Hỏi: Ngoài chiêm ngưỡng nguyệt thực xảy ra vào tối ngày 8/10, tôi được biết, cũng trong tháng 10 này, những người yêu thiên văn còn có cơ hội được chiêm ngưỡng mưa sao băng Orionids. Xin hỏi điều này có đúng không? - Nguyễn Văn Hạ (Hà Nội).
Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Hội Thiên văn học Trẻ Việt Nam: Trận mưa sao băng này sẽ diễn ra vào đêm 22, rạng sáng ngày 23/10 với khoảng 30 sao băng/giờ. Năm nay, hiện tượng sẽ diễn ra vào thời điểm không có ánh trăng. Do đó, nếu trời ít mây thì đây sẽ là một sự kiện thiên văn đáng chú ý.
Lần đầu tiên mưa sao băng này được quan sát là vào các năm 1839 và 1940 bởi nhà quan sát E. C. Herrick. 1,5 thế kỷ đã trôi qua, các thiên thạch của Orionids vẫn còn nhiều trên khí quyển Trái Đất và chúng ta vẫn có thể quan sát trận mưa sao băng này dù với mật độ sao băng nhỏ hơn trước khá nhiều. Để quan sát, hãy tìm địa điểm có góc nhìn rộng, không có ánh đèn.
Ngoài ra, hãy hướng mắt về bầu trời phía Đông, bạn sẽ thấy chòm sao Orion đã mọc lên và sẽ tiếp tục lên cao dần cho tới sáng. Chòm sao này rất dễ nhận ra bởi cái thắt lưng nổi tiếng là 3 ngôi sao sáng thẳng hàng và cách đều nhau tạo thành một đoạn thẳng rất đặc biệt trên bầu trời.
PV (ghi)