truy tìm câu trả lời đánh đố bấy lâu nay. Giant Magellan Telescope sẽ là kính thiên văn lớn nhất trên Trái đất từ trước đến nay. Nó sẽ là vũ khí mở ra một kỷ nguyên mới về lĩnh vực thăm dò không gian sâu thẳm.
"Giant Magellan Telescope sẽ tiết lộ cho con người biết đối tượng đầu tiên phát ra ánh sáng trong vũ trụ, đồng thời khám phá ra những bí ẩn của năng lượng bóng tối và vật chất bóng tối. Hơn nữa, nó cũng xác định được những hành tinh có khả năng có sự sống giống như Trái đất trong thiên hà", Wendy Freedman, người đứng đầu tổ chức Giant Magellan Telescope Organization, ban quan trị, giáo sư về thiên văn học và vật lý thiên văn tại Đại học Chicago cho biết.
|
Kính thiên văn lớn nhất thế giới GMT sẽ cho những hình ảnh sắc nét hơn cả kính viễn vọng Hubble. |
Kính thiên văn GMT không chỉ là kính thiên văn lớn nhất thế giới mà còn bao gồm bảy mặt gương bao trùm một bề mặt phản chiếu duy nhất rộng 25m. Nhờ đó, công trình vĩ đại này có thể tạo ra những hình ảnh ngoạn mục, sắc nét gấp 10 lần kính viễn vọng được làm bởi Hubble Space Telescope.
Kính GMT này sẽ được xây dựng gần những kính thiên văn hiện có, trong một cấu trúc mái vòm khổng lồ 22 tầng tại sa mạc Atacama của Chile. Địa điểm xa xôi này sẽ cho phép kính thiên văn GMT chụp được những hình ảnh đáng kính ngạc phía trên bầu trời mà không bị cản trở bởi ô nhiễm ánh sáng đô thị.
Kính thiên văn GMT có giá trị khoảng 1 tỷ USD và được 11 đối tác quốc tế hỗ trợ một nửa kinh phí. Giới chuyên gia kỳ vọng kính này sẽ chụp được những ánh sáng đầu tiên vào năm 2021 và chính thức đưa vào hoạt động vào năm 2024. Chủ tịch GMTO, Edward Moses, nói: "Kính thiên văn GMT đánh dấu sự hợp tác khoa học toàn cầu với các đối tác tại Australia, Brazil, Hàn Quốc, Mỹ và chủ nhà Chile".
Trong khi đó, Robert Massey, phó thư ký của tổ chức Royal Astronomical Society, Anh cung cấp thêm: "Thế hệ kính thiên văn mới này đưa công tác nghiên cứu kỹ thuật đến một giới hạn mới trong việc theo đuổi những khám phá khoa học kỳ lạ. Những tấm gương lớn cho phép chúng ta thấy những vật thể mờ ảo rõ nét hơn, chi tiết hơn. Điều này có nghĩa là lần đầu tiên chúng ta có thể quan sát mọi thứ mà con người nghĩ chúng có tồn tại".
"Trong vài thập kỷ tới, tôi tự tin rằng, những kính thiên văn lớn hơn giống như Kính viễn vọng cực lớn của châu Âu (European Extremely Large Telescope) sẽ giúp chúng ta trả lời một số câu hỏi lớn. Nó sẽ cho chúng ta biết rằng, liệu có tồn tại nhiều hành tinh giống Trái Đất trong vũ trụ, và chỉ ra những ngôi sao đầu tiên nào được hình thành sau vụ nổ Big Bang... Đó thực sự là những điều vô cùng thú vị".
Cùng với những kính thiên văn khác được thiết kế để thăm dò vụ trụ sơ khai như kính viễn vọng Hubble, kính viễn vọng không gian James Webb (đang được xây dựng và dự kiến ra mắt vào năm 2018), những mặt gương lạ thường của chiếc kính thiên văn lớn nhất thế giới GMT được kỳ vọng cung cấp cho giới khoa học những hình ảnh chất lượng cao nhất chụp lại được từ vũ trụ.