M113 là một trong những mẫu xe thiết giáp chở quân thành công nhất trong lịch sử, do Mỹ nghiên cứu phát triển từ giữa những năm 1950. Kể từ khi được đưa vào sản xuất, hơn 80.000 chiếc đã được chế tạo ở Mỹ và cả nước khác (mua giấy phép sản xuất).
Trong Chiến tranh Việt Nam, hàng nghìn xe M113 đã được Mỹ đưa tới miền Nam Việt Nam. Sau năm 1975, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã thu được vài trăm xe loại này và sử dụng cho tới tận ngày nay. Không những vậy, ta còn tự cải tiến hệ thống vũ khí trên M113.
|
Thiết giáp M113 của Việt Nam trên chiến trường Campuchia.
|
M113 có trọng lượng khoảng 12 tấn, dài 4,86m, rộng 2,68m, cao 2,5m, kíp lái 2 người, chở tối đa 11 lính bộ binh.
Động cơ diesel của M-113 được đặt ở góc bên phải phía trước thân xe, cho tốc độ tối đa trên đường bằng 67,6km/h, và 5,8km/h nếu bơi dưới nước.
M-113 có thể bơi mà không cần bất cứ chuẩn bị gì ngoài việc nâng tấm "trim vane" ở phía trước xe để ổn định khi bơi. M-113 bơi trong nước nhờ sự chuyển động của xích. Các miếng che xích ở hai bên thân xe giúp tăng thể hiện của xe dưới nước. Hai bơm điện được gắn vào thân trước bên trái và thân sau bên phải.
Thân xe được hàn toàn bộ của M-113 là hợp kim (loại 5083) của nhôm, mangan và magie được sản xuất bằng phương pháp cán lạnh cho khả năng chống đạn súng cá nhân nhỏ và mảnh pháo.
|
Súng chống tăng SPG-9 73mm do Việt Nam sản xuất lắp trên M113.
|
Vũ khí tiêu chuẩn của M-113 là một khẩu súng máy hạng nặng 12,7mm M2HB gắn ở nắp vòm của xa trưởng. Khẩu M2HB nạp đạn từ hộp đạn 100 viên và có độ nâng hạ từ +53 độ đến -21 độ và có thể xoay 360 độ. Cơ số đạn trung bình là 2.000 viên. Hai bên sườn xe cũng có thể được lắp 2 súng máy 7,62mm.
Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam đang từng bước thay thế các loại vũ khí Mỹ trên M113 bằng vũ khí trong nước tự sản xuất. Theo đó, M113 sẽ được trang bị đại liên 12,7mm NSV (bắn trực thăng bốc quân, bắn mục tiêu mặt đất), đại liên 7,62mm PKMSN bắn mục tiêu mặt đất và súng chống tăng 73mm SPG-9.
Hoàng Lê