Họp báo NASA: Tìm ra thủ phạm giết chết sự sống trên sao Hỏa

Google News

(Kiến Thức) - Buổi họp báo của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) công bố nguyên nhân nước và khí quyển (dấu hiệu sự sống trên sao Hỏa) biến mất.

Vào 2h sáng ngày 6/11 (theo giờ Việt Nam), Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) tổ chức buổi họp báo công bố thông tin quan trọng về sự sống trên sao Hỏa.
Hop bao NASA: Tim ra thu pham giet chet su song tren sao Hoa
 Hình ảnh gió Mặt trời tác động đến khí quyển sao Hỏa.
NASA công bố phát hiện quan trọng về bầu khí quyển sao Hỏa, tiết lộ nguyên nhân nước và khí quyển trên hành tinh Đỏ biến mất.
Các chuyên gia của NASA cho hay, tuyên bố này dẫn chứng từ những dữ liệu thu được từ tàu MAVEN (Mars Atmosphere and Volatile Evolution Mission - Sứ mệnh Khí quyển và Tiến hóa bất ổn của sao Hỏa) sau khi tiếp cận quỹ đạo sao Hỏa từ năm 2014 để nghiên cứu.
Dựa trên những dữ liệu từ MAVEN, bầu khí quyển từ sao Hỏa hiện đang bị phân tách bởi các luồng gió Mặt trời, thậm chí bị ảnh hưởng mạnh hơn cả khi xảy ra những cơn bão Mặt trời.
MAVEN tính toán được tốc độ thoát khí ra ngoài vũ trụ của sao Hỏa là khoảng 100gr/giây. Lượng khí này thoát ra tuy nhỏ, nhưng theo thời gian sẽ trở thành con số lớn. Ngoài ra, tốc độ thoát khí mạnh hơn khi có bão Mặt trời. Điều đó đồng nghĩa hàng tỉ năm trước, lượng khí thoát ra rất lớn, do Mặt trời lúc này hoạt động cực kỳ mạnh.
Hop bao NASA: Tim ra thu pham giet chet su song tren sao Hoa-Hinh-2
 
Buổi họp báo của NASA lần này được tổ chức là để làm rõ nguyên nhân vì sao khí hậu trên sao Hỏa nay lại trở nên khô cằn và hoang vu. Trước đó, khí hậu trên hành tinh Đỏ được nhận định là ấm áp, hệ thống sông ngòi dồi dào, rất thích hợp để duy trì sự sống.
Nhà khoa học Joe Grebowsky, người thực hiện dự án MAVEN cho biết: “Gió Mặt trời được xem là nguyên nhân chính khiến khí quyển trên sao Hỏa biến mất, làm thay đổi hoàn toàn khí hậu trên hành tinh này, bao gồm cả lý do nguồn nước biến mất”.
Theo các nhà nghiên cứu NASA, việc hiểu được những gì xảy ra với bầu khí quyển của sao Hỏa sẽ tiết lộ cho nhân loại biết về sự năng động và phát triển ở bất kỳ bầu khí quyển nào của hành tinh. Từ đó, con người có thể hiểu hơn về sự thay đổi môi trường các hành tinh và dần hé lộ lời giải về cuộc hành trình lên sao Hỏa của NASA.
Buổi họp báo đã tiết lộ thông tin chấn động, bầu khí quyển của sao Hỏa từng rất giống Trái đất, nhưng giờ đây lại trở nên khô cằn, không còn dấu hiệu sự sống bởi gió Mặt trời. Chính những cơn gió Mặt trời đã tàn phá sao Hỏa.
Gió Mặt trời thực chất là dòng chảy của các hạt proton và electron, có tốc độ khoảng 1,6 triệu km/h. Từ trường của những con gió Mặt trời khi đi qua bầu khí quyển của sao Hỏa có thể tạo thành một từ trường (thứ làm tăng tốc độ ion trong khí quyển) khiến các hạt này văng ra ngoài vũ trụ. Tuy sao Hỏa từng có hệ thống sông hồ dày đặc, nhưng việc phải hứng chịu tác động từ gió Mặt trời và các tia cực tím có cường độ mạnh khiến bề mặt hành tinh dần trở nên khô cằn, hoang hóa.
Trả lời câu hỏi về việc liệu hiện tượng tương tự có xảy ra với Trái đất, các chuyên gia NASA cho rằng, tuy hiện nay Trái đất vẫn an toàn nhưng trong tương lai, hệ từ trường của Trái đất có thể ngừng hoạt động. Theo đó, tất yếu sẽ là việc bầu khí quyển của chúng ta có khả năng cũng bị xé nát.
Lưu Thoa